Chiều ngày 16/11, ĐBQH Phạm Thị Kim Hiền - Đoàn Đại biểu tỉnh Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Phụ nữ TP. HCM xung quanh vấn đề khiến bà cảm thấy "đau lòng".
PV: Vấn đề Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh điều động giáo viên thường xuyên đi tiếp khách trong các sự kiện được lãnh đạo địa phương miêu tả là niềm vinh dự, tự hào. Một số giáo viên sau đó còn nói là tự nguyên, vậy tại sao bà lại cảm thấy "đau lòng"?
ĐBQH Phạm Thị Kim Hiền: Mỗi người có quan điểm khác nhau, đứng ở một góc độ này thì họ thấy là bình thường. Dưới góc độ về Giới là một nữ đại biểu, tôi nhận thấy đây là tình trạng phân biệt đối xử về Giới, vi phạm một trong 4 hành vi nghiêm cấm trong Luật Bình đẳng giới có quy định 4 hành vi nghiêm cấm thì trong đó có hành vi phân biệt đối xử về giới.
Chiều nay (16/11/2016) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói rõ quan điểm không chỉ lực lượng giáo viên mà cả cán bộ công nhân viên chức cần phải xem xét lại vấn đề điều động nữ công chức tham gia vào các đội hình lễ tân thì có lên hay không? Vụ việc này dư luận xã hội không đồng tình, có những lời bình luận đau lòng đối với người giáo viên, ảnh hưởng tới cả hạnh phúc gia đình của giáo viên thì phải đau lòng chứ?
|
ĐBQH Phạm Thị Kim Hiền trong phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngày 16/11 (Ảnh ANTĐ). |
Tôi không đổ lỗi vấn đề này thuộc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vấn đề quản lý con người thuộc về cán bộ địa phương. Do cách chia sẻ của Bộ trưởng có thể là vô tình khi nói cái này cũng là "vui vẻ thôi" hoặc là một đại biểu khác dùng từ "tiếp viên" sẽ gây tổn thương cho người trong cuộc. Mà những người trong cuộc, họ có rất nhiều lý do. Hoặc là họ vui vẻ đi hoặc là họ cũng vì cái này cái kia nên họ phải đi...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần phải đứng ở nhiều góc độ khác nhau để nhìn nhận vấn đề. Đặc biệt, trong ngành Giáo dục có riêng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ, phải thực hiện bình đẳng giới trong ngành. Nếu như nói đó chỉ là hiện tượng "vui vẻ thôi" thì có thể ở góc độ khác, chúng ta tiếp cận với một quan điểm khác. Nhưng mà vì sự tiếp bộ của phụ nữ, ở góc độ phân biệt đối xử về giới thì tôi cho rằng là không nên có những suy nghĩ như vậy.
PV: Rất nhiều người bức xúc, lên án việc thường xuyên điều động giáo viên đi làm những việc nằm ngoài chuyên môn nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc giáo viên đi tiếp khách trong các sự kiện văn hóa ở Thị xã Hồng Lĩnh là điều bình thường, thậm chí góp phần vào việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống, không phải giáo viên mà bất kỳ người dân nào cũng phải có trách nhiệm.
Văn bản của Thị xã Hồng Lĩnh cũng nêu rõ việc điều động giáo viên chỉ dừng ở mức tiếp khách còn chuyện ăn nhậu, hát karaoke... là quyền ở mỗi giáo viên. Thế nhưng vấn đề vẫn khiến dư luận bức xúc, phải chăng điều cốt lõi ở đây là người dân không tin vào đạo đức của cán bộ, lợi dụng việc tiếp khách để làm những điều xằng bậy, thỏa mãn nhu cầu cá nhân?
ĐBQH Phạm Thị Kim Hiền: Đánh giá đạo đức, tư cách của một cán bộ là cả một quá trình chứ không không phải vì một vụ việc đó mà mình đánh đồng là do tư cách đạo đức cán bộ đi xuống khiến xã hội mất lòng tin, họ hùa vào. Cải cách trong ngành giáo dục, mình phải nhấn mạnh vào vấn đề con người. Trong khi đó, trong ngành giáo dục lại có những hiện tượng, những tình trạng biểu hiện ra bên ngoài còn sự hy sinh thầm lặng của giáo viên không được nhắc đến. Cái này một phần cũng là do dư luận họ chỉ nhìn thấy tiêu cực mà không ghi nhận mặt tích cực. Vô tình như vậy, vấn đề tư cách đạo đức nói riêng và cán bộ công viên chức nói chung bị nhìn theo khía cạnh rất tiêu cực.
|
Ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh: "Nếu là cán bộ được điều động thì tự hào quá, tôi đang nghĩ rằng biết đâu anh (người không được điều động - PV) không được điều đi lại ghen tỵ nên phản ánh". |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có quan điểm rất rõ và tôi cũng đồng tình với quan điểm của Phó Thủ tướng. Tức là, ở góc độ nào đó thì đây là điều không nên. Xã hội bây giờ tiếp cận thông tin đa chiều, họ sẵn sàng nói lên tiếng nói của họ. Khi mà quan điểm khác nhau thì họ có thể có những ngôn từ làm ảnh hưởng đến từng cá nhân, gây tổn thưởng tới cuộc sống của người tham gia. Chức năng của cán bộ viên chức, công chức cũng đã rất rõ ràng, được quy định trong Luật nên chúng ta cứ theo Luật mà làm.
Còn vấn đề ai tự nguyện, đó là nhiệm vụ tự hào thì mình tiếp cận ở một khía cạnh khác. Đây là một nhiệm vụ chung, phục vụ cho sự kiện văn hóa trọng đại của địa phương thì ai cũng có trách nhiệm vào đó thì nó khác. Nhưng mà còn vấn đề sau đó là đi tiếp khách, đi uống rượu, uống bia... môi trường đó gây hình ảnh không tốt cho người giáo viên.
PV: Trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về vấn đề này, có điều gì làm bà chưa hài lòng? Câu hỏi cảm xúc của bà dành cho Bộ trưởng cũng chưa được trả lời, sau đó Bộ trưởng có gặp bà để trả lời câu hỏi đó không?
ĐBQH Phạm Thị Kim Hiền: Lúc đó cũng đã hết giờ nên không thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ. Nhưng khi buổi trưa về Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có suy nghĩ rất là cảm thông với chất vấn trực tiếp, thời gian eo hẹp nên Bộ trường phải chịu áp lực về thời gian, làm sao phải trả lời tất cả các nội dung mà đại biểu đặt ra nên có thể cách dùng từ của Bộ trưởng chưa được chuẩn lắm.
Nếu mình không tranh luận, làm rõ vấn đề đó thì chắc gì buổi chiều Bộ trưởng sẽ trao đổi lại đó chỉ là "cách dùng từ, lỡ thôi" và có khi lại thêm một tiêu cực nữa với ngành giáo dục. Tôi thấy cách tranh luận của Quốc hội trong kỳ này cũng khá là dân chủ và mở ra được nhiều vấn đề. Chúng ta không nên nhìn vào một khía cạnh nhỏ để nâng lên thành nhiều cái quá thì sẽ không tốt. Đặc biệt là những người đã dính vào vụ việc ở Hà Tĩnh vừa rồi họ cũng sẽ bị tổn thương.
Cảm ơn bà đã trao đổi với Phụ nữ TP. HCM!
Đông Tẩu (thực hiện)