Giáo viên tiếng Anh đi bán cơm, chủ trung tâm hết đường xoay xở

06/03/2020 - 14:01

PNO - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trung tâm ngoại ngữ không mở cửa đón học viên. Chính vì thế, giáo viên phải tự tìm cách mưu sinh để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Vân, giáo viên của Trung tâm Anh ngữ PopoDoo (TP.Hà Nội) điêu đứng vì không có thu nhập.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tạm thời trung tâm không mở cửa đón học viên. Chính vì thế, giáo viên phải tự tìm cách mưu sinh để vượt qua giai đoạn khó khăn. Công việc chính trong thời gian này của chị Vân là bán hàng trực tuyến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị tâm sự: “Từ đầu tháng Hai, trung tâm tạm dừng hoạt động, chúng tôi không có lương. Chúng tôi mong dịch sớm được đẩy lùi để trung tâm ổn định hoạt động, giáo viên cũng sống được bằng nghề. Chứ kéo dài hơn chắc tôi phải bỏ hẳn để đi làm việc khác”.

Cùng dạy ngoại ngữ ở trung tâm, cô Phạm Hoa Vinh và một số đồng nghiệp phải bán cơm hộp để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sáng, thay vì lên lớp, cô Vinh lên thực đơn, thông báo đến khách hàng và nhận đơn. Những suất cơm có giá 30.000 đồng được gói ghém cẩn thận và vận chuyển đến bất cứ đâu.

Cô Vinh cùng chung lo lắng như nhiều đồng nghiệp: “Khi trung tâm đóng cửa, chúng tôi cũng nghỉ dạy và không có lương. Người thì phải đi bán cơm, người thì quần áo… để mưu sinh”.

Tình cảnh éo le của giáo viên vẫn chưa bi đát bằng các chủ trung tâm. Trong thời điểm dịch COVID-19 kéo dài, học sinh được nghỉ, nhưng các trung tâm vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, lãi ngân hàng, tiền bảo hiểm, lương giáo viên.

Chị V.T.T., chủ một trung tâm tiếng Anh tại TP.Hà Nội tâm sự: “Sau hai tháng, tôi đã phải bán xe, cầm cố nhà để có tiền trả lãi ngân hàng, trả lương cho giáo viên. Số tiền này một tháng không dưới 200 triệu/đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài sang tháng 4/2020, có lẽ tôi sẽ phải sang nhượng trung tâm do không gánh nổi chi phí”.

Tại Trung tâm Ngoại ngữ New Sky (TP.Hà Nội), chị Hồng Vân, chủ trung tâm chia sẻ: “Chi phí phải bỏ để duy trì trung tâm mỗi tháng không dưới 100 triệu đồng. Tình cảnh hiện nay của chúng tôi rất bi đát. Trước đây khi mở trường, tôi đã phải bán đất, bán xe, vay ngân hàng. Nếu kéo dài tình hình này, chắc tôi không trụ được, tôi đã tính việc phải sang nhượng cho chủ mới”.

Bên cạnh việc “bó tay chịu trói”, nhiều trung tâm cũng đổi mới phương thức hoạt động để thích ứng với đợt dịch này. Có trung tâm mở ra hình thức học trực tuyến. Mục đích để học sinh không quên kiến thức, tìm thấy niềm vui học tập tại nhà. Hình thức học này ứng phó rất tốt trong dịch COVID-19, mang lại lợi ích cho học sinh.

Dưới góc nhìn quản lý, phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho rằng: đã đến lúc cần có một chiến lược dài hơi hỗ trợ các trường tư thục và các trung tâm ngoại ngữ khi xảy ra thiên tai, địch họa. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI