|
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Hội thảo do Trường đại học Sư phạm TPHCM tổ chức vào sáng ngày 8/4. Tại đây, nhiều đại biểu đã chỉ ra cơ hội cũng như thách thức khi triển khai chương trình, trong đó vai trò của người thầy là hết sức quan trọng.
“Không thể đánh giá con cá bằng khả năng leo cây”
Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận - chia sẻ, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THPT đối với lớp 10. Cũng như các địa phương khác, Bình Thuận đối mặt với khó khăn về việc thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, trong khi số lượng học sinh tăng dần qua từng năm. Bên cạnh đó, với các môn học mới là hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương thì giáo viên phải dạy kiêm nhiệm mà không được đào tạo bài bản.
Một vấn đề khác là hiện nay học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn học đa phần theo cảm tính, theo “hiệu ứng đám đông” từ bạn bè. Điều này tạo ra sự mất cân đối về nguồn lực giáo viên từng trường THPT trong toàn tỉnh. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên bộ môn xảy ra khi học sinh thiên về tổ hợp Khoa học xã hội. Khi thực hiện chương trình mới, nhiều phụ huynh cũng bị sốc vì con mình đạt loại giỏi năm lớp 9 nhưng lên lớp 10 chỉ đạt trung bình.
Ông cho rằng, tuy không phải là tất cả nhưng vẫn có nhiều giáo viên, người quản lý mang tâm lý ngại thay đổi. Đồng thời nhận định, đổi mới giáo dục là yêu cầu bắt buộc, nếu thầy cô, học sinh, nhà trường chịu đổi mới thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ thay đổi. Ông đưa ra dẫn chứng, trong các trường học ở Singapore đều có khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”.
“Tôi từng xuống trường trao đổi với thầy cô về việc đổi mới giảng dạy. Tâm lý của các thầy cô là môn nào cũng bắt học sinh phải giỏi, trong khi mỗi em có thế mạnh riêng. Học sinh giỏi toàn diện 11 môn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Albert Einstein đã nói: Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Do đó, thầy cô nên chú trọng đến việc đánh giá, phát triển năng lực của mỗi học sinh và quan sát, lắng nghe, chia sẻ với các em” - ông Phan Đoàn Thái nói.
|
Bà Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) |
Bà Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) - cho hay, việc triển khai chương trình mới có nhiều thuận lợi nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức với giáo viên. Khoảng 60% thầy cô cho biết họ gặp một vài khó khăn, khoảng 35% giáo viên gặp nhiều và rất nhiều trở ngại khi thực hiện chương trình mới. Bà đề xuất hướng tới xây dựng chiến lược “Chuyên biệt hóa trường học” để giúp các trường phát huy tối đa ưu thế, điểm mạnh của giáo viên và học sinh, từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với học sinh, có thể áp dụng mô hình học tập “bạn giúp bạn”, trong đó những học sinh giỏi, có năng lực sẽ hỗ trợ học tập cho những em gặp khó khăn trong quá trình học tập.
Thay vì than thở, thầy cô hãy hiến kế
Chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai chương trình mới ở mô hình trường chuyên, bà Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) - cho rằng, việc được lựa chọn môn học tự chọn giúp học sinh phát huy thế mạnh của bản thân. Tuy vậy điều này cũng dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong nhà trường. Bà đề nghị lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan có phương án giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là với các môn lựa chọn. Bên cạnh đó, các trường công lập cần được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất để học sinh phát huy tốt nhất thế mạnh, năng lực bản thân. Thực tế cho thấy, khi được học môn yêu thích, đúng với thế mạnh thì các em rất vui vẻ, say mê học tập.
Ông Trương Văn Tiến - Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận - nhận xét, hiện nay chúng ta vẫn nói đến việc đổi mới kiểm tra, đánh giá như một khẩu hiệu, song thực tế nhiều thầy cô vẫn đi theo lối mòn. Thay vì đánh giá học sinh theo định hướng phẩm chất, năng lực thì chủ yếu vẫn là đánh giá qua một vài bài kiểm tra kiến thức. Trong khi để đánh giá năng lực thì khâu đánh giá thường xuyên mới là quan trọng, vì năng lực muốn hình thành cần cả quá trình và cần đánh giá qua nhiều kênh.
Các thầy cô cần hiểu rằng khi thay đổi thì chắc chắn ban đầu có khó khăn và phải vượt qua được cảm giác ngại thay đổi, phải có động lực thay đổi. Giáo viên không có động lực thì ko thể truyền “lửa” cho học sinh. Do đó, trường phải xây dựng các hoạt động truyền cảm hứng cho giáo viên, từ đó họ mới có “lửa” nhiệt huyết để truyền cho học sinh.
|
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn trao đổi tại hội thảo |
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TPHCM - nhìn nhận, quan trọng nhất vẫn là làm sao để thay đổi tư duy, thói quen của giáo viên. Thầy cô nào cũng coi môn của mình là môn chính, học sinh phải học giỏi môn của mình. Có những giáo viên vẫn bị áp lực thành tích, vẫn có sức ỳ, ngại đổi mới.
Theo ông, đây là giai đoạn bản lề của đổi mới giáo dục, không thể có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có thể tìm những giải pháp tốt nhất để khắc phục khó khăn. Và thay vì than thở thì thầy cô hãy hiến kế cho ngành giáo dục. Về lâu dài, ngành giáo dục phải nỗ lực chuyển đổi số để quản lý, thực hiện tốt nhất mục tiêu chương trình mới.
Sắp tới, Trường đại học Sư phạm TPHCM sẽ tổ chức biên soạn cẩm nang kỹ năng tự học cho học sinh phổ thông, đồng thời, xây dựng hệ thống học liệu dùng chung. Hiện nay, Trường trung học thực hành được sử dụng chung phòng thí nghiệm của Trường đại học Sư phạm TPHCM. Do đó, các trường phổ thông trong từng cụm chuyên môn có thể sử dụng chung phòng thí nghiệm, thiết bị để dạy học. Thậm chí, cả giáo viên cũng có thể “dùng chung”, học sinh được quyền "chạy sô" trong cơ sở giáo dục tự chọn.
P.Thanh