Giáo viên sẽ là lực cản lớn nhất của chương trình mới

30/12/2019 - 08:04

PNO - Hơn mười năm nghiên cứu giáo dục, trực tiếp giảng dạy từ sinh viên đại học tới… học sinh lớp Một, tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, cho rằng với chương trình giáo dục phổ thông mới, lực cản lớn nhất sẽ đến từ phía giáo viên.

Hơn mười năm nghiên cứu giáo dục, trực tiếp giảng dạy từ sinh viên đại học tới… học sinh lớp Một, tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, cho rằng với chương trình giáo dục phổ thông mới, lực cản lớn nhất sẽ đến từ phía giáo viên. 

* Phóng viên: Khi nhìn vào thực trạng giáo dục hiện nay, thất vọng là tâm trạng chung của xã hội. Là người nghiên cứu về giáo dục ông có nghĩ như vậy? 

- Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam: Tôi cho rằng góc nhìn này mang định kiến với giáo viên (GV) và chưa bao quát. Những vấn đề như đánh học trò, thì thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Thậm chí thế hệ tôi còn bị thầy cô đánh đau hơn nhiều. Có khác là trước đây các phương tiện thông tin ít. Còn bây giờ, truyền thông đã “soi” vào mọi ngóc ngách của đời sống, nên những vấn đề đó có vẻ nhiều hơn.

Tôi thương các thầy cô nhiều hơn là trách, đặc biệt là GV tiểu học, họ rất vất vả và quá nhiều áp lực. Ngoài những áp lực trong nhà trường, họ cũng phải đối mặt với áp lực về đời sống kinh tế, nuôi dạy con cái. Với mức thu nhập trung bình của GV hiện nay, đặc biệt là GV hợp đồng, tôi khẳng định là không đủ sống.

Những chuyện đáng phê phán trong nhà trường, theo tôi đều là hệ quả của hai việc: quá nhiều áp lực và thu nhập thấp.

Tôi nhớ nhiều năm trước, ở một trường tự chủ về tài chính mà tôi biết, khi phỏng vấn tuyển GV, người đứng đầu nhà trường hỏi ứng viên về nghề nghiệp của bố mẹ, của chồng, về gia cảnh, thậm chí là điều kiện kinh tế… Những điều tưởng như không liên quan đó lại là yếu tố quyết định. Bởi khi người thầy không phải xoay xở để lo kinh tế thì mới chuyên tâm dạy học được. Còn GV mà phải nghĩ cách này, cách khác để gia tăng thu nhập, thì “chết”… học sinh (HS).

Giao vien se la luc can lon nhat cua chuong trinh moi
Một lớp đào tạo giáo viên hiện đại của tiến sĩ Nguyễn Thành Nam

* Nói như vậy, phải chăng biện minh cho những góc “xấu xí” trong nhà trường?

- Những tồn tại đó, chỉ cần các trường có cơ chế giám sát chặt chẽ, rõ ràng. Ví dụ bạo hành HS, về luật là sai, và GV hoàn toàn có thể bị mất việc. Khi đã có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, dần dần những người không chịu được sự kiểm soát có thể xin ra khỏi ngành.

Thực tế có nhiều GV không phù hợp với nghề giáo nhưng không đủ can đảm từ bỏ nghề. Nhiều người biết là không sống được bằng nghề, nhưng vẫn cố vào ngành chỉ để có sự yên ổn, sau đó họ kiếm sống bằng công việc khác. Đổi mới giáo dục, cũng cần phải làm sao để những người không phù hợp buộc phải lựa chọn: nếu không tuân thủ nghiêm những giám sát thì đừng vào ngành. Còn đã chọn đứng trên bục giảng thì phải chấp nhận.

Để đổi mới hiệu quả, cần có những chính sách song song để GV sống được bằng nghề, để họ không phải làm thêm các việc khác. Vừa rồi, TP.Hà Nội giao cho một số trường công chất lượng cao tự chủ tài chính. Tôi cho rằng đó là cách làm hay. Khi tự chủ, tự hạch toán, tự trả lương cho GV, thì chắc chắn sẽ thu hút được GV có năng lực. 

* Đó là giải pháp khả thi, có thể thực hiện ở những đô thị, thành phố kinh tế phát triển. Còn với mặt bằng chung thì ra sao, thưa tiến sĩ?

- Đợt đổi mới này, theo tôi sẽ có những trường thay đổi rất mạnh, nhưng cũng có những trường, sự thay đổi có lẽ là không đáng kể. Từ giữa năm 2018, tôi bắt đầu các khóa giảng hoàn toàn miễn phí cho HS các trường về thay đổi phương pháp học tập.

Nhưng tôi nhận ra, dù HS có thay đổi, nhưng GV không quan tâm thì những thay đổi đó không hiệu quả. Nên từ năm 2019, tôi chuyển mục tiêu, giảng phương pháp giáo dục hiện đại cho thầy cô. Cũng có trường, GV rất thích, họ mời tôi trở lại. Nhưng nhìn chung, thầy cô học để biết chứ không sẵn sàng nhập cuộc. Theo tôi, GV sẽ là lực cản lớn nhất với lần đổi mới này.

Tôi đi đào tạo GV ở các trường, thường cả ban giám hiệu và toàn thể GV. Có lần, đúng hôm tôi giảng thì ban giám hiệu của trường nọ phải đi dự cuộc nhận quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng ở địa điểm khác.

Vắng lãnh đạo, các GV đến nhưng dồn lại phía dưới. Họ đến với tâm thế ép buộc và tâm trạng chán ngán. Tôi phải đi xuống dưới, ngồi giữa nhóm mấy chục GV ở cuối phòng để nói chuyện. Họ không thay đổi, ngại thay đổi vì không có động lực.

Công bằng mà nói, có động lực hay không lại không phải do họ. Động lực chỉ đến khi có điều đầu tiên là lợi ích, kế tiếp là an toàn và sau cùng mới là được tôn vinh. Nhưng bây giờ, nếu họ làm cái mới, thì một là không có tiền, nhà trường cũng không khuyến khích; hai là có thể số đông đồng nghiệp đang “yên ổn” với cái cũ sẽ không thích người làm cái mới.

Cả hai yếu tố lợi ích và sự an toàn đều không đáp ứng được, thì rất khó đòi hỏi động lực để họ làm tốt công việc của mình, chứ chưa nói đến động lực để nhập cuộc với cái mới.

Tôi cho rằng, những phần “xấu xí” trong nhà trường như đánh giá của dư luận, ngoài nguyên nhân chính là GV không sống được bằng nghề và áp lực công việc quá lớn thì còn một yếu tố khác là môi trường. Ví dụ ở miền núi, cả HS và phụ huynh đều rất yêu quý, tôn trọng thầy cô, thấy từ đằng xa đã chào. Thỉnh thoảng xách đến tặng thầy cô con gà, ổ trứng. Họ tặng vì tình cảm, vì sự trân trọng người đã nuôi dạy con mình. Niềm vui trong công việc của người thầy đến từ những tình cảm chân chất, trong sáng đó, thì họ mới có thể nghĩ đến và hướng đến những điều cao đẹp của nghề.

* Cảm ơn tiến sĩ. 

Uông Ngọc (thực hiện)

Những 'thợ dạy' thụt lùi

Cận ngày thi học kỳ I, N.M. (Hà Nội) cặm cụi chép lại bài kiểm tra môn văn của mình. Với đề bài “tả một đồ chơi mà em yêu thích”, bài làm của M. được cô giáo chấm 9,5 điểm. Chị H., mẹ của M., thắc mắc: “Sao con chép đi chép lại bài đó thế?”. M. vừa viết vừa trả lời: “cô giáo bảo chép mà”. Chị H. nói: “Nhưng con đã chép đến bốn lần rồi. Thay vì chép, con có thể đi chơi”.

Nghe “đi chơi”, ánh mắt cậu bé lớp Bốn sáng lên rồi nhanh chóng cụp xuống: “cô giáo bảo, nên con phải chép”. Chị H. bức xúc: “Tôi không hiểu tại sao cô giáo yêu cầu chép đi chép lại bài văn của chính nó. Trong khi với môn văn, mỗi lần viết là một xúc cảm, thậm chí câu văn cũng khác nhau”. 

Cũng có con học lớp Bốn, chị H.T. “phát ớn” khi đọc những câu văn tả gấu bông của con. Từng là học sinh chuyên văn, chị phải giảng giải cặn kẽ: “Nếu tả con chó, con mèo thì con có thể nhân cách hóa, vì chúng đều có tình cảm và sự gắn kết với con người. Nhưng là một con gấu bông, mà con viết “mỗi khi em ngồi học bài, chú lại âu yếm nhìn em”, hay “ánh mắt chú như biết cười” là không nên”. Chị T. phàn nàn: “Có rất nhiều câu văn của cháu thể hiện rất rõ sự rập khuôn văn mẫu. Tôi phải trò chuyện và thuyết phục con viết ra góc nhìn của cháu, chứ không được bắt chước hay sao chép”.

Cậu bé học lớp Hai - T.N. thì hồn nhiên kể: “Con tập làm văn, cô giáo ra đề bài tả gia đình. Con kể có ông bà, bố mẹ, có em; có bác và chị bé. Cô giáo hỏi “tất cả sống cùng một nhà à?”. Con trả lời: “vâng, bác con sống cùng nhà, con có hai mẹ, vì con gọi bác là mẹ, và bác cũng xưng mẹ với con…”. Thế là cô giáo bảo: “Kể gì mà kể lắm thế, kể ít thôi”. Con thích tả chị, vì chị đáng yêu, lại bé nhất nhà. Nhưng cô giáo bảo vậy nên con phải gạch bớt đi, chỉ tả nhà bốn người là bố, mẹ, em và con” - cậu bé nói, giọng có vẻ tiếc.

Từ bao giờ, việc một đứa trẻ đến trường đã trở thành vấn đề lớn với cả ông bà, bố mẹ? B., một cháu bé lớp Hai, ngoan ngoãn, học giỏi. Tuần trước, đại gia đình cháu, từ các thành viên ngoài Bắc đến những người thân trong Nam đều “sốt sình sịch”. Bắt đầu từ việc B. viết chữ thẳng, hôm đó thấy bạn bên cạnh viết chữ nghiêng, cháu thấy đẹp nên bắt chước. Nhưng cô giáo, khi nhìn thấy B. viết nghiêng đã đánh và xé vở của cháu. Hai trang bên này bị xé, thì hai trang ở nửa đối diện rời ra. B. tiếc nên kẹp lại để mang về làm giấy nháp. Giờ ra chơi, gió lùa vào lớp, làm hai trang giấy trắng bay xuống sàn. Vào học, B. bị cô giáo “kết tội” vứt rác bừa bãi, phạt đi nhặt rác khắp lớp. B. ngồi viết bài mà nước mắt lã chã, làm chữ bị nhòa, cô giáo lại mắng nhiếc và đánh B. vì tội… bẩn. 

Nhắc lại chuyện xảy ra với cháu gái, bà T. (em gái của ông ngoại B.) tức tối: “Giờ tập làm văn, trước lớp, cô giáo còn nói “cả lớp làm bài tả bố mẹ, riêng bạn B. chỉ được tả ông bà, vì bạn B… không có bố”. Sau sự việc, đại gia đình B. chia thành ba “phe”: một muốn làm rõ sự việc. Một dĩ hòa vi quý, gia đình, giáo viên, nhà trường nói chuyện để điều chỉnh, khắc phục. Và một, là bà ngoại cháu vẫn vẹn tinh thần tôn sư trọng đạo, thông cảm với cô và xem những chuyện B. gặp phải là chuyện nhỏ… 

Rõ ràng, những câu nói ấy, thốt ra từ bất cứ người bình thường nào đều đáng lên án; đằng này, lại từ người được gọi là “kỹ sư tâm hồn”, thì quả thực không thể nào hình dung nổi. 

Ngọc Minh Tâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • nguyễn thanh thủy 01-01-2020 21:20:01

    Giáo viên là lực cản lớn nhất - hoàn toàn tán thành, ý kiến quá sâu sắc, chí lí!
    Nên dạy và đào tạo mới 100% giáo viên thôi!
    Mau kẻo hỏng chương trình!

  • Đắc Trường 01-01-2020 15:26:34

    Tôi đồng ý với Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đã nói rất đúng hiện trạng hiện nay của GD. 37 năm trong nghề với hơn 20 năm làm quản lý, kinh nghiệm sau nhiều lần cải cách và đổi mới, tôi kết luận rằng: Giáo viên là lực cản rất lớn của mọi lần đổi mới GD và lần này cũng vậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI