Giáo viên, phụ huynh ngày nay khó giao tiếp đến nỗi cái gì cũng đưa lên mạng?

23/04/2023 - 07:42

PNO - Việc tìm cách giao tiếp với nhau bằng sự đồng cảm, bình tĩnh và thấu hiểu không nên là nguyên nhân gây thêm những áp lực, ồn ào giữa chốn học đường.

 

Văn hóa học đường luôn cần sự đồng cảm, bình tĩnh và thấu hiểu. Ảnh: Deposite photo
Văn hóa học đường luôn cần sự đồng cảm, bình tĩnh và thấu hiểu. Ảnh: Deposite photo

Mấy ngày qua, báo chí, mạng xã hội và cộng đồng xôn xao với những câu chuyện liên quan đến ồn ào việc nghi học sinh mang thuốc lá điện tử, giám thị trường yêu cầu học sinh cởi đồ để một em khác kiểm tra. Trong số nhiều ý kiến, tôi chú ý đến lời chia sẻ của một phụ huynh: “ Theo tôi, thầy đang muốn tốt, bảo vệ cho các em và các em khác, không có gì đáng trách cả. Ngày xưa lúc truyền thông chưa mạnh, thầy cô thật là khỏe, ít lo. Bây giờ, thấy học sinh mà hư, lười, hỗn quá, thầy cô mà cao giọng là y như rằng tràn lan trên mạng xã hội”.

Trong suốt những ngày cuối tuần, tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Cả những thách thức mà nhiều thầy cô đang gặp phải. Nhất là những thách thức đó luôn bị soi chiếu dưới nhiều phán xét của cộng đồng.

Khi một đứa trẻ lần đầu tiên đến trường, chính giáo viên là người giúp trẻ thích nghi với môi trường xung quanh. Một giáo viên giỏi có thể ảnh hưởng tích cực đến một đứa trẻ và thay đổi hướng đi của cuộc đời nó. Nhưng, nhiều người không thực sự hiểu những nỗ lực giáo viên bỏ ra.

Dạy học là một nghề rất thử thách. Thầy cô giáo phải đối phó và gặp gỡ rất nhiều người khác nhau. Họ phải đối mặt với rất nhiều thử thách từ nhà trường, lãnh đạo, cấp trên, đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Và bây giờ bị thêm một máy soi “nặng ký” nữa là mạng xã hội.

Khi nói đến phụ huynh học sinh của mình, nhiều thầy cô giáo thường có chung suy nghĩ,  đôi khi họ quên rằng con mình không phải là học sinh duy nhất trong lớp. Các bậc cha mẹ muốn điều tốt nhất cho con mình, nhưng không hiểu rằng giáo viên phải dạy rất nhiều học sinh trong một lớp. Một số học sinh chưa hoàn toàn độc lập. Hãy tưởng tượng một giáo viên phải khó khăn như thế nào để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Trong lớp, thầy cô không thể tránh khỏi những đứa trẻ hỗn láo, ồn ào hoặc bắt nạt. Tuy vậy, bất chấp mọi khó khăn, nhiều bạn bè tôi chọn nghề sư phạm vẫn gắn bó với công việc.

Kỹ năng giảng dạy về cơ bản có ba thành phần: tri giác (perception), nhận thức (cognition), và hành động (action). Nếu một người có những kỹ năng này, họ có thể tự tin giảng dạy.

Từ xưa, xã hội coi việc dạy học là một nghề đáng kính trọng, vì tất cả các chuyên gia đều trải qua quá trình được học tập, được tiếp nhận tri thức từ những giáo viên. Giáo dục cũng là một quá trình để chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo.

Tuy vậy, không nằm ngoài dòng chảy xã hội, nghề dạy học và những suy nghĩ dành cho những thầy cô giáo đã thay đổi rất nhiều. Thái độ và suy nghĩ của phụ huynh và học sinh cũng đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là khi nói đến sự tôn trọng đối với giáo viên. Một cô giáo cũ của tôi nói, trong suốt sự nghiệp của mình, cô đã chứng kiến nhiều cảm xúc và tình cảm của học sinh đối với giáo viên của mình ở cả hai thái cực cả tốt lẫn xấu. Trong quá khứ, mối liên hệ thường tích cực hơn.

Tất cả các chuẩn mực và đạo đức truyền thống đã khoác lên mình một vỏ bọc mới như người ta, như xã hội đang thấy. Những rạn nứt về mối quan hệ thầy trò, về những chuẩn mực văn hóa học đường, dường như đã trở nên ăn sâu và thường xuyên hơn kể từ khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Nhà soạn nhạc nổi tiếng Gustav Mahler đã nói: “Truyền thống không phải là thờ tro mà là giữ lửa” (tradition is not the worship of ashes, but the preservation of fire).

Và với quan sát này, tôi đặt câu hỏi: ngày nay các giá trị có quan trọng hơn giá trị truyền thống có từ xưa không? Bao gồm cả truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa như “tôn sư trọng đạo”, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Khác biệt quan điểm và khác biệt về những góc nhìn với cùng một sự việc, sao nói chuyện với nhau ngày nay khó thế? Tất cả mọi thứ đều phải “đưa hết lên mạng”?

Trong một xã hội sôi động, ồn ào như hôm nay, tôi nghĩ, giá như lãnh đạo nhà trường, thầy giáo trong câu chuyện trên, các em học sinh và phụ huynh nếu có thể giao tiếp với nhau một cách hiệu quả bằng cách ngồi lại nói chuyện, lắng nghe nhau, trao đổi nhẹ nhàng với nhau thì đã không xảy ra câu chuyện trên. 

Việc tìm cách giao tiếp với nhau bằng sự đồng cảm, bình tĩnh và thấu hiểu có thể cần một số nỗ lực giữa các bên không nên là nguyên nhân để gây thêm những áp lực, ồn ào giữa chốn học đường.

Giáo dục những kiến thức trong sách là cần thiết nhưng không đủ. Vậy nên, ông bà có dạy “ Tiên học lễ, hậu học văn” là vậy.

Nguyễn Thị Hồng Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI