Để làm rõ thông tin một số giáo viên hợp đồng được tuyển dụng dôi dư tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) phải "chạy" một khoản kinh phí để được đứng lớp, sáng 14/3, phóng viên tiếp tục quay trở lại địa phương này tìm gặp một số giáo viên.
Trao đổi về vấn đề này, anh Tâm (đã đổi tên - giáo viên hợp đồng dạy tin học tại một trường tiểu ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) cho biết, từ năm 2010-2012, để được dạy hợp đồng dạy tin học tại trường tiểu học ở thị trấn Phước An, ban đầu anh phải “tốn” 3 lần tiền với tổng cộng 35 triệu đồng.
Cũng theo anh Tâm, vào năm 2014 thông qua "gợi ý" của một người hiệu trưởng đã nghỉ việc ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), anh phải "chi" số tiền 110 triệu đồng để “chạy” vào biên chế bằng tờ “giấy vay tiền”. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi nhận tiền, người này thông báo, hồ sơ của anh không đủ điều kiện, không có nhu cầu vị trí việc làm. Do vậy, từ đó anh này liên tục yêu cầu trả lại tiền “chạy” biên chế nhưng đến nay người hiệu trưởng này vẫn tìm cách kéo dài thời gian.
|
Hàng trăm giáo viên tập trung tại UBND huyện hỏi về việc dừng việc chấm dứt hợp đồng. |
Khi phóng viên đặt câu hỏi tên tuổi những người anh đã đưa tiền nói trên thì anh Tâm cho biết, hiện giờ anh chưa thể cung cấp được.
Tương tự, anh Long (đã đổi tên, giáo viên hợp đồng dạy mỹ thuật tại một trường tiểu học tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) cho biết, ngoài việc đưa tiền để “chạy” biên chế thì mỗi lần ký hợp đồng ngắn hạn, anh còn phải tốn thêm "một khoản".
Anh Long giải thích: “Vào năm 2010, một thầy hiệu trưởng trường THCS tại xã Vụ Bổn "gợi ý" xin cho cho tôi và một người chị đi dạy với số tiền 70 triệu đồng, có “giấy vay nợ”. Sau đó, vào tháng 9/2010, tôi được nhận vào dạy hợp đồng ngắn hạn môn Mỹ thuật tại trường tiểu học trên địa bàn xã với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng, còn người chị được nhận vào một trường khác.
Sau đó, mỗi năm tôi đều được trường ký lại hợp đồng ngắn hạn năm một. Tuy nhiên, để được ký hợp đồng ngắn hạn, tôi phải tốn “một khoản” từ 5-10 triệu đồng/lần ký hợp đồng”.
Cho đến tháng 7/2014, anh Long nhận được Quyết định hợp đồng lao động chờ thi biên chế của UBND huyện Krông Pắk.
"Cũng khoảng thời gian này, tôi và chị tôi phải "chi" thêm số tiền hơn 100 triệu đồng để “chạy” vào biên chế nhưng không được nhận vào biên chế, cũng không được tham gia thi. Vì thế, sau đó tôi và chị đòi lại tiền thì người nhận tiền trước đó nói, tiền “chi” hết lấy đâu mà trả, rồi bảo hai chị em tôi chờ đi.
Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn không nhận được bất kì hồi âm nào và liên tục gọi điện, lên nhà để đòi lại tiền thì người này phủ nhận “không biết, không quen ai cả”, anh Long giãi bày.
Cũng như anh Tâm, khi phóng viên hỏi về bằng chứng của việc "chạy việc", anh Long nói: "Do quá tin tưởng nên chúng tôi đã không có bất kỳ giấy tờ nào khi đưa tiền".
Đáng nói, cũng theo anh Long, trường tiểu học nơi anh được nhận vào dạy hợp đồng có 2 giáo viên giảng dạy mỹ thuật cho tất cả 28 lớp học. Sau đó, số lớp của trường không tăng lên, thậm chí giảm xuống 1 lớp nhưng đến tháng 10/2013, sau khi thầy hiệu trưởng mới về vẫn tuyển thêm 2 giáo viên hợp đồng dạy mỹ thuật.
Đến tháng 5/2017, anh Long bị trường cắt hợp đồng, riêng hai giáo viên hợp đồng được tuyển dụng sau thì vẫn được đứng lớp đến nay.
Bức xúc về việc “chạy” tiền mà con không vào được biên chế, ông Nguyễn Văn M. (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã gửi đơn lên cơ quan công an, Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk tố cáo ông H.B (Hiệu trưởng Trường THCS N.M, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đơn tố cáo, năm 2016 ông M. gặp ông B. để xin cho con vào dạy tại trường. Tại đây, ông B. nói, hiện có một suất biên chế dạy tại trường nhưng phải “nộp” số tiền 140 triệu đồng.
Đến ngày 6/6/2017, sau 3 lần ông B. đề nghị, ông M. đã đưa tổng cộng 120 triệu đồng để "chạy" biên chế cho con. Tuy nhiên, sau đó, con ông M. vẫn không được vào biên chế nên ông liên tục đòi lại tiền thì ông B. quanh co, không trả.
Đáng nói, mặc dù trong đơn tố cáo, ông M. khẳng định đưa số tiền 120 triệu đồng để chạy việc cho con nhưng trong giấy nhận nợ của ông B. ký thể hiện ông chỉ “mượn nợ” và hứa sẽ trả lại đầy đủ.
Theo xác nhận của Công an huyện Ea Kar, ngày 8/3/2018, trực ban Công an huyện có tiếp nhận đơn và một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ của ông M.. Tuy nhiên, công an huyện hướng dẫn ông M. khởi kiện ra tòa để đòi tiền.
Trước đó, sáng 12/3, trao đổi với phóng viên bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó chủ tịch huyện Krông Pắk cho biết, cho đến thời điểm này chưa phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong việc UBND huyện này ký hợp đồng dôi dư hơn 600 giáo viên.
Văn Nguyên