Giáo viên như cai ngục, cho con trú ẩn nơi đâu?

18/05/2019 - 17:00

PNO - Một cậu bé trường khác gặp con trai tôi đã hỏi câu đầu tiên: "Cô giáo lớp bạn có hay đánh bạn không". Con trai tôi vô tư đáp: "Quên tập, với làm bài sai thì mới bị đánh thôi".

Câu hỏi tôi thường dò các con mỗi chiều đón về là: "Hôm nay lớp con có bạn nào bị la, bị đánh không"? Và các cháu rất hồn nhiên kể về việc các cháu bị đánh như thế nào? Quên làm bài tập - bị đánh, quên thước - bị đánh, nói chuyện riêng-  bị đánh… Có đứa bị khẽ thước vào tay, có đứa bị bợp tai vào đầu.

Giao vien nhu cai nguc, cho con tru an noi dau?
Hình ảnh như cai ngục của các giáo viên Hải Phòng khiến chúng tôi hoang mang

Thậm chí, Một cậu bé trường khác gặp con trai tôi đã hỏi câu đầu tiên: "Cô giáo lớp bạn có hay đánh bạn không". Con trai tôi vô tư đáp: "Quên tập, với làm bài sai thì mới bị đánh thôi".

Thậm chí, một phụ huynh trong hẻm nhà tôi còn tuyên bố, chính người chủ nhiệm năm lớp 4 đã biến con trai bà thành đứa trẻ nghiệm game, bất trị.

Cô thường xuyên đánh đòn, miệt thị cháu trước lớp, khiến cháu chán nản, sợ tới trường. Mẹ cha đều bận bán buôn, nên chị chọn "trường làng" để con tự cuốc bộ đi học. Nào ngờ cậu nhóc xách cặp đi rồi bỏ học, ra "trú ẩn" ngoài tiệm net. (Những năm trước, khi học với các giáo viên chủ nhiệm khác, cháu vẫn thích đi học, vẫn ngoan).

Hậu quả của những tháng năm nghiện game và trốn học là cháu không theo được bài vở, nhắc tới trường lớp là ngán. Lết bết theo học tới đầu lớp 9, cháu kiên quyết bỏ học, dù cha mẹ cháu hết lời dọa dẫm lẫn động viên cháu cố gắng tốt nghiệp cấp II. 

Giao vien nhu cai nguc, cho con tru an noi dau?
Nếu sợ thầy cô, học sinh sẽ không thể nào nạp kiến thức. Hình minh họa.

Con gái của tôi đang học ở một trường mầm non tư thục. Hôm trước cháu cũng bị đánh bầm ở bắp chân vì không chịu viết chữ, dù đích thân tôi đã dặn riêng các cô ở trường không cần cho cháu học chữ trước khi vào học lớp 1. 

Hằng ngày, nghe cháu bi bô kể chuyện về những bạn bị đòn trong lớp, tôi rất bức xúc. Nhưng, thật khó trao đổi với các cô vì biết rằng, việc đầu tiên là các cô sẽ chối, cho rằng bé và bạn đánh nhau. Lớp có camera cũng như không, vì các cô luôn lấy lưng che góc nhìn của camera khi đánh đòn trẻ, hoặc đưa các cháu vào góc camera không chĩa tới để hành hạ chúng.

Mấy hôm nay, chuyện học sinh lớp 2 ở Hải Phòng bị cô đánh khiến chúng tôi bàn tán rất nhiều. Cảm xúc buồn bã của chúng tôi không nằm ở chỗ cô giáo cầm thước đánh  phạt học sinh, vì có thể ba mẹ hay ông bà cũng đã từng đánh các cháu vì một lỗi nào đó.

Cảm xúc bất lực của tôi ở chỗ cái thước hay cái bạt tai giơ lên của các cô chứa đầy sự tức giận, các cô trút xuống đầu đứa trẻ cho hả bực bội, đánh một cách hết sức tự nhiên, đánh nhiều đứa trẻ. Và sự nhẫn tâm của các cô khi thấy đứa trẻ khóc thét lên. Hoàn toàn không có tính giáo dục hay dạy dỗ nào trong những cú tát hay nhát thước đó.

Giao vien nhu cai nguc, cho con tru an noi dau?
Trẻ con cần được yêu thương để trưởng thành 

Tôi cũng có bè bạn là giáo viên. Có bạn tính tình vốn hiền, có bạn rất nóng nảy. Nỗi khổ của những người làm nghề giáo đó là làm nghề mà không yêu nghề. Bởi vì khi không yêu nghề, lúc nào gặp chúng tôi cũng nghe bạn than lương thấp, áp lực nghề nghiệp.

Giáo viên là người ảnh hưởng lớn nhất và lâu dài đến tâm sinh lý, đến tương lai và cuộc đời của một con người, nhiều thầy cô bạo và vô cảm thì sẽ ra đời nhiều lớp học sinh bị tổn thương tâm lý. Tôi nghĩ chỗ này có lỗi ngay từ lúc hướng nghiệp dưới mái trường cấp III.

Chồng tôi đang buộc tôi phải tính toán nghiêm túc về việc thuê giáo viên về nhà cho con được home-school. Anh ấy nói, là cha mẹ không thể bảo vệ con trước bạo lực là thất bại lớn nhất. Nhưng home-school như thế nào, có đảm bảo con phát triển toàn diện, có hoàn toàn yên tâm hay không, cũng là đều chúng tôi còn băn khoăn nhiều lắm.

Có ai đang rối như tôi không?

Khánh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI