Nhận định về đề thi, cô Đồng Thị Thúy Miên - giáo viên dạy môn ngữ văn Trường THCS Mỹ Đình 1, cho biết, cấu trúc đề thi môn ngữ văn vào lớp Mười Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên như mọi năm, gồm 2 phần, khá quen thuộc với học sinh.
Phần 1: Ngữ liệu kiến thức đề cho vào bài Đồng chí là bài thơ khá quen thuộc.
Câu 1: Hỏi về thể thơ, kể tên một văn bản khác trong chương trình ngữ văn 9 cùng thể thơ, ghi rõ tên tác giả. Câu hỏi ở mức độ nhận biết không khó đối với học sinh.
|
Nhiều thí sinh vui mừng khi đề thi không quá khó |
Câu hỏi 2 với mức độ nhận biết và thông hiểu, học sinh bám vào ngữ liệu cùng với sự nhận biết của bản thân để chỉ ra cặp từ sóng đôi và nêu hiệu quả nghệ thuật sự sóng đôi ấy.
Câu hỏi 3: Câu hỏi này đã bắt đầu phân hóa học sinh với câu hỏi ở mức độ thông hiểu khi các em nêu được giá trị biểu đạt của từ “đôi” trong câu thơ: “Anh với tôi đôi người xa lạ”. Học sinh cần hiểu được “đôi” thể hiện sự gắn bó, khăng khít, khó tách rời...
Câu 4: Viết đoạn văn nghị luận văn học mức độ vận dụng đối với học sinh: Học sinh cần lưu ý kiểu đoạn văn quy nạp, khoảng 15 câu, vấn đề nghị luận là hình ảnh người lính, phạm vi tư liệu trong 8 dòng thi đã cho...
Phần II: Ngữ liệu mở cũng không bất ngờ với học sinh.
Câu 1: Xác định một phép liên kết trong những câu văn in nghiêng. Yêu cầu học sinh phải nắm vững các phép liên kết đã học và chỉ ra được một phép liên kết trong những câu văn đó. Câu này đa số học sinh sẽ trả lời được.
Câu 2: Học sinh cần đọc kỹ câu hỏi, chú ý cụm từ “theo em” để thể hiện quan điểm đồng tình hay không. Và các em phải đưa ra lý do hợp lý, thuyết phục cho quan điểm của mình.
Câu 3: Học sinh viết đoạn văn nghị luận xã hội 2/3 trang giấy thi với chủ đề: Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta. Vấn đề nghị luận rất có ý nghĩa, mang tính giáo dục cao để học sinh đưa ra những ý kiến của bản thân về cách ứng xử trong cuộc sống...
Để có điểm cao trong câu hỏi này học sinh cần có lập luận chặt chẽ, lý lẽ thuyết phục, đưa ra được những suy nghĩ hợp lý, có tính giáo dục sâu sắc...
Nhìn chung đề thi với cấu trúc đề quen thuộc như những năm gần đây, hệ thống câu hỏi hợp lý theo mức độ từ nhận biết đến thông hiểu, vận dụng, liên hệ thực tế. Ngữ liệu vừa lấy trong chương trình lớp Chín vừa là ngữ liệu mở không khó với học sinh. Mức độ đề ra phù hợp với học sinh nhưng vẫn phân hóa, đánh giá được năng lực của các em.
|
Thí sinh tự tin với bài thi môn văn |
Thầy Mai Trí Trung- giáo viên Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, đề thi môn ngữ văn đáp ứng yêu cầu của một đề thi vào lớp Mười. Đề thi đã bám sát ma trận về định dạng đề thi nên theo thầy không bất ngờ với thí sinh. Theo thầy Trí Trung, phần 1 đọc hiểu một văn bản trong chương trình ngữ văn Chín ngữ liệu bài thơ Đồng chí vô cùng quen thuộc. Các câu hỏi đọc hiểu mang tính nhận biết khá vừa sức với các em: nhận biết thể thơ, hình ảnh thơ, từ ngữ nổi bật.
Yêu cầu viết đoạn văn cũng đã khá rõ về nội dung và hình thức (kiểu lập luận quy nạp và những thành phần tình thái từ, thán từ). “Có điều có lẽ bất ngờ với thí sinh là ngữ liệu này vừa có mặt trong đề thi năm 2021. Cho nên điều này càng khẳng định thí sinh không thể học tủ mà luôn phải hệ thống các kiến thức đã học một cách đầy đủ.
"Phần II của đề theo tôi có tính chất mới lạ và hay hơn bởi vấn đề đưa ra có tính chất mở đòi hỏi thí sinh vận dụng những hiểu biết về xã hội và trải nghiệm của bản thân để làm bài. Chắc chắn chúng ta sẽ nắm bắt được quan điểm đa dạng của các em lứa tuổi học sinh THCS về vấn đề đưa ra” - thầy Trí Trung nói.
Còn thầy Nguyễn Phi Hùng - Giáo viên ngữ văn (Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho biết, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp Mười THPT ở Hà Nội năm nay vẫn giữ nguyên như mọi năm với thời gian làm bài 120 phút và thí sinh sẽ thực hiện trả lời các câu hỏi ngắn, viết 2 đoạn văn. Kiến thức văn học và tiếng Việt bám sát chương trình ngữ văn lớp Chín, dự kiến phổ điểm trung bình có thể từ 6.5 - 7.0 nhưng sức nóng điểm chuẩn cũng vẫn sẽ là một vấn đề đáng quan tâm của kỳ thi năm nay.
Câu nghị luận văn học vào bài thơ Đồng chí của Chính Hữu sẽ khiến một số học sinh bỡ ngỡ vì tác phẩm này đã xuất hiện trong đề thi vào năm 2021. Tuy nhiên đây là một bài thơ không khó để cảm nhận và phân tích.
Phần II (3,5 điểm). Câu hỏi tạo được nhiều cảm xúc cho các thí sinh khi thực hiện yêu cầu về đoạn văn nghị luận xã hội ứng xử thế nào trước những mong đợi của những người thân yêu.
Đây vừa là một vấn đề muôn thuở đồng thời vẫn là một vấn đề gần gũi, quen thuộc với học sinh đặc biệt khi các em đang đứng ở ngưỡng cửa của những sự lựa chọn trong cuộc đời.
Nhìn chung, với cấu trúc đề thi ổn định, các câu hỏi tương đối cơ bản, thí sinh có thể thuận lợi hoàn thành được bài thi môn ngữ văn trong khoảng thời gian quy định. Tuy nhiên, những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ là một điểm nhấn được đánh giá cao.
Đại Minh