Giáo viên nấu cơm miễn phí phục vụ sĩ tử vùng cao “vượt vũ môn”

27/06/2024 - 11:19

PNO - Do quãng đường từ nhà tới điểm thi quá xa, hàng trăm sĩ tử vùng cao Nghệ An được giáo viên tìm chỗ trọ, nấu cơm phục vụ miễn phí trong những ngày thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều năm công tác ở Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), thầy Ngô Chiến Thắng cùng vợ là cô Hồ Thị Thúy đã quá hiểu những khó khăn của học sinh ở huyện biên giới này. Đặc biệt là vào mùa thi, do nhà ở xa nên nhiều học sinh thường phải thuê nhà trọ quanh trường để thuận tiện cho việc thi cử.

Giáo viên, học sinh Trường THPT Quế Phong nấu cơm phục vụ thí sinh - Ảnh: Chiến Thắng
Giáo viên, học sinh Trường THPT Quế Phong nấu cơm phục vụ thí sinh - Ảnh: Chiến Thắng

Sau khi kết thúc năm học, vợ chồng thầy Thắng đã dọn dẹp lại dãy nhà trọ ở gần trường của mình, đón học sinh lớp 12 vào ở miễn phí để ôn thi. Năm nay, Trường THPT Quế Phong có 547 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Hơn một nửa trong số này phải tá túc lại ở các khu nhà trọ để “vượt vũ môn” do nhà ở quá xa.

Để hỗ trợ học sinh, các giáo viên Trường THPT Quế Phong đã vận động các chủ nhà trọ cho các sĩ tử ở miễn phí những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Những năm trước, vợ chồng tôi chỉ nấu cơm phục vụ cho các em ở trong nhà trọ của mình. Năm nay chúng tôi muốn phục vụ tất cả các em ở xa nên đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí” - thầy Thắng nói.

Thầy Thắng (đội mũ lưới trai) cùng các thành viên trong “Đội phản ứng nhanh”  - Ảnh: Chiến Thắng
Thầy Thắng (đội mũ lưỡi trai) cùng các thành viên trong “Đội phản ứng nhanh” - Ảnh: Chiến Thắng

Sau khi thầy Thắng kêu gọi được kinh phí từ các nhà hảo tâm, nhiều giáo viên cùng học sinh lớp 11 của trường cũng đồng lòng tới nấu cơm “tiếp sức” cho các sĩ tử. Mỗi người được phân chia công việc cụ thể, từ đi chợ mua thực phẩm, nấu ăn, đến trao cơm tới tận tay các em học sinh.

“Vì nhà ở xa nên các em học sinh ở đây thiệt thòi hơn ở những nơi khác, khi không có người thân hỗ trợ, động viên trong những ngày quan trọng này. Hơn nữa, sau khi làm bài thi xong, các em còn phải về phòng trọ nấu ăn, sẽ rất mất thời gian, sợ cũng không đảm bảo, nên chúng tôi muốn hỗ trợ cho các em có thời gian nghỉ ngơi” - thầy Thắng tâm sự.

Ngoài chuẩn bị cơm cho học sinh ở xa, thầy Thắng còn huy động thêm 10 người khác lập “Đội phản ứng nhanh” nhằm kịp thời tiếp sức cho các thí sinh khi gặp các sự cố. Trước ngày diễn ra kỳ thi, nhà trường đã tổng hợp số điện thoại của thí sinh, địa chỉ cũng như số điện thoại nơi các em đang lưu trú.

Cơm hộp được bỏ vào túi, phát cho học sinh sau khi thi xong - Ảnh: Chiến Thắng
Cơm hộp được bỏ vào túi, phát cho học sinh sau khi thi xong - Ảnh: Chiến Thắng

Theo thầy Thắng, học sinh ở nhà trọ, xa bố mẹ và gần như không có người chăm sóc. Vì thế, dù đã nhắc nhở thường xuyên nhưng không tránh được những trường hợp phát sinh ngoài sự cố như các em ngủ quên, quên giờ thi hoặc để điện thoại ở chế độ im lặng không liên lạc được. Khi nhận được các tình huống phát sinh, các thành viên trong đội sẽ chia nhau liên lạc và tìm các phương án để hỗ trợ thí sinh.

Vượt hàng trăm cây số xuống núi động viên con

Sáng 27/6, gần 37.000 thí sinh ở Nghệ An bước vào môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Thời tiết mát mẻ, nhiều phụ huynh gắng nán lại trước cổng trường đợi con.

Đứng chờ cháu nội trước cổng Trường THPT DTNT Nghệ An, bà Vi Thị Tơm (65 tuổi, trú xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cho biết, do mẹ của em Lương Văn Điền (học sinh Trường THPT DTNT Nghệ An) mới sinh, nên bà thay cha mẹ xuống thăm, động viên cháu nội những ngày “vượt vũ môn”.

Nhiều phụ huynh vượt hàng trăm km xuống TP Vinh đồng hành cùng con trong những ngày thi - Ảnh: Phan Ngọc
Nhiều phụ huynh ở vùng cao Nghệ An vượt hàng trăm km xuống TP Vinh đồng hành cùng con trong những ngày thi - Ảnh: Phan Ngọc
Bà Vi Thị Tơm ngồi túc trực trước cổng trường chờ cháu nội làm bài thi - Ảnh: Phan Ngọc
Bà Vi Thị Tơm ngồi túc trực trước cổng trường chờ cháu nội làm bài thi - Ảnh: Phan Ngọc

Lần đầu xuống phố, bà Tơm khá lạ lẫm, chỉ quanh quẩn ở khu nhà trọ cùng một số phụ huynh khác, hoặc ra cổng trường gặp cháu nội. Bà Tơm cho biết, năm nay Điền dự tính thi vào ngành quân đội. “Tôi không có gì cho cháu cả, chỉ dẫn cháu đi ăn một bữa thôi. Xuống đây, chủ yếu để cháu thấy mình và yên tâm làm bài cho tốt” - bà Tơm nói.

Năm nay, Trường THPT DTNT Nghệ An và Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An có gần 500 thí sinh thi tốt nghiệp. Các em đều là con em dân tộc thiểu số đến từ các bản làng xa xôi, đặc biệt khó khăn. Để con yên tâm bước vào kỳ thi, nhiều phụ huynh đã phải bắt xe vượt hàng trăm km từ các bản làng xuống TP Vinh để thăm và động viên.

Chị Vi Thị Kiên (44 tuổi, trú xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) nói rằng, vì học xa nhà hơn 200km nên mỗi năm con gái chị là cháu Lê Thị Cẩm Tú (học sinh Trường THPT DTNT Nghệ An) chỉ về thăm nhà 2 lần vào dịp tết và nghỉ hè. Ít ngày trước, chị gọi điện cho con gái bảo cả gia đình sẽ xuống đồng hành cùng con trong những ngày diễn ra kỳ thi, song Tú ngăn cản với lý do “đã có thầy cô lo cho con rồi, cha mẹ đừng đi xa mệt, tốn công”.

Nhưng rồi cả gia đình chị vẫn quyết định âm thầm đón xe khách xuống thăm con gái một ngày trước khi diễn ra kỳ thi. “Không đi ở nhà cũng không yên tâm, không làm được gì cả. Mình xuống đây động viên con chút, cho con yên tâm làm bài” - chị Kiên nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc