Giáo viên miệt mài học cách dạy chương trình mới

01/08/2024 - 06:10

PNO - Để dạy tốt các môn tích hợp của chương trình mới bậc THCS, nhiều giáo viên trong suốt mùa hè đã miệt mài lên lớp học kiến thức từ đồng nghiệp. Họ cũng được giao bài tập và phải dạy thử để “giáo viên” của mình đánh giá…

Chuẩn bị 2-3 năm nhưng vẫn khó khăn

Đối với chương trình mới bậc THCS, nhiều giáo viên (GV) cho biết họ gặp khó khăn khi từ GV 1 môn trở thành GV môn tích hợp. Bậc THCS có 3 môn tích hợp là: khoa học tự nhiên (tích hợp từ môn lý, hóa, sinh); lịch sử - địa lý (tích hợp từ lịch sử, địa lý); nghệ thuật (tích hợp từ âm nhạc và mỹ thuật).

Cô Thùy Trang - GV môn lịch sử - địa lý của một trường THCS ở TPHCM - cho biết, cô tốt nghiệp sư phạm địa lý và gần 10 năm chỉ dạy môn này. Khi triển khai chương trình mới, cô và nhiều đồng nghiệp đã đi học chứng chỉ “bồi dưỡng GV” môn lịch sử 1 năm tại Trường đại học Sài Gòn. “Thời gian đó, các ngày trong tuần chúng tôi đi dạy, cuối tuần lại đi học nghiệp vụ. Dù vậy, thời gian đào tạo 1 năm không thấm vào đâu so với khối lượng kiến thức đồ sộ của môn này. Bởi học để hiểu, biết thì nhanh nhưng để tự tin đứng lớp dạy học sinh thì phải có kiến thức vững chắc và nâng cao” - cô chia sẻ.

Giáo viên tổ khoa học tự nhiên của Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) tổ chức dạy - học chéo trong hè
Giáo viên tổ khoa học tự nhiên của Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) tổ chức dạy - học chéo trong hè

Do khối lượng kiến thức tăng gấp đôi nên GV vất vả từ việc làm bài giảng đến chuẩn bị các hoạt động. Theo ông Cao Đức Khoa - Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1) - cách đây 3 năm, khi bắt đầu triển khai chương trình mới từ lớp Sáu, trường đã yêu cầu GV học các chứng chỉ môn tích hợp. Nghĩa là GV lịch sử thì phải học thêm chứng chỉ phần địa lý và ngược lại. Với môn khoa học tự nhiên vì tích hợp từ 3 môn, nên GV phải học bồi dưỡng nghiệp vụ 2 phần còn lại.

Dù đã có chuẩn bị, nhưng theo ông Cao Đức Khoa, ngoài khó khăn về kiến thức chuyên môn, trường còn xảy ra tình trạng thừa GV khi nhiều môn học cũ tích hợp thành 1 môn. Ví dụ, với môn khoa học tự nhiên, trước đây tách biệt 3 môn nên có 6 tiết/tuần, sau khi tích hợp chỉ còn 4 tiết/tuần. Tương tự với môn lịch sử - địa lý, số tiết cũng giảm nên GV không đủ tiết. “Trường khá đau đầu khi sắp xếp lịch dạy. Để công bằng, chúng tôi xếp tất cả GV môn tích hợp đều được dạy tích hợp, rồi kiêm nhiệm hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và giáo dục địa phương mới đủ tiết” - ông nói và cho rằng, trong thời gian ngắn khó có GV giỏi ở tất cả các phần tích hợp, đặc biệt là với môn khoa học tự nhiên.

Theo cô Nguyễn Phạm Cát Tường - Tổ trưởng tổ bộ môn khoa học tự nhiên, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - thêm một khó khăn nữa là tên gọi và cách học các môn cũ “ăn sâu” trong suy nghĩ nhiều học sinh, phụ huynh. Khi học môn tích hợp, nhiều người - đặc biệt là phụ huynh - không quen nên khó hỗ trợ được cách học mới của con.

Miệt mài học hỏi từ đồng nghiệp

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, ngoài các lớp bồi dưỡng, nhiều GV ở TPHCM đã chủ động học hỏi từ đồng nghiệp, kết nối với cộng đồng GV, chuyên gia trên các nhóm và nỗ lực tự học, nâng cao nghiệp vụ.

Đó là lý do, những ngày hè này dù đã hơn 22g đêm cô Nguyễn Phạm Cát Tường vẫn miệt mài làm bài tập. Tốt nghiệp sư phạm vật lý, khi dạy môn tích hợp, cô gặp khó khăn với phần hóa học, sinh học. Nhiều đồng nghiệp khác tốt nghiệp môn sinh học lại gặp khó ở phần hóa học, vật lý… Cô Nguyễn Phạm Cát Tường đã đề xuất tổ gồm 13 GV cùng nhau dạy - học chéo vào dịp hè. Cô chia sẻ: “Với lớp học đặc biệt này, 1 người vừa có thể là GV vừa là học sinh, dạy môn mình giỏi và học 2 môn còn lại. Chúng tôi không ngại khi trở thành học trò của nhau”. Việc dạy - học được lên lịch cụ thể và thực hiện rất nghiêm túc, đầy đủ bài tập về nhà, kiểm tra kiến thức và đánh giá chi tiết. Việc học chéo vì vậy rất hiệu quả. Đầu tháng Bảy, tổ bắt đầu với môn sinh học, hiện đã học tới môn hóa học lớp Chín.

Cô Thúy Mộng - GV môn khoa học tự nhiên Trường THCS Huỳnh Khương Ninh - cho biết cũng gặp những khó khăn tương tự. Để tháo gỡ, mỗi bài giảng đều được cô chuẩn bị rất kỹ, nhất là chương trình lớp Chín năm nay. Với những tiết dạy có thí nghiệm, thực hành hoặc tổ chức hoạt động, cả tổ khoa học tự nhiên cùng nhau thực nghiệm trước.

“Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, trong quá trình giảng dạy, có những tiết nhiều hoạt động, trong tổ người nào trống tiết sẽ sẵn sàng cùng lên lớp hỗ trợ đồng nghiệp. Chúng tôi cũng thường xuyên dự giờ của nhau để học hỏi cách người kia tổ chức, đứng lớp… Với chương trình lớp Sáu, Bảy, Tám chúng tôi đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, chương trình lớp Chín năm nay mới thực hiện nên vẫn còn nhiều cái mới và khó. Nhưng tôi tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực, chúng tôi sẽ làm tốt” - cô nói.

Bà Nguyễn Thị Linh Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 11) - lạc quan: “GV của trường đã chủ động tham gia các nhóm GV - chuyên gia, các cộng đồng để học hỏi, thậm chí “cắp sách” đi học thêm ở đồng nghiệp từ trường khác. Dạy chương trình mới, họ cùng nhau soạn kế hoạch bài giảng, làm việc nhóm nhiều hơn. Vì vậy, những khó khăn khi dạy môn tích hợp dần dần được khắc phục”.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI