6g30, khi đường Cách Mạng Tháng Tám còn thưa người, cô giáo Nguyễn Ngọc Thảo đã có mặt ở Trường mầm non Phường 13 (quận 10, TPHCM), cùng 2 giáo viên khác mở cửa sổ, kéo màn che, lau sàn nhà, dọn quầy kệ để kịp giờ đón các cháu nhỏ.
Làm không ngơi tay
7g, phụ huynh bắt đầu đưa con đến. Có trẻ ngoan ngoãn chào cô, có trẻ khóc ngất đòi mẹ, cũng có trẻ vứt ba lô dưới chân cầu thang… Tất cả đều được các cô ân cần, dịu dàng dắt vào lớp. Lớp của cô Thảo có 28 bé, gồm cả lớp Mầm và lớp Lá.
|
Giáo viên Trường mầm non Con Yêu (quận 8, TPHCM) dạy học sinh tạo hình con vật - Ảnh: Sơn Vinh |
Sau khi tập thể dục, các bé được hướng dẫn ngồi vào bàn ăn sáng. Cô Thảo ngồi giữa một nhóm chừng 10 bé, xoay sang trái để đút cho bé ăn chậm, xoay sang phải lau nước mắt cho bé khóc từ đầu giờ, nhắc nhở bé đang buông muỗng, ngó nghiêng… Trong không gian không quá rộng, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng nói chuyện, tiếng dỗ dành trộn lẫn nhau nên các cô phải nói lớn.
Cho ăn, dọn dẹp bàn ghế xong, cô trò lại cùng nhau vừa chơi, vừa học. “Nhân, lại đây với cô. Nhân ạ cô đi, cô thương” - cô Thảo ôm bé trai vào lòng. 2 tay khoanh trước ngực, Nhân khó nhọc một lúc mới cất lên được tiếng “ạ”. Cô Thảo mỉm cười hạnh phúc. Nhân là 1 trong 3 trẻ chậm phát triển đang học hòa nhập ở lớp của cô. Nhân rất ngoan, thường lặng lẽ chơi một mình nhưng cứ vài phút lại chạy đến ôm, vuốt tóc, hôn lên má cô Thảo.
|
Giáo viên Trường mầm non Phường 13 (quận 10, TPHCM) hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi để rèn tư duy, sự khéo léo - Ảnh: Trang Thư |
Để có được sự yêu thương của Nhân, cô Thảo đã phải trải qua thời gian dài dỗ dành. Nhân cứ khóc nghẹn vì không chấp nhận môi trường mới. Tuy vậy, đây chưa phải là trường hợp khó khăn nhất mà cô Thảo từng trải qua. Cách đây vài năm, cô đảm nhận chăm sóc 1 bé bị chấn thương não. Bé ngoan, nghe lời nên cô rất thương. Nhưng có một ngày, bé đột nhiên cáu bẳn, chống cự, vùng vẫy kịch liệt khi cô muốn thay tã.
“Tôi không thể làm bé đau, nhưng cũng không thể để mặc bé vùng vẫy. Thay được tã cho bé, người tôi cũng bẩn hết. Xong xuôi mọi chuyện, tôi ngồi trước nhà vệ sinh khóc” - cô Thảo kể. Ngày hôm sau, khi quay lại lớp, bé liền đến vuốt vai cô, cô lại như được tiếp thêm sức mạnh.
Thoáng chốc đã đến giờ ăn trưa, các cô lại luôn chân, luôn tay dỗ ăn, sau đó lại dỗ ngủ. Chỉ đến khi tất cả các bé đã ngủ trưa, các cô mới được thay phiên nhau nằm nghỉ. Gọi là “nằm nghỉ” bởi các cô hầu như không được ngủ, mắt phải quan sát mọi thứ xung quanh để kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ.
Thương trẻ nên cứ bám nghề
Cách lớp cô Thảo 1 tầng lầu, lớp Lá của cô Lê Thị Ngọc Mỹ có vẻ yên ắng hơn. Cô Mỹ kể, cô chọn học ngành sư phạm mầm non là do thích trẻ con. Nhưng vào nghề rồi, mới biết công việc không đơn giản. Mỗi lớp có gần 30 học sinh, mỗi học sinh là một cá tính, chưa kể những cháu học hòa nhập có cá tính khá thất thường. Chăm trẻ không đơn thuần là lo miếng ăn, giấc ngủ mà còn hỗ trợ kỹ năng và đảm bảo an toàn cho các bé.
|
Cô giáo Trường mầm non Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) hướng dẫn trẻ vận động - Ảnh: M.T. |
Ngoài giờ dạy học, các cô còn phải lo dọn vệ sinh, trang trí phòng ốc, chuẩn bị đồ chơi cho các buổi học. Do vậy, việc mang giáo án, kế hoạch về nhà làm là điều khó tránh khỏi. Mùa hè, giáo viên các cấp khác được nghỉ nhưng giáo viên mầm non (GVMN) vẫn đi dạy mỗi tháng 2 tuần, tháng cuối cùng còn phải lo trang trí lại trường, lớp để chào đón năm học mới.
“2 đứa con tôi cứ trách sao mẹ không chơi với tụi con, không đưa rước tụi con đi học. Nhưng thật sự là tôi không có nhiều thời gian, phải nhờ chồng và ông bà ngoại phụ giúp. Tôi chăm sóc cho con người ta được nhưng không có đủ thời gian để chăm sóc cho con mình” - cô Mỹ tủi thân, ứa nước mắt. Cô nói, đã nhiều lần nghĩ đến việc bỏ nghề, nhưng rồi tình thương đối với trẻ cứ níu đôi chân và trái tim cô ở lại.
Cô Thảo cũng đã nhiều lần nghĩ đến chuyện bỏ nghề do sức khỏe suy giảm. Cô tâm sự: “Niềm vui của GVMN là được tiếp xúc, sống với trẻ nhỏ nhưng sức khỏe cũng xuống cấp nhanh lắm. Tụi tôi thường xuyên bị viêm họng do phải nói nhiều, nói to. Mỗi năm, tôi đi viện ít nhất 3 lần do viêm amidan cấp, đau thần kinh tọa do ngồi nhiều”.
Nhưng vắng trẻ vài hôm do nghỉ ca là các cô lại nhớ lũ trẻ không chịu nổi, phải chạy lên trường ôm các con rồi về. Mặc dù vậy, cô Thảo, cô Mỹ vẫn hy vọng độ tuổi về hưu của GVMN sẽ dừng ở mức 55 tuổi, bởi thêm nữa thì sức khỏe không cho phép.
17g, những đứa trẻ lần lượt được cha mẹ đón về nhà. Đến khi các bé về hết, các cô giáo lại quay vào lớp, xếp gọn bàn ghế, dọn dẹp đồ chơi, lau lại sàn nhà, dọn rửa nhà vệ sinh… 1 ngày làm việc tất bật kết thúc nhưng còn nhiều việc đang chờ đợi các cô ở nhà.
Trang Thư
Trong chương trình Diễn đàn người lao động năm 2023 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét việc đưa GVMN vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Thông tin này được đội ngũ GVMN cả nước hoan nghênh bởi đặc thù của nghề này là vừa dạy vừa dỗ, vừa chăm nuôi học trò, môi trường làm việc nhiều tiếng ồn, công việc căng thẳng, nhiều áp lực. |
Người trẻ không chọn nghề giáo viên mầm non Là giáo viên THPT, định hướng nghề nghiệp cho nhiều lứa học sinh, tôi nhận thấy, ngày càng ít học sinh THPT chọn nghề GVMN. Gần đây, trong 1 bài dạy tiếng Anh có liên quan đến chủ đề công việc, tôi cho học sinh điền bảng khảo sát về định hướng nghề nghiệp tương lai, không em nào lựa chọn mục GVMN. Khi tôi hỏi thì các em trả lời “vất lắm”, “khổ lắm”, “lương thấp hơn lương công nhân”, “đi làm cả ngày, không được nghỉ trưa”… Khi mức lương thấp, các cô giáo mầm non khó chuyên tâm công tác bởi phải tiếp tục làm thêm sau giờ đứng lớp. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian để tự học và phát triển chuyên môn. Nếu không có chính sách đãi ngộ tốt, sẽ khó tuyển dụng hoặc chiêu sinh ngành sư phạm mầm non ở các trường đại học, đặc biệt là các em thuộc thế hệ Z (nhóm sinh từ năm 1997 đến năm 2015) bởi các em rất năng động, có thể làm những công việc khác với thu nhập cao hơn và thời gian dành cho bản thân nhiều hơn. Để thu hút và giữ chân đội ngũ GVMN, bên cạnh chính sách tiền lương, cần cải thiện môi trường làm việc, giao khối lượng công việc phù hợp, tạo điều kiện, cơ hội để GVMN phát huy năng lực sáng tạo. Cô Hà Ánh Phượng - đại biểu Quốc hội (tỉnh Phú Thọ), giáo viên tiếng Anh, từng được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là 1 trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020 |
Nên giảm độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non Trong quá trình tiếp xúc cử tri, rất nhiều thầy cô giáo mầm non trăn trở về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu theo quy định mới. GVMN là một ngành nghề đặc thù, dù không phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, khói bụi nhưng công việc lại nặng nhọc, đòi hỏi phải liên tục vận động. Ở tuổi 60, khi đã có cháu nội, cháu ngoại mà các cô vẫn phải đứng lớp, chăm sóc, dạy nhảy múa cho trẻ thì liệu có phù hợp, hiệu quả? Trong khi đó, không thể bố trí họ làm công việc nào đó nhàn hạ, bởi trong trường mầm non không có loại việc như thế. Chính vì vậy, đề xuất đưa GVMN vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, của GVMN trên cả nước. Khi có chính sách này, căn cứ theo quy định tại khoản 3, điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Đây là một giải pháp để các thầy cô giáo mầm non an tâm hơn trong quá trình làm việc, đảm bảo hiệu quả giảng dạy, chăm sóc trẻ mầm non. Bà Vương Thị Hương - đại biểu Quốc hội (tỉnh Hà Giang) |
Nên xem đây là nghề nặng nhọc, độc hại Các GVMN làm việc rất vất vả, áp lực, cả ngày không ngơi tay, ngơi trí bởi vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm, vừa bảo đảm an toàn cho trẻ. Có nghĩa là, một cô giáo mầm non vừa phải biết hát, biết múa, biết kể chuyện, biết dạy học, biết tổ chức không gian vui chơi bên cạnh việc thành thạo các kỹ năng chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ. Trong khi đó, theo quy định, mỗi lớp mầm non cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi có 20 trẻ, từ 24-36 tháng tuổi có 25 trẻ, lớp Mầm có 25 trẻ, lớp Chồi có 30 trẻ và lớp Lá có 35 trẻ, nhưng mỗi lớp chỉ có 2 cô giáo đồng hành. Điều này đòi hỏi các cô phải vững vàng về chuyên môn, ổn định về sức khỏe và tâm lý nhiều hơn so với giáo viên các cấp học khác. Trách nhiệm của các cô rất lớn nên dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, tinh thần và sức khỏe bị bào mòn nhanh chóng. Từ sau 55 tuổi, sức khỏe và tâm lý của các cô sẽ khó bảo đảm để gắn bó với công việc. Một cô giáo ở tuổi 55 không thể uyển chuyển để múa, hát, kể chuyện, đóng vai cho các con xem. Theo tôi, việc đưa GVMN vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại mang đến nhiều lợi ích cho cả cô và trò. Giáo viên sẽ có tinh thần và sự hứng thú hơn trong công việc, có thêm nguồn phụ cấp để nâng cao chất lượng sống, giúp hoạt động nuôi dạy trẻ tốt hơn. Việc GVMN được quan tâm sẽ thu hút các bạn trẻ chọn và theo ngành này tới cùng, giải quyết tình trạng thiếu sinh viên học và giáo viên dạy mầm non. Bà Nguyễn Thị Phương Linh - Hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non III (quận 10, TPHCM) |
Huyền Anh - Minh Tuệ - Trang Thư