Giáo viên “mách nước” cách làm tốt bài thi tốt nghiệp THPT

13/06/2024 - 06:25

PNO - Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28/6. Ở giai đoạn nước rút này, các giáo viên nhiều kinh nghiệm đã đưa ra lời khuyên cho các thí sinh khi ôn tập cũng như làm bài thi. Dưới đây là lưu ý của các thầy cô đối với 3 môn ngữ văn, toán và tiếng Anh.

Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) - ẢNH: T.T.
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM) - Ảnh: T.T.

Môn ngữ văn: Những lỗi thường gặp khiến thí sinh mất điểm

Thầy Mai Trí Trung - giáo viên Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (TP Hà Nội) - có một vài lưu ý với thí sinh trong giai đoạn ôn tập này. Thứ nhất: Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT bám sát kiến thức căn bản trong sách giáo khoa nên đây là tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT tốt nhất. Ôn đến đâu phải nắm chắc đến đó, dạng bài tập nào đủ sức làm được thì ôn thật kỹ để khi đi thi chắc chắn có điểm.

Thứ hai: Ôn tập toàn diện, ôn lại toàn bộ kiến thức đã được học kết hợp với việc đọc, tham khảo thật nhiều sách để tăng thêm vốn từ và khả năng viết. Việc vận dụng sơ đồ tư duy sẽ giúp bộ não ghi nhớ có hệ thống bằng việc gắn kết các thông tin có liên quan lại với nhau.

Thứ ba: Sau khi ôn tập toàn diện hãy ôn lại kiến thức của cả chương trình THPT nhưng chú trọng hơn ở lớp Mười hai, kết hợp với việc giải đề thi các năm trước. Cần làm trong thời gian quy định của môn thi, tra đáp án, tự chấm xem được bao nhiêu điểm. Điều này sẽ giúp thí sinh rèn luyện kỹ năng làm bài thi và bổ sung kiến thức những phần còn yếu. Tập cho mình thói quen ghi chú, viết những kiến thức ra giấy và dán ở góc học tập sẽ giúp nhớ lâu hơn.

Thứ tư: Thí sinh nên phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Nên cân bằng giữa các hoạt động vui chơi và ôn tập.

Với những thí sinh đặt mục tiêu 5-6 điểm hãy dành thời gian để đọc hiểu các văn bản trong sách giáo khoa, từ đó biết được các phương thức biểu đạt, biện pháp lập luận, phong cách ngôn ngữ... có trong câu/đoạn văn. Nắm được cách thức nghị luận về vấn đề xã hội và tác phẩm văn học.

Với mục tiêu 7-8 điểm, ngoài việc hoàn thành tốt phần đọc hiểu, thí sinh cần biết cách viết nghị luận tốt, bài viết có chiều sâu các vấn đề về nghị luận xã hội và văn học. Bài làm có bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, ít mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.

Với mục tiêu 9-10 điểm, thí sinh cần dành nhiều thời gian cho việc ôn tập và luyện đề. Với phần thơ, hãy tập trung ôn những đặc điểm, phương pháp làm bài nghị luận văn học về bài thơ/đoạn thơ. Ôn hết kiến thức liên quan đến tác giả, tác phẩm, đặc biệt là phần nội dung và nghệ thuật. Nâng cao năng lực lý luận văn học của bản thân bằng cách đọc nhiều sách báo, những bài lý luận, phê bình văn học…

Đối với phần văn xuôi, cần ôn tập đặc điểm, phương pháp làm bài nghị luận về đoạn trích hay một tác phẩm văn xuôi. Trang bị hệ thống dẫn chứng để phân tích, mở rộng nội dung của từng tác phẩm.

Thí sinh cần tránh một số lỗi sai như: lỗi xác định sai từ khóa trong câu hỏi phần đọc hiểu, dẫn đến trả lời sai (bị trừ 0,5-0,75 điểm), lỗi không bảo đảm đúng hình thức và cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội (bị trừ ít nhất 0,25-0,5 điểm).

Ngoài ra, thí sinh còn mắc lỗi không bảo đảm đúng hình thức và cấu trúc của bài nghị luận văn học (bị trừ ít nhất 0,25-0,5 điểm); mắc các lỗi chính tả, tẩy xóa, diễn đạt, trình bày (bị trừ ít nhất 0,25 điểm). Hay lỗi xác định sai yêu cầu của câu hỏi trong đề dẫn đến viết lạc đề, có thể bị điểm kém hoặc không có điểm.

Môn toán: Đừng để mất điểm ở những câu dễ

Thầy Trần Minh Thịnh - giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) - cho biết: Cấu trúc đề toán thường sẽ có khoảng 10% kiến thức của lớp Mười một, còn lại gần 90% của lớp Mười hai và một ít kiến thức lồng ghép của lớp Mười. Phần lớn câu hỏi nằm ở kiến thức cơ bản của lớp Mười hai, tập trung ở các câu từ 1-35. Nếu học kỹ, nắm chắc kiến thức, học sinh dễ dàng lấy được 7 điểm khi hoàn thành đúng 35 câu này. Từ câu 36-42 là những câu vận dụng kiến thức, nếu tập trung và làm kỹ học sinh cũng có thể làm được. Còn những câu cuối chủ yếu là câu vận dụng cao, dùng để phân loại thí sinh, thường những em nào giỏi mới làm được.

Từ cấu trúc đề thi này, thí sinh cần phân bổ thời gian hợp lý. Nên dành khoảng 50 phút đầu tiên làm những câu cơ bản trước, để có thể dành điểm tối đa ở phần này. Với những câu dễ phần lớn học sinh đều làm được, nhưng chính vì dễ nên nhiều học sinh rất vội vàng, muốn làm nhanh để dành thời gian cho những câu khó. Điều này dễ dẫn tới tình trạng bị sai và mất điểm oan uổng. Với những câu khó, thí sinh nên làm sau khi đã hoàn thành những câu dễ và phải biết “đặt xuống” nếu chưa tìm ra cách giải để làm qua câu khác, không nên mất quá nhiều thời gian cho 1-2 câu khó.

Khi ôn tập, thí sinh nên tập trung hệ thống lại kiến thức cơ bản, có thể tham khảo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT để có định hướng. Trong đó, lưu ý với phần hình học không gian, nắm lý thuyết góc, khi làm câu hỏi phần này cần xem xét kỹ vì nhiều em dễ nhầm lẫn khi xác nhận góc; lưu ý thêm về phần khảo sát hàm số, các công thức, gắn hệ trục tọa độ (kiến thức lớp Mười một)…

Về phần nâng cao, thầy Trần Đức Ngọc - Phó tổ trưởng tổ toán, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình, TPHCM) - cho biết 12 câu cuối được phân mức độ khó cao nhất. Thí sinh nên làm theo thứ tự câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Để làm được 12 câu này, học sinh cần ôn tập kỹ 7 chủ đề, trong đó có 4 chủ đề giải tích: ứng dụng đạo hàm và khảo sát hàm số; hàm số mũ, hàm số logarit, phương trình - bất phương trình mũ và logarit; nguyên hàm, tích phân và ứng dụng; số phức. 3 chủ đề hình học không gian: khối đa diện, khối tròn xoay, phương pháp tọa độ trong không gian.

Môn tiếng Anh: Cẩn thận không để mất điểm oan

Thầy Nguyễn Tấn Sang - Tổ trưởng tổ tiếng Anh, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) - chia sẻ: với môn tiếng Anh thường không có “bẫy” trong đề thi mà tập trung vào phần kiến thức ngôn ngữ. Tuy nhiên thí sinh lại thường mắc những lỗi rất phổ biến hoặc bị nhầm lẫn do vội vàng, chủ quan nên bị trừ điểm oan.

Cụ thể, ở những câu hỏi tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa thí sinh dễ bị nhầm lẫn nếu đọc lướt, làm vội vàng, thay vì tìm từ đồng nghĩa thì lại tìm từ trái nghĩa và ngược lại. Các em nên đọc kỹ và làm từng câu, vì trong một đoạn có thể có cả 2 yêu cầu này. Để tránh bị nhầm thí sinh có thể khoanh tròn yêu cầu để chọn đáp án phù hợp.

Có nhiều lỗi sai, thí sinh cần phải “khắc cốt ghi tâm”, như: quên khoanh tròn câu, tô đáp án bị mờ hoặc sửa đáp án nhưng khi dùng gôm xóa đáp án cũ không sạch, máy chấm sẽ mặc định bài đó học sinh tô vào cả hai đáp án nên sẽ chấm sai. Lỗi nghiêm trọng nhất là đánh lệch đáp án, thay vì khoanh tròn đáp án của câu số 10, thì thí sinh khoanh lệch lên câu số 9 hoặc số 11. Như vậy, sau lần lệch này sẽ dẫn đến lệch hết đáp án những câu sau đó. Nếu không dò lại hoặc không phát hiện ra sẽ mất rất nhiều điểm.

Để tránh những lỗi này, khi khoanh vào đáp án thí sinh cần dò kỹ và đối chứng giữa đáp án và câu hỏi để bảo đảm 2 bên khớp nhau. Nên dành 5-7 phút để dò lại toàn bộ bài làm, bảo đảm tô đáp án không bị mờ, không bị lem, không lệch.

Về phần ôn tập, ở giai đoạn này, học sinh nên tập trung hệ thống lại kiến thức. Cần nắm vững ngữ pháp, kỹ năng đọc đề, từ vựng… Trong đó, riêng phần ngữ pháp hiện Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa, gồm những yêu cầu kiến thức ngữ pháp cần thiết. Chỉ cần nắm vững phần này, học sinh hoàn toàn có thể đạt được điểm trung bình trở lên.

Đề thi chắc chắn sẽ có những câu nâng cao dùng để phân loại thí sinh. Do đó, các em nên làm theo thứ tự từ trên xuống dưới để tránh sót bài. Nhưng khi gặp những câu khó thí sinh không nên mất quá nhiều thời gian vào đó mà nên ghi chú lại trên giấy nháp và tiếp tục làm những câu khác. Khi đã làm xong, thí sinh mới quay lại làm những câu khó. Thường đề thi môn tiếng Anh có những câu về từ vựng, thành ngữ nếu thí sinh không biết những từ này thì rất khó để làm.

Do vậy, nếu cố gắng dành quá nhiều thời gian cho những câu này sẽ không mang lại hiệu quả.

Nguyễn Loan - Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI