Giáo viên loay hoay “hợp thức hóa”… dạy thêm

17/02/2025 - 15:04

PNO - Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, không được dạy thêm học sinh của mình có thu tiền bên ngoài trường học… Nhiều giáo viên đã tìm cách “hợp thức hóa” như thuê phòng dạy học, ký hợp đồng đưa học sinh về các trung tâm, hoặc nhờ người thân đứng tên giấy phép kinh doanh.

Tất tả làm thủ tục đăng ký dạy thêm

Có con đang học thêm lớp Sáu nhiều môn học tại nhà giáo viên, chị Hoàng Phương (quận 3, TPHCM) chia sẻ, cách đây 2 tuần nhận được thông báo của thầy cô tạm ngưng hết các lớp. “Cô giáo dạy môn toán nói, theo Thông tư 29 cô không được tự mở lớp dạy thêm mà phải đăng ký kinh doanh hoặc dạy thêm tại trung tâm. Cô cho tạm nghỉ hết tháng Hai để tìm cách “hợp thức hóa” lớp học. Sau đó, giáo viên các môn khác cũng thông báo tương tự” - chị kể.

Một số phụ huynh ở TPHCM chọn cách gom trẻ lại thành nhóm rồi mời gia sư, giáo viên về nhà dạy
Một số phụ huynh ở TPHCM chọn cách gom trẻ lại thành nhóm rồi mời gia sư, giáo viên về nhà dạy

Cô H.N. - dạy môn toán tại một trường THCS (quận 12) - cho hay, cách đây 10 ngày, cô và nhiều đồng nghiệp đã tìm hiểu thông tin rất kỹ. Điều 6 Thông tư 29 quy định tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành các lớp này. Do đó, cô đã nhờ chồng đứng ra làm thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, rồi cô ký hợp đồng với cơ sở này.

“Chúng tôi lên UBND quận thì được hướng dẫn chi tiết, tuy nhiên vì lần đầu làm nên cũng sai tới sai lui, phải bổ sung hồ sơ nhiều lần” - cô chia sẻ. Sau hơn 1 tuần nộp hồ sơ, chồng cô H.N. đã nhận giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vì còn vướng nhiều quy định khác nên cô vẫn chưa thể mở lớp trở lại.

Chung cảnh ngộ, thầy Tuấn Anh - dạy môn văn tại một trường THPT (quận Tân Bình) - cũng cho biết không khỏi vất vả khi làm thủ tục để mở lớp dạy tại nhà. Thầy than thở: “Đăng ký làm hộ kinh doanh không khó, nhưng để đáp ứng được các yêu cầu về diện tích phòng học, đảm bảo phòng cháy chữa cháy lại rất khó. Hiện, người thân của tôi đã nhận giấy phép đăng ký kinh doanh và tiếp tục làm hồ sơ để được cấp giấy xác nhận đủ đảm bảo phòng cháy chữa cháy nhưng được thông báo hồ sơ chưa hợp lệ đang phải bổ sung”.

Ngoài ra, hộ kinh doanh còn phải đăng ký mã số thuế và khai thuế ban đầu tại chi cục thuế, treo biển hiệu tại địa chỉ đăng ký, làm văn bản báo cáo với hiệu trưởng nhà trường… Thầy Tuấn Anh nói thêm: “Điều lo ngại nhất là giáo viên không được dạy học sinh của mình trên trường nên chúng tôi đã thông báo với học sinh và phụ huynh để các em tìm chỗ học phù hợp. Sắp tới thời điểm thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi cố gắng làm xong thủ tục sớm vì nhu cầu học thêm của học sinh rất lớn”.

Đi khắp nơi tìm phòng dạy thêm

Việc tự mở lớp tại nhà quá rườm rà nên thầy N.Đ.V. - giáo viên một trường THCS (quận Gò Vấp) - tìm phòng học ở các trung tâm đã đăng ký hoạt động. Để dạy thêm, thầy phải có hợp đồng lao động với trung tâm bán trú, trung tâm gia sư… hoặc các đơn vị khác có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực dạy thêm, học thêm. Các trung tâm sẽ là đơn vị đứng ra “thuê” giáo viên, đồng thời “thu hộ” học phí từ học sinh.

Thầy N.Đ.V. kể: “Vài tuần nay, trên các trang cho thuê phòng dạy học nhan nhản lời chào mời, nhưng khi đi khảo sát thực tế tôi gặp rất nhiều khó khăn. Có nơi phòng thoáng, rộng thì giá rất cao. Họ thu tiền thuê phòng dạy theo đầu học sinh, mỗi em 120.000 đồng/tháng. Mỗi tháng tôi dạy 3 lớp với khoảng 50 học sinh là đã mất 6 triệu tiền thuê phòng. Nơi giá rẻ thì phòng chật chội, không đủ điều kiện an toàn; nơi thì quá xa trường học… Nhiều chỗ còn đăng thông tin cho thuê phòng dạy học nhưng tới nơi lại là trung tâm tiếng Trung, trung tâm dạy kỹ năng… Nếu thuê phòng và ký hợp đồng ở đây sẽ không đáp ứng điều kiện về lĩnh vực hoạt động”.

Cô Ngọc Cẩm - dạy môn văn ở một trường THPT (quận 3) - cũng cho biết, giá thuê phòng thời gian gần đây tăng chóng mặt. Nhiều trung tâm bán trú, trung tâm ngoại ngữ, gia sư… đồng loạt đăng tin cho thuê phòng dạy học. Khu vực quận 3, nếu như trước đây họ cho thuê khoảng 120.000-160.000 đồng/buổi (2 giờ) thì nay lên tới 200.000-220.000 đồng/buổi (2 giờ). Mỗi tháng chúng tôi dạy 26-28 buổi, tính ra tổng số tiền thuê dao động từ 5.720.000-6.160.000 đồng/tháng. Những trung tâm đáp ứng điều kiện họ còn ràng buộc giáo viên phải ký hợp đồng thuê phòng dài hạn… Nhiều giáo viên vì không muốn đứt đoạn việc dạy và để thuê được phòng gần trường nên đành chấp nhận mức giá cao, ký hợp đồng cả năm.

Là một giáo viên tiểu học, cô Tú Ngân (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, để “hợp thức hóa” việc dạy học sinh tiểu học, thay vì dạy môn toán, tiếng Việt thì các trung tâm sẽ dạy các môn này dưới những tên gọi khác, như: toán tư duy, kỹ năng ngôn ngữ, luyện văn hay chữ tốt… Cũng có giáo viên chọn cách “ôn bài” cho học sinh trong các trung tâm bán trú… “Đây là nhu cầu thực tế bởi rất nhiều phụ huynh ở những trường học 1 buổi/ngày cần gửi con buổi còn lại. Hoặc nhiều phụ huynh đi làm về trễ thuê các trung tâm đón con vào buổi chiều khi các em tan học lúc 16g. Trong thời gian này, giáo viên sẽ hỗ trợ học sinh xem lại bài, hoàn thành bài tập… Thực tế, không phải ai cũng có thể đón con sớm” - cô Tú Ngân nói.

Nguyễn Loan

TPHCM lấy ý kiến cho dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm

Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn đến ngày 17/2. Theo dự thảo, hiệu trưởng các trường có trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT; quản lý giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên. Hiệu trưởng đồng thời phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm…

Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước, chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp. Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định.

Ng.Loan

Trường trông giữ học sinh sau giờ học

Có con trai học lớp Năm (Trường tiểu học Đống Đa, TP Hà Nội), anh T.T.M. cho biết, các phụ huynh đã nhận được thông báo về việc tổ chức hoạt động giáo dục sau giờ học chính khóa từ nhà trường. Theo đó, thực hiện Thông tư 29, trường dừng các tiết bồi dưỡng kiến thức văn hóa sau giờ học chính khóa. Tuy nhiên, để thuận tiện cho phụ huynh đón con, dựa trên tình hình thực tế và nguyện vọng của phụ huynh, trường chuyển đổi việc bồi dưỡng kiến thức văn hóa sang hình thức trông giữ học sinh sau giờ học chính khóa. Cha mẹ học sinh cho con tham gia trên tinh thần tự nguyện. Những gia đình không có nhu cầu, bố trí đón con đúng giờ tan học vào lúc 15g15 (với những ngày có 6 tiết chính khóa), 16g10 (với những ngày có 7 tiết chính khóa). Mức phí trông giữ là 12.000 đồng/giờ.

Anh M. cho biết thêm, hiện nay, việc trông học sinh sau giờ học mới dừng lại ở việc xin ý kiến nên chưa rõ trẻ sẽ học hay làm gì trong khoảng thời gian này. Anh nói: “Tôi và nhiều phụ huynh rất ủng hộ nhà trường tổ chức trông sau giờ học, vì nếu đón con từ 15g15, các gia đình không xoay xở được. Dù vậy, tôi cũng mong rằng, giáo viên không cần dạy thêm mà có thể cho trẻ hoàn thành các bài tập trong ngày. Như vậy, buổi tối trẻ không còn phải làm bài tập, mà được nghỉ ngơi hoặc ôn luyện theo nhu cầu”.

Còn anh H.T.P., có con học tại một trường tiểu học (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho hay, tuần vừa qua, con anh đã bắt đầu đi học buổi đầu tiên tại nhà cô giáo. Số lượng 1 buổi/tuần. Tuy nhiên, thay vì mục đích đi học thêm, các phụ huynh làm đơn nhờ cô giáo trông giữ sau giờ tan học với mức phí hơn 100.000 đồng/buổi.

Trên mạng xã hội, trong nhóm Hội Phụ huynh Hà Nội, một tài khoản chia sẻ, giáo viên của trường đề nghị phụ huynh có nhu cầu làm đơn. Trong đơn ghi rõ: việc dạy học này hoàn toàn miễn phí, không thu bất cứ khoản phí nào từ học sinh trong suốt thời gian dạy học. Tuy nhiên, phụ huynh sẽ phải nộp khoản chi phí 40.000 đồng/buổi cho tiền trông xe, tiền điện, cơ sở vật chất. Một số phụ huynh cho rằng, 40.000 đồng/buổi là khoản tiền không lớn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của nhiều gia đình…

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI