Giáo viên làm gì cũng bị xét nét?

23/02/2020 - 18:08

PNO - Đưa thông tin lên Facebook, cứ ngỡ mình chỉ tương tác với gia đình, bạn bè ai dè nhiều giáo viên bị nhắc nhỡ vì lỗi phát ngôn, làm mất hình ảnh…

Trong chuyến du lịch về TP.Phan Thiết, cô N.H.N.L, giáo viên một trường tiểu học TP.HCM cùng một đồng nghiệp sống tại địa phương đã đến tham quan Lâu đài rượu vang - điểm đến nổi tiếng tại TP.Phan Thiết. Cũng như bao nhiêu người khi đến đây, hai cô giáo đã “check in” Facebook hình ảnh cả hai đang nâng ly thử rượu vang. Tuy nhiên, bức ảnh trên trang cá nhân của một trong hai cô giáo sau đó đã được gỡ xuống theo yêu cầu của hiệu trưởng nhà trường với lý do “giáo viên cần phải chuẩn mực, phải giữ hình ảnh”. 

Đăng ảnh đi chơi cũng phải cẩn trọng

Kết quả của sự việc chỉ ở mức độ nhắc nhở mang tính cá nhân, tuy nhiên, nhiều giáo viên tỏ ra bất bình khi nghĩ rằng quyền tự do cá nhân của giáo viên bị xâm phạm, khi hai chữ “chuẩn mực” đã gắn họ vào những cách đánh giá mang tính hẹp hòi.

Đăng
Đăng hình học sinh mang khẩu trang bằng giấy lên Facebook, nhân viên Trường phổ  thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh (Nghệ An) bị phê bình.

Thạc sĩ Mai Đức Sang, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM, cho rằng: “Facebook là trang cá nhân và nội dung bức ảnh cũng chỉ là việc thử rượu tại Lâu đài rượu vang, không có gì để “cấm” giáo viên đăng cả. Nếu như đó là bức ảnh được chụp lại trong một cuộc nhậu nhẹt, chè chén, hoặc giả nó được đăng lên trang web nhà trường thì khác. Chưa kể việc thử - hay mời rượu vang đã trở thành một nét văn hóa mang tính quốc tế”.

Cô T.T.H, giáo viên tiểu học tại Q.Tân Phú (TP.HCM) cám cảnh: “Giáo viên bây giờ ai cũng “hiền” lắm, không dám nói gì đâu. Làm gì, nghĩ gì cũng bị xét nét, thậm chí đi chơi cũng không được phép đăng hình lên Facebook”.

Cũng liên quan đến những tác động tiêu cực khi chia sẻ thông tin trên Facebook, trang cá nhân, mới đây, cô Võ Thị Thảo, giáo viên tiểu học Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Tà Cạ (tỉnh Nghệ An) đã bị khiển trách với lý do đưa thông tin thiếu chuẩn mực về chương trình thay sách giáo khoa. Theo đó, ngày 13/2, học sinh được nghỉ đề phòng dịch COVID-19 nên trường tổ chức cho giáo viên đọc và lựa chọn sách giáo khoa lớp Một. Là thành viên trong hội đồng, cô Thảo đã chụp hình các giáo viên tại buổi làm việc, đăng lên Facebook kèm theo nội dung “người ta đã chi hàng nghìn tỷ đồng để thay một bộ sách giáo khoa, và mở nháy là bình mới rượu cũ”.

Trước đó, ngày 20/2, một nữ cán bộ thiết bị - thư viện và Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh (H.Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An) cũng đã bị phê bình, nhắc nhở vì một tấm hình “học sinh đeo khẩu trang bằng giấy” được đăng tải lên mạng xã hội. Theo giải thích từ phía nhà trường, trong buổi tuyên truyền, hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang y tế phòng dịch Covid-19, vì số lượng khẩu trang không đủ nên một số học sinh đã lấy giấy trắng làm khẩu trang để đeo theo hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, hình ảnh trên được cho là phản cảm, ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành.

Chuẩn mực giáo viên cần xem xét hợp lý, hợp tình

Theo Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Facebook và mạng xã hội nói chung như một công cụ hữu hiệu giáo viên có thể sử dụng cho hoạt động học tập, bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật kiến thức, kỹ năng... nói lên tiếng nói của mình và giúp đỡ người học, phụ huynh với đa dạng hình thức. Nhưng cần hết sức tỉnh táo trong việc giữ gìn ngôn phong, văn hóa, chuẩn mực sư phạm, hiểu và thực hiện tốt Luật an ninh mạng, cũng như cân nhắc cái lợi và hại từ ngôn ngữ nói (qua video, clip) hoặc viết, bởi yếu tố cảm xúc, phi ngôn ngữ gần như bị loại trừ khi viết. Khi đó, tính tam sao thất bản sẽ cao, để lại hệ quả rất đáng lưu tâm bởi tính chủ quan tâm lý của cộng đồng mạng.

Với vai trò là một tấm gương, nên bất cứ lời nói, hành động nào của giáo viên cũng dễ dàng tác động đến suy nghĩ và nhân cách học sinh. Do đó, việc thiếu kiểm soát ngôn ngữ, văn phong, cảm xúc khi đăng bài trên Facebook và các mạng xã hội là chưa đúng tinh thần xây dựng của nhà giáo, dễ để lại hậu quả.

Tuy nhiên, theo thầy Huân, cũng không nên vội vàng hoặc hời hợt đánh giá đạo đức, luận công, buộc tội giáo viên thông qua một hình ảnh hoặc một vài dòng tâm trạng trên mạng xã hội. “Chuẩn mực giáo viên cần phải được xem xét hợp lý, cặn kẽ từ đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, tác phong sư phạm cho đến đặc điểm cá nhân, tập thể, phong tục - tập quán vùng miền. Nếu bỏ qua các yếu tố này, quy tắc hoặc chuẩn mực nhà giáo sẽ khó áp dụng, thiếu hài hòa, đó chỉ là cái sườn cứng nhắc, đúng lý nhưng khó hợp tình”, thầy Huân nói.  

Vấn đề đeo khẩu trang giấy, nếu muốn kỷ luật giáo viên, nhà quản lý cần cân nhắc xem: từ tình hình chung đến thực tế đơn vị, từ sự nỗ lực của giáo viên, đến cách thức quản lý của mình, nhà quản lý có nắm tình hình này ngay từ đầu không? Hay truyền thông lên tiếng mới có phản hồi? Đấy chỉ là một vài câu hỏi để những người trong cuộc nhìn nhận sao cho thấu đáo hơn. Tránh quyết định vội vàng, thiếu cân nhắc, chẳng những không giải quyết được vấn đề còn làm vấn đề trở nên thiếu tích cực hơn. Thậm chí, có thể lây lan những dư luận không tốt, gây tổn thương đến những người trong cuộc và hình ảnh cá nhân, tập thể đơn vị.

Việc trước mắt không phải là quy trách nhiệm cho ai mà vì sự an toàn của trẻ, trấn an tâm lý phụ huynh, giáo viên... bằng cách khắc phục tình trạng trên bằng những giải pháp quyết đoán, rõ ràng và nhân văn. Việc chỉ nhắm vào uy tín hay vin vào uy tín mà có những quyết sách thiếu suy xét, chắc chắn chưa phải là những quyết định được lòng, đúng việc, hợp hoàn cảnh. Và lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý, cán bộ, giáo viên, từ xã hội, từ các chuyên gia y tế, giáo dục, tâm lý... có thể giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề, cũng như tìm được hướng đi tích cực hơn. 

Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI