“Em sắp không chịu nổi”
Sau một năm học Chương trình GDPT 2018, vừa bước vào lớp Mười một, T.H - học sinh một trường THPT ở TP Thủ Đức - gần như đuối sức, cảm giác sắp “không chịu nổi”.
|
Nhiều học sinh THPT đang "chật vật" với bài tập về nhà (hình minh hoạ) |
“Tuần nào em cũng phải thuyết trình ít nhất 1 lần, nếu chia theo nhóm nhiều người phần việc có thể đỡ hơn, nhưng theo nhóm 4 hay 2 thì soạn nội dung, làm powerpoint thật sự rất mệt. Có tuần em phải thuyết trình 4,5 lần. Ở trường đã học cả ngày 8,9 tiết, về nhà lại ngay lập tức đi học thêm, dù chỉ học 2 môn song có hôm em về đến nhà cũng đã 10g đêm. Về đến nhà lại lao vào làm bài thuyết trình, deadline của nhóm trưởng”- T.H kể.
Không những thế, theo T.H, cái đáng nói là bài tập mỗi ngày đều nhiều, đặc biệt các môn tự nhiên bài tập nhiều và khó. “Đêm nào em cũng phải thức đến gần sáng, có hôm không được ngủ. Cả ngày lao đầu vào học em chẳng làm được gì khác…, thêm vài tháng nữa chắc em không chịu nổi…”- T.H suy sụp.
Chị Nguyễn Tâm - phụ huynh tại TPHCM kể, con trai chị mới vào lớp Mười, dù chưa học thêm nhưng mỗi ngày con đã học 8, 9 tiết ở trường, về nhà lại miệt mài làm bài tập. Có hôm con thức đến 1g sáng, hỏi thì con nói phải làm bài thuyết trình nhóm, sáng mai lên lớp thuyết trình, lấy điểm cộng.
“Đầu năm họp phụ huynh, nhà trường, giáo viên đều nói kiến thức chương trình GDPT mới ở bậc THPT được đổi mới khá nhẹ nhàng, chỉ yêu cầu học sinh kiến thức cơ bản. Thế nhưng, nhẹ nhàng đâu tôi chưa thấy, chỉ thấy con đang rất nặng nề khi học…”- chị Tâm bức xúc.
Đổi mới “lạm dụng” sẽ phản tác dụng
Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên - Tổ trưởng tổ ngữ văn, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) thừa nhận, có thực trạng nhiều giáo viên đang quá lạm dụng việc đổi mới phương pháp giảng dạy đến mức thần tượng hoá một phương pháp nào đó, ví dụ như thuyết trình. Tiết học nào cũng bắt học sinh phải thuyết trình, biến mỗi giờ học “đổi mới” lẽ ra nhẹ nhàng thì lại trở thành nỗi ám ảnh của học sinh.
“Việc giáo viên quá lạm dụng thuyết trình, bài nào cũng bắt học sinh trình chiếu powerpoint, giáo viên chốt ý là đã bắt học sinh làm thay việc của mình. Thuyết trình đòi hỏi học sinh phải có sự chuẩn bị công phu, do vậy chỉ nên áp dụng khi thực sự cần thiết trong những bài thực hành phát triển kỹ năng cho học sinh…”- cô Hạnh Nguyên nhận định.
|
Giáo viên cần hài hoà trong đổi mới phương pháp trong từng giờ học |
Cô phân tích, đổi mới đa dạng phương pháp giảng dạy sẽ giúp học sinh có không gian để sáng tạo, rèn thêm kỹ năng, thay đổi không khí giờ học. Tuy nhiên, nếu giáo viên quá lạm dụng một phương pháp nào đó thì sẽ khiến tiết học trở nên nặng nề, học sinh cảm thấy áp lực… Việc đổi mới hiện nay giáo viên có thể áp dụng rất nhiều phương pháp, như vẽ tranh, làm sơ đồ tư duy, học tập theo nhóm với phiếu học tập chung, làm sản phẩm… Mọi phương pháp giáo viên cần gia giảm, hài hòa phù hợp.
“Học sinh lớp Mười hai thì hạn chế cho thuyết trình, thường rơi vào các bài đọc thêm, để học sinh có thêm cột điểm thường xuyên, giảm áp lực học tập. Khi cho học sinh thuyết trình cần cho các em thời gian chuẩn bị khoảng 2 tuần, chia theo nhóm, có nhóm thuyết trình, nhóm phản biện”- cô Hạnh Nguyên gợi ý.
Cô Đoàn Thuý Nga - giáo viên sinh học, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho rằng, thuận lợi của giáo viên hiện nay là có rất nhiều phương tiện hỗ trợ đổi mới, từ công nghệ, các nền tảng tương tác trực tuyến. Đặc biệt, sách giáo khoa đã thay đổi rõ rệt trong cách thức truyền tải kiến thức đến học sinh.
Kiến thức mỗi bài học đều mang tính thực tế. Giáo viên cũng phải cập nhật thông tin nhiều hơn để sát với thực tế, đưa thêm các video, hình ảnh vào trong tiết học, thay cho các ví dụ đơn điệu trong sách.
“Chính sự đổi mới này sẽ kích thích sự sáng tạo của học sinh trong giờ học, qua chính sự tương tác của giáo viên chứ không nhất thiết giờ học nào cũng bắt học sinh phải thuyết trình… Đổi mới không phải là ôm đồm tất cả các phương pháp mới vào giờ học, mà đổi mới là thay đổi cách tiếp cận kiến thức đến học sinh, làm sao để các em chủ động bước vào bài học, hào hứng qua chính phương pháp của thầy cô”- cô Thúy Nga nhìn nhận.
Nói không với bài tập về nhà 2 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, ThS Phạm Lê Thanh - giáo viên hoá, Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) đã “nói không với giao bài tập về nhà”. Học sinh sẽ học, hiểu và ghi nhớ kiến thức bài học thông qua chính trải nghiệm thực tế ngay trên lớp. | 2 năm nay, ThS Phạm Lê Thanh "nói không với giao bài tập về nhà" cho học sinh |
Để làm được điều này, thầy Thanh cho biết tổ bộ môn sẽ cùng ngồi lại, nghiên cứu xem có bao nhiêu mạch kiến thức trong mỗi chủ đề, mỗi mạch kiến thức cần bao nhiêu hoạt động. Từ đó sẽ sắp xếp số tiết tương ứng để triển khai. “Thay vì giao bài tập về nhà giáo viên sẽ tương tác với học sinh trên hệ thống LMS trước khi tiết học bắt đầu, thông qua các trò chơi, đố vui…, để giúp các em ôn lại, củng cố lại kiến thức. Việc làm bài tập về nhà không phải là cách để phát huy năng lực phẩm chất học sinh. Năng lực, phẩm chất chỉ được phát huy thông qua chính các hoạt động trải nghiệm thực tế…”. Theo ThS Thanh, Chương trình GDPT 2018 trao quyền chủ động rất lớn cho giáo viên, nếu đi đúng hướng sẽ giảm tải cho học sinh rất nhiều, học sinh sẽ khám phá, củng cố kiến thức ngay trong giờ học. Với Chương trình mới, mỗi thầy cô sẽ là một quyển sách giáo khoa. Từ các bộ sách giáo khoa, các nguồn tư liệu, giáo viên sẽ tham khảo để biên soạn thành các chủ đề phù hợp. Bằng cách này, học sinh sẽ không chỉ đạt được yêu cầu của môn học mà còn được vận dụng, mở rộng, hiểu thêm kiến thức bài học trong đời sống thực tế, các em hiểu học kiến thức đó để làm gì… “Đổi mới phương pháp không phải là cứng nhắc bê nguyên xi, nguyên bản một phương pháp nào đó liên tục hoặc là phô hết các phương pháp. Tuỳ từng bài mà giáo viên tính toán thiết kế các hoạt động như thế nào cho phù hợp”. |
Quốc Trung