Giáo viên không bắt học sinh trả bài theo kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt"

12/09/2023 - 15:29

PNO - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt,hỏi bất chợt” vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực đầu giờ.

Đây là chỉ đạo của Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM ông Nguyễn Văn Hiếu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai phương hướng nhệm vụ năm học 2023-2024 quận 3, sáng ngày 12/9.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ, kêu học sinh trả bài, kiểm tra miệng theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt, gây áp lực cho học sinh. Sáng sớm học sinh vừa ngồi trên xe ba mẹ chở đi học, vừa ăn, vừa cầm cuốn vở học vì sợ thầy cô kêu trả bài.

Ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu giáo viên không bắt học sinh trả bài theo kiểu gọi bất chợt, hỏi bất chợt
Ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu giáo viên không bắt học sinh trả bài theo kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt"

Ông nhấn mạnh, chất lượng giảng dạy trong nhà trường góp phần quan trọng làm cho trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, không bị căng thẳng. Để học sinh hạnh phúc khi đến trường thì thầy cô không thể kêu học sinh trả bài kiểu đó mà có nhiều cách để kiểm tra. Hiện nay, với thời lượng 35% nội dung chương trình giáo dục được đưa lên hình thức trực tuyến, thầy cô có thời gian trước giờ dạy có thể giao nội dung, yêu cầu học sinh tự chuẩn bị trên hệ thống LMS. Giáo viên có thể kiểm tra học sinh nào làm tốt, học sinh nào làm chưa tốt, khi vào lớp thầy cô có thể nhắc các em, như vậy các em mới tập trung nhớ được kiến thức.

“Thầy cô hỏi bất chợt thì những kiến thức đó không mang lại giá trị gì cho học sinh. Đừng làm cho các em căng thẳng trước giờ học. Mở đầu giờ học, thầy cô có thể mời các em hát, phương pháp phải đa dạng hướng đến quyền lợi học sinh, làm cho các em thích thú khi vào học chứ không căng thẳng. Đó mới là môi trường hạnh phúc. Chất lượng giảng dạy còn nằm ở chỗ thầy cô tạo môi trường cho học sinh tương tác, trực tiếp tham gia vào quá trình dạy của thầy cô, tạo ra các giờ dạy nhẹ nhàng, chất lượng để mỗi sáng thức dậy các em náo nức được đến trường…” - ông Nguyễn Văn Hiếu chỉ rõ.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, khi xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường cần quan tâm thêm đến 2 điều kiện cốt lõi. Đó là môi trường giáo dục và mối quan hệ tốt đẹp. Trong đó, trường học phải an toàn, sạch sẽ, vệ sinh, ngăn nắp. Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Trong môi trường giáo dục, nhà trường cần tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp, điều này cũng giải quyết được bạo lực học đường, cô lập, bạo lực mạng khi các em có thể chia sẻ với bạn bè, thầy cô.

Làm sao mỗi sáng thức dậy, học sinh đều náo nức được đến trường
Theo ông Nguyên Văn Hiếu, cần phải làm sao để mỗi sáng thức dậy, học sinh đều náo nức được đến trường

Đặc biệt, ông nhận định, hiện nay giáo viên vẫn còn hồ sơ sổ sách nhiều quá. “Tôi mong chúng ta thay đổi mạnh về cải cách hành chính, không để nặng nề cho thầy cô phải vất vả về sổ sách. Hiệu trưởng các trường cần mạnh dạn sử dụng hồ sơ sổ sách số hóa. Điều gì đem lại lợi ích cho học sinh, cho quá trình dạy và học thì chúng ta duy trì. Còn sổ hành chính để kiểm tra, để đối phó thì thôi” - ông Hiếu bày tỏ.  

Riêng với chương trình dạy học tích hợp ở bậc THCS, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu cán bộ quản lý phải giúp giáo viên tự tin, không cảm thấy lẻ loi. Đã thực hiện đổi mới mà giáo viên không được lãnh đạo cộng hưởng, đồng hành thì sẽ cảm thấy rất khó khăn. Phòng giáo dục, Sở GD-ĐT phải đến trường xem giáo viên triển khai dạy học như thế nào, cùng với giáo viên, cùng với trường xây dựng các chủ đề dạy học tốt. “TPHCM sẽ xin phép Bộ GD-ĐT để các địa phương có đủ điều kiện và giáo viên sẵn sàng được tiếp tục triển khai dạy học tích hợp. TPHCM sẽ kiên trì dạy học tích hợp” - ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI