Giáo viên kèm đêm, giúp học sinh dân tộc thiểu số vào đại học

20/06/2024 - 06:22

PNO - Nhiều giáo viên ở tỉnh Nghệ An tạm gác công việc gia đình, tình nguyện đến trường phụ đạo mỗi đêm, giúp học sinh dân tộc thiểu số có thể vào đại học.

Hàng ghế đá ở sân Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An  trở thành nơi ôn bài của học sinh
Hàng ghế đá ở sân Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An trở thành nơi ôn bài của học sinh

Sau giờ cơm tối, hàng trăm học sinh (HS) lớp Mười hai Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 Nghệ An (xã Nghi Ân, TP Vinh) chia thành nhiều tốp vào thư viện, lớp học, hành lang… học bài. Đèn trong khuôn viên trường được bật sáng, các phòng chức năng, phòng ban giám hiệu đều mở cửa để HS đến ôn bài.

Lấy ghế đá làm bàn, em Lô Thị Kim Ngoan cho biết, do nắng nóng gay gắt, nên sân trường là nơi lý tưởng để em luyện đề cùng nhóm bạn mỗi tối. Mỗi nhóm 3-4 HS mang theo nước uống, đồ ăn nhẹ, đèn tích điện hỗ trợ nhau giải những câu khó.

Ngoan mồ côi cha mẹ, sống với ông bà ngoại. Em từng có ý định bỏ học song ông bà ngoại khuyên tiếp tục học để trở thành cô giáo. Để không phụ lòng ông bà, em chăm chỉ học ngày đêm. “Giờ em đã sẵn sàng cho kỳ thi rồi. Em dự tính học ngành sư phạm, sau này dạy học gần nhà để tiện chăm sóc ông bà” - Ngoan nói.

Là một trong số ít nữ sinh dân tộc Thổ, em Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, số người học đại học ở xã Văn Lợi (huyện Quỳ Hợp) của em chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không muốn quanh quẩn bên nương rẫy như bạn bè, Quyên nỗ lực học tập để thi vào Học viện Ngoại giao. Em chia sẻ: “Nếu giờ đi làm thì nhanh có tiền nhưng tương lai khó ổn định. Còn nếu đi học đại học, chắc cha mẹ sẽ không lo nổi, nhưng em vẫn cố gắng hết sức, vừa học vừa đi làm thêm”.

Hơn 22g đêm, nhiều em tranh thủ chợp mắt ít phút, ăn lót dạ rồi tiếp tục học. Bên trong các lớp, tiếng giảng bài, thảo luận rôm rả bởi có giáo viên đứng lớp. Cô Lê Sa - dạy tiếng Anh tại trường - cho hay: “Các em không có điều kiện đi học thêm nên chúng tôi tranh thủ buổi tối kèm thêm. Dù hơi mệt, nhưng thấy các em ham học, mình không nỡ để các em mong chờ”.

Cô Đậu Thị Quỳnh Mai - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết, mùa thi năm 2023 là mùa vui của trường khi gặt hái nhiều thành công; điểm trung bình thi tốt nghiệp xếp thứ hai toàn tỉnh, chỉ sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Tất cả HS đều tiếp bước vào đại học dù 95% HS là con em dân tộc thiểu số đến từ các bản làng xa xôi, đặc biệt khó khăn. Để đạt được thành tích ấn tượng trên là cả một quá trình nỗ lực của cô và trò. Các cô luôn sát sao nắm bắt tình hình HS, kịp thời tư vấn tâm lý, đặc biệt là định hướng nghề nghiệp cho từng HS.

“Năm nay, trường có 230 HS thi tốt nghiệp THPT. Lịch tự học của HS đến 22g nhưng nhiều em ham học nên trường phải tăng thêm đến 24g. Các giáo viên cũng tình nguyện đến phụ đạo, bổ sung kiến thức cho HS mỗi đêm” - bà nói.

Những ngày này, để đảm bảo sức khỏe cho HS ôn luyện, Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) đã cho tăng thêm chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, cử người nấu cháo đêm cho học trò lót dạ. Năm nay, trường có 237 HS lớp Mười hai là con em dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ Đu…

Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Kiều Hoa chia sẻ: “Vì điều kiện gia đình, nhiều HS dự tính chỉ thi lấy bằng tốt nghiệp rồi đi làm dù rất muốn học đại học. Tôi bảo rằng, nếu các em vẫn muốn học thì cô sẽ luôn đồng hành, giúp trong khả năng của mình”.

Bà vừa đồng hành cùng HS ôn luyện, vừa đi “gõ cửa” doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xin tài trợ. Đến nay, nữ hiệu trưởng này đang phối hợp với một số nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho hơn 20 sinh viên là cựu HS của trường. Năm nay, dù chưa thi nhưng có 4 doanh nghiệp hứa nhận nuôi 4 em có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian học đại học với chi phí 3 triệu đồng/tháng.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI