Từ đầu năm 2019 đến nay, “số phận” của giáo viên hợp đồng là vấn đề nổi lên ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Ngày 7/11, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày 6/11, ông đã ký văn bản và ngày 7/11 phát hành đến các địa phương, đề nghị thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại kết luận 9028 về tuyển dụng đặc cách với giáo viên hợp đồng. Nhưng ở TP.Hà Nội, ngay buổi chiều đó, nhiều giáo viên H.Sóc Sơn phải nhận thông báo chấm dứt hợp đồng.
Sáng nghe chỉ đạo, chiều nhận thông báo cắt hợp đồng
Năm nay, với cô giáo T.H., tháng tri ân người cầm phấn lại trở thành những ngày trĩu nặng, bởi chỉ hơn một tháng nữa cô phải rời bục giảng. “Phận hợp đồng”, nhưng yêu nghề giáo nên gần mười năm qua cô H. vẫn tâm huyết với nghề, vẫn được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Bù lại những nỗ lực không ngừng, cô H. trở thành giáo viên (GV) dạy giỏi cấp huyện. Ở cơ sở, cô cũng được ghi nhận là chiến sĩ thi đua.
Vừa rồi, cô không vượt qua được vòng một của kỳ thi tuyển viên chức năm 2019 do UBND H.Sóc Sơn tổ chức. “Mình là cô giáo mà thi trượt, thì cũng buồn”, cô H. nói với nụ cười gượng gạo.
|
Giáo viên hợp đồng của H.Sóc Sơn mệt mỏi trong những ngày đi khắp nơi kêu cứu |
Ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời trước Quốc hội: “Hôm nay, tôi đã cho phát hành văn bản đến 63 tỉnh, thành, giải quyết vấn đề thực hiện biên chế hợp đồng được cấp thẩm quyền cho phép, trước ngày 31/12/2015 có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm, không vi phạm trong thời gian giảng dạy thì được xét tuyển vào biên chế viên chức. Biên chế năm 2015 chưa tuyển đủ, thì tuyển đặc cách với các đối tượng này. Đối tượng khác tuyển theo nghị định 161, không có chuyện cạnh tranh ở đây và để gỡ rối cho các trường hợp vừa qua”.
Ông cũng đề nghị TP.Hà Nội phải làm nghiêm túc như thế. Biết được thông tin này, cô H. đã khấp khởi hy vọng, bởi theo kết luận, các GV nằm trong chỉ tiêu biên chế từ năm 2015, ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015 và có đóng bảo hiểm như cô sẽ được tuyển dụng đặc cách.
Thế nhưng, hy vọng chưa được bao lâu thì cô H. nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng với lý do không vượt qua được vòng một của kỳ thi tuyển viên chức, kể từ ngày 1/1/2020. Trong khi, tháng 4/2020 là cô nghỉ hưu. Cũng vì sắp đến tuổi hưu nên cô H. không tham gia thi tuyển viên chức để GV trẻ có cơ hội. Chẳng ngờ, đó lại là lý do huyện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với cô.
Những văn bản hỏa tốc “rối như canh hẹ”
Từ ngày 7/11 đến nay, nhiều GV hợp đồng ở H.Sóc Sơn đã phải nhận thông báo chấm dứt hợp đồng. Mệt mỏi vì kêu cứu khắp nơi suốt từ đầu năm, cô giáo M.P. nói trong tuyệt vọng: “Đến giờ, chúng tôi thấy UBND huyện quyết định mọi việc theo những gì họ muốn. Trước đó, chúng tôi thấy thông báo tháng 5/2020 sẽ chấm dứt hợp đồng, nhưng cuối cùng là tháng 1/2020. Đã chuẩn bị tâm lý nhưng chúng tôi vẫn rất sốc, không thể tập trung giảng dạy”.
Đến nay, đã có nhiều văn bản của Bộ Nội vụ và UBND TP.Hà Nội khẳng định: sẽ xét đặc cách, xét tuyển GV hợp đồng rồi mới tổ chức thi tuyển. Nhưng thực tế, GV hợp đồng ở các huyện Ứng Hòa, Ba Vì, thị xã Sơn Tây đã bị cắt hợp đồng trước kỳ thi tuyển.
Riêng ở Sóc Sơn, UBND huyện này đã có văn bản số 5134/TB-UBND, thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Theo đó, huyện sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với những GV không dự thi, không đạt kết quả vòng một kể từ ngày 1/1/2020. Vậy là, UBND H.Sóc Sơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của GV, bất chấp yêu cầu của Bộ Nội vụ.
Ngày 14/11, trước sức ép từ dư luận cũng như GV, UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản hỏa tốc về việc tuyển dụng đặc cách GV đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.
Công văn nêu rõ, UBND TP.Hà Nội đã nhận được văn bản số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc tuyển dụng đặc cách những GV đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. Sau khi nhận văn bản trên, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Nội vụ tổng hợp, rà soát, tham mưu báo cáo UBND thành phố trước ngày 20/11 (trong khi ngày 17/11 diễn ra kỳ thi tuyển viên chức giáo dục vòng hai).
Ngày 15/11, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng có công văn hỏa tốc gửi Giám đốc Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Ông Chung cũng chỉ đạo thi tuyển và xét tuyển viên chức giáo dục để tuyển dụng đặc cách GV hợp đồng trước.
Nhưng, chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội lại ký một văn bản hỏa tốc khác (số 5130) với nội dung: giao Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai tổ chức thi tuyển và xét tuyển viên chức giáo dục vào ngày 17/11 theo đúng kế hoạch.
Giải thích về hai công văn hỏa tốc trái ngược trong cùng một ngày, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội cho biết, sau khi làm việc với Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ TP.Hà Nội, một số cơ quan liên quan, thì thấy việc tổ chức song song hai hình thức tuyển sẽ có lợi cho GV. Nếu dừng thi tuyển sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các GV đã vượt qua vòng một và có cơ hội đỗ ở vòng hai. Bởi trong số những người đăng ký thi, không chỉ có các GV hợp đồng lâu năm mà còn có các GV khác.
Chưa kể một số GV hợp đồng lâu năm tuy đủ các điều kiện để xét tuyển, nhưng tại trường họ có hợp đồng lại không có chỉ tiêu, nên nếu dừng kỳ thi thì các GV này cũng sẽ thiệt thòi.
Ngọc Minh Tâm