Giáo viên hơn 30 năm “gieo chữ” vùng cao: “Chưa bao giờ được học sinh đến thăm 20/11”

19/11/2021 - 10:29

PNO - Hơn 30 năm gắn bó với học sinh vùng cao, thầy giáo Hoàng Phúc Gọn (SN 1970), giáo viên tại Cao Bằng luôn đầy nhiệt huyết với việc "trồng người".

Bản Thuôn - nơi thầy Gọn sinh sống - trước đây là một điểm trường lẻ của Trường tiểu học Đàm Thủy (H. Trung Khánh, tỉnh Cao Bằng) cách trung tâm xã Đàm Thủy chừng 16km. Nếu muốn vào bản mọi người phải leo qua một quả núi với thời gian là 2 giờ đồng hồ qua động Ngườm Ngao.

Mấy năm trước, tại bản Thuôn có một điểm trường thuộc Trường tiểu học xã Đàm Thủy nhưng gần đây do học sinh ít quá nên thầy Gọn chuyển về trung tâm xã dạy học.

Để đi từ bản Thuôn đến điểm trường chính, thầy Gọn phải đi qua con đường gồ ghề đá hộc, trơn trượt, nằm chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu đầy nguy hiểm, nhưng thầy Gọn kể đi nhiều... cũng thành quen. Đến độ thầy còn thuộc cả những tảng đá, những con dốc.

Thầy Gọn kể, khổ nhất là những ngày mưa, đến trường mà không khác gì vừa đi “làm ruộng” về. Đường xá trơn trượt, lầy lội, bùn đất bắn đầy lên tận vai áo...

“Hiện tại tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 3 của Trưởng tiểu học Đàm Thủy. Lớp học có 14 học sinh nhưng có 1 học sinh bị khuyết tật, 4 học sinh nghèo và 5 học sinh cận nghèo. Đa số các học sinh của tôi đều là người dân tộc Nùng, Tày và bố mẹ sống bằng nghề nương rẫy nên rất khó khăn.

Niềm an ủi lớn nhất của những giáo viên như chúng tôi là không phải đến từng nhà vận động các con đến trường mà các em rất ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập”, thầy Gọn kể.

Học sinh của thầy Gọn tại điểm trường lẻ bản Thuôn - Ảnh: Đại Minh
Học sinh của thầy Gọn tại điểm trường lẻ bản Thuôn - Ảnh: Đại Minh

Nói về cơ duyên “gieo mầm xanh” tại vùng núi đá cao, thầy Gọn kể, thầy tốt nghiệp phổ thông năm 1989, sau đó dạy hợp đồng xóa mù chữ cho dân bản từ năm 1992 đến 1994. Tháng 9/1994, thầy đi học trường sư phạm rồi quyết định về công tác tại bản Thuôn cho đến giờ.

“Tôi cũng là một đứa trẻ được sinh ra trên vùng núi đá cằn cỗi, cuộc sống khó khăn. Tôi cũng chứng kiến nhiều người bạn cùng trang lứa mù chữ, không có cơ hội phấn đấu, cuộc sống rất gian nan trên vùng núi đá.

Và rồi tôi không đành lòng nhìn những đứa trẻ sinh ra ở đây tiếp tục mù chữ, tiếp tục lặp lại vòng luẩn quẩn vì không được học tập, nên quyết tâm ở lại bản và dạy học hơn 30 năm nay”, thầy Gọn kể.

Trong khi nhiều giáo viên cả nước đón nhận hoa tươi Ngày Nhà giáo Việt Nam thì ở vùng cao phía Bắc, nơi đa số học sinh là người dân tộc và còn nhiều khó khăn thiếu thốn, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với thầy cô là trẻ chịu đến trường học hành.

Nói về nghề và về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Hoàng Phúc Gọn kể rằng có nhiều cảm nhận đặc biệt, bởi sự mộc mạc, chân thành của học sinh nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Ngày 20/11 của thầy cô giáo vùng cao đơn sơ, giản dị mà ấm áp vô cùng. Trước đây khi dạy học ở bản Thuôn, giáo viên cũng tổ chức lễ mít tinh cùng học sinh vui chung, quà tặng của các con chỉ là những bó hoa dại hái vội ven đường nhưng khiến các giáo viên như thầy Gọn thấy hạnh phúc vô cùng.

Điểm trường chính, thầy Gọn được tặng những bông hoa hồng nhân ngày 20/11 - Ảnh: Đại Minh
Thầy Gọn cùng các học sinh chụp ảnh kỷ niệm tại điểm trường chính trong ngày 20/11 - Ảnh: Đại Minh

“Giờ đây, khi lớp học tại bản Thuôn bị “xóa sổ” vì ít học sinh, tôi chuyển ra dạy tại điểm chính của Trường tiểu học Đàm Thủy những ngày 20/11 cũng được các con tặng một bông hoa hồng và những lời chúc đơn sơ nhưng tôi rất vui. Học sinh vùng núi cao khó khăn lắm, suốt 30 năm công tác tôi chưa từng được học trò đến nhà thăm ngày 20/11 nhưng điều đó cũng không làm vơi bớt đi nhiệt huyết với nghề. Bởi lẽ, với những giáo viên vùng cao như tôi thì chỉ cần trẻ đến trường đã là quà tặng lớn rồi.

Niềm mong mỏi lớn nhất của tôi là các con mạnh khỏe, chăm chỉ đến trường để sau này có cái chữ thì có thể bay cao, bay xa hơn nữa”, thầy Gọn chia sẻ.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI