Giáo viên Hàn Quốc vật lộn với tỷ lệ lạm dụng và tự tử cao

13/07/2024 - 12:09

PNO - Thường các trường hợp giáo viên lạm dụng ở Hàn Quốc không được báo cáo vì những lý do như sợ bị trả thù, thiếu sự hỗ trợ và các chuẩn mực văn hóa không khuyến khích họ lên tiếng.

Trong một đoạn video lan truyền rộng rãi, một cậu bé lớp 3 đã tát hiệu phó và vung cặp sách vào mặt ông khi vị giáo viên này cố ngăn cậu bé rời khỏi trường mà không được phép, tại Jeonju, Hàn Quốc. (Cảnh quay: Trường giáo viên Jeonbuk … xem thêm Nghe bài viết này
Một đoạn video lan truyền rộng rãi khi một học sinh lớp 3 tát hiệu phó

Tháng trước, một đoạn video ghi lại cảnh một học sinh tiểu học tát hiệu phó tại một trường tiểu học ở Hàn Quốc đã lan truyền mạnh mẽ.

Theo đoạn clip, một học sinh lớp 3 đã tấn công và lăng mạ hiệu phó khi ông này cố ngăn cản cậu bé rời khỏi trường mà không được phép.

Trong đoạn phim do Liên đoàn Giáo viên Jeonbuk công bố, cậu học sinh đã tát người đàn ông nhiều lần, vung ba lô vào người ông và chửi thề.

Thậm chí, học sinh này cũng đã cắn và khạc nhổ vào phó hiệu trưởng. Mặc dù đã can thiệp, cuối cùng cậu bé vẫn rời khỏi sân trường.

Phó hiệu trưởng không hề cố gắng tự vệ, đôi khi chỉ đứng thụ động với hai tay chắp sau lưng khi bị đánh.

Các nhà giáo dục cho biết phản ứng của ông không phải là hiếm – giáo viên thường cảm thấy không thể tự bảo vệ mình vì sợ bị buộc tội ngược đãi trẻ em và bị đưa ra tòa.

“Anh ta để tay ra sau lưng khi bị tát. Một số người có thể nói, 'Tại sao vậy? Anh ta nên nắm tay đứa trẻ và cố gắng ngăn nó lại'. Những tuyên bố như vậy cho thấy sự thiếu hiểu biết về thực tế” - Kim Dong-seok, giám đốc quyền giáo viên tại Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc cho biết.

“Nếu hiệu phó nắm tay đứa trẻ và để lại dấu vết thì sao? Đương nhiên, hành vi đó sẽ bị coi là hành vi ngược đãi trẻ em”.

Truyền thông địa phương cũng đưa tin mẹ của cậu bé sau đó đã đến trường và hành hung giáo viên chủ nhiệm.

Ông Kim cho biết các nhà giáo dục ở Hàn Quốc thường phải chịu đựng sự ngược đãi từ học sinh và phụ huynh trong im lặng.

Hầu hết các trường hợp không được báo cáo vì những lý do như sợ bị trả thù, thiếu sự hỗ trợ và các chuẩn mực văn hóa không khuyến khích họ lên tiếng.

"Học sinh cư xử rất thiếu tôn trọng – họ đóng sầm cửa hoặc có những cử chỉ khiếm nhã. Thông thường, giáo viên phải chịu đựng những tình huống này, giả vờ không để ý hoặc bỏ qua chúng” - ông nói và cho biết những sự cố gần đây đã khiến việc bảo vệ giáo viên và sức khỏe tâm thần của họ trở thành tâm điểm chú ý.

Giáo viên tự tử vì không chịu nổi áp lực

Tháng 7/2023, một giáo viên lớp Một đã tự tử tại ngôi trường nơi cô giảng dạy, tọa lạc tại khu phố thượng lưu Gangnam của Seoul.

Theo nhật ký và hàng trăm tin nhắn của cô cho thấy cô bị phụ huynh tại Trường Tiểu học Seoi quấy rối trong nhiều tháng.

Một người phụ nữ bày tỏ lòng thành kính tại lễ tưởng niệm giáo viên Trường Tiểu học Seoi đã tự tử tại Seoul, Hàn Quốc.
Một người phụ nữ bày tỏ lòng thành kính tại lễ tưởng niệm giáo viên Trường Tiểu học Seoi đã tự tử tại Seoul, Hàn Quốc.

Cô giáo 26 tuổi này đã qua đời sau khi dạy được một năm. Cô là một trong số nhiều giáo viên tự tử – chủ yếu là giáo viên tiểu học – trên toàn quốc.

Theo số liệu của chính phủ, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 6 /2023. Cái chết của cô giáo này đã châm ngòi cho 9 tuần biểu tình của hàng chục ngàn nhà giáo dục trên toàn quốc, kêu gọi các biện pháp bảo vệ quyền của giáo viên.

Vào tháng 9/2023, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện những thay đổi quan trọng để bảo vệ giáo viên và cung cấp điều kiện làm việc tốt hơn. Theo luật mới, các nhà giáo dục không còn bị đình chỉ công tác nếu bị buộc tội ngược đãi trẻ em, trong khi chờ điều tra và có thêm bằng chứng.

Giáo viên hiện được phép đuổi những học sinh gây mất trật tự ra khỏi lớp học. Các trường tiểu học sẽ ghi lại các cuộc gọi điện thoại từ phụ huynh, trong khi các phòng họp giữa giáo viên và phụ huynh sẽ được lắp đặt hệ thống giám sát video.

Khiếu nại và kiện tụng của phụ huynh cũng không còn là trách nhiệm của giáo viên nữa mà là của hiệu trưởng. Phụ huynh cũng không được cung cấp dữ liệu cá nhân của giáo viên, như số điện thoại di động.

Sau khi luật mới có hiệu lực, số lượng khiếu nại đã giảm đáng kể. Từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024, 385 vụ ngược đãi trẻ em đã được phụ huynh đệ đơn kiện giáo viên - thấp hơn nhiều so với 1.702 vụ vào năm 2022.

Ám ảnh kéo dài

Trong khi Liên đoàn Công đoàn Giáo viên Hàn Quốc hoan nghênh các quy định mới, một số giáo viên cho biết vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 78% trong số 11.359 giáo viên được khảo sát không nghĩ rằng điều kiện đã thay đổi đáng kể.

Hàng chục nghìn nhà giáo dục trên toàn quốc biểu tình sau khi một giáo viên tiểu học tự tử sau nhiều tháng bị phụ huynh quấy rối.
Hàng chục ngàn giáo viên trên toàn quốc biểu tình sau khi một giáo viên tiểu học tự tử sau nhiều tháng bị phụ huynh quấy rối.

Một giáo viên 30 tuổi cho biết anh vẫn còn bị ám ảnh bởi trải nghiệm từ vài năm trước. Anh ta bị đưa ra tòa bởi một người mẹ cáo buộc anh ta bạo hành tình cảm, sau khi anh ta mắng con bà vì dùng ngôn ngữ tục tĩu và gây mất trật tự trong lớp học.

Mặc dù đã thắng kiện, nhưng điều đó khiến anh mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

“Nỗi sợ phải đối mặt với học sinh và phụ huynh tăng lên đáng kể. Trong quá trình bị cảnh sát điều tra, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng, như thể mọi nỗ lực của tôi với tư cách là một giáo viên đều bị phủ nhận hoàn toàn” - anh tâm sự và nói thêm rằng anh cảm thấy an ủi và thoải mái khi thảo luận về những kinh nghiệm chung và nhận được sự hỗ trợ từ các giáo viên đồng nghiệp.

Tháng 4 năm ngoái, một cuộc khảo sát của công đoàn giáo viên cho thấy 26,5% giáo viên đã được tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý liên quan đến công việc, trong khi có tới 87% đã cân nhắc đến việc nghỉ việc.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân sâu xa của vấn đề này một phần là do một số giá trị xã hội ở Hàn Quốc.

Giáo sư phúc lợi xã hội Jung Jae-hoon từ Đại học Phụ nữ Seoul giải thích: "Ngày nay, mọi người có ít con hơn nên mỗi đứa trẻ đều vô cùng quý giá đối với cha mẹ. Phụ huynh đầu tư rất nhiều vào con cái và không thể chịu đựng được cảm giác rằng con mình bị đối xử bất công.

Cảm giác méo mó về đặc quyền của cha mẹ này, kết hợp với giá trị cao được đặt vào việc giáo dục con cái, dẫn đến vi phạm quyền của giáo viên".

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà giáo dục Hàn Quốc. Yvette Lau - một cố vấn sức khỏe tâm thần và là cựu giáo viên có trụ sở tại Hồng Kông - cho biết: "Thật khó khăn khi một giáo viên lo lắng về những điều sẽ xảy ra nếu họ lên tiếng".

Trọng Trí (theo CNA)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi