Giáo viên gùi lương thực, băng rừng về trường sau lũ quét

08/10/2022 - 07:29

PNO - Tuyến đường về trường bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt sau trận lũ quét, nhiều giáo viên phải gùi lương thực trên lưng rồi băng rừng gần 6 giờ mới đến nơi.

 

Giáo viên Trường PTCS DTBT Tây Sơn băng rừng vào trường sau trận lũ quét
Giáo viên Trường PTCS DTBT Tây Sơn băng rừng về trường sau trận lũ quét

Xã Tây Sơn cách thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khoảng 12km. Mặc dù không bị ảnh hưởng trong trận lũ quét kinh hoàng tàn phá huyện biên giới này hôm 2/10, song tuyến đường vào xã bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt địa phương với bên ngoài.

Những ngọn núi xuất hiện từng mảng lớn đỏ ngòm do sạt lở đất. Nhiều đoạn đường đã bị lũ cuốn trôi, để lại một vực thẳm sâu hun hút. Để vào được trường, giáo viên trường PTCS DTBT Tây Sơn phải cắt rừng, vượt qua những đoạn đường bùn lầy lội, nước đục ngầu vẫn ầm ầm chảy.

Cô Lã Thị Thanh Huyền chia sẻ, các giáo viên phải nhờ bạn bè, người thân chạy xe máy chở vượt qua những đoạn đường còn đi được. Tuy vậy, họ vẫn phải băng rừng, lội suối hơn 6 giờ mới tới nơi.

Trong chuyến đi này, nhiều giáo viên còn phải mang theo gạo, mắm muối, mì gói, cá khô... “Vào được trường rồi thì mất điện, mất mạng (internet). Bà con trong xã cũng gần một tuần bị cô lập nên cả bản bắt đầu thiếu gạo, mì tôm, thức ăn... Đây là lần đầu tiên trong đời, chúng tôi người đùm gạo, nắm cá khô, can xăng, chai nước… rồng rắn lội suối, trèo đèo để vào trường chăm lo sự học cho các em và may mắn mọi người đều an toàn”, cô Lã Thị Thanh Huyền nói.

Đường trơn trượt nguy hiểm, họ phải đi theo đoàn để hỗ trợ nhau
Đường trơn trượt nguy hiểm, họ phải đi theo đoàn để hỗ trợ nhau

Trường PTCS DTBT Tây Sơn có hơn 100 học sinh và 37 giáo viên ở nội trú. Nguồn lương thực cạn kiệt, khó duy trì cho việc dạy và học trong những ngày tới, do đó, trường đã kiến nghị huyện hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết để cô và trò yên tâm dạy và học.

Đợt mưa lũ kéo dài thời gian qua ở huyện Kỳ Sơn đã khiến nhiều trường học bị hư hỏng nặng, nhiều giáo viên “trắng tay”. Theo thống kê của ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn, có 14 nhà của giáo viên, chủ yếu ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn trong trận lũ quét. Ngoài ra còn có 10 nhà bị ngập sâu, cuốn trôi đồ đạc, hư hỏng nặng.

Cô La Thị Vân (giáo viên Trường mầm non xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn) cho biết, khi 3 mẹ con cô chạy lũ về thì ngôi nhà chỉ còn trơ trọi hai bức tường vỡ toác. Toàn bộ tài sản đã bị cuốn trôi, thay vào đó là gốc cây, rác thải và đá… 

Chồng mất, cô Vân một mình nuôi hai con nhỏ. Trường cách nhà 30km, ngày ngày cô vẫn sáng đi dạy, tối về chăm con. Để yên tâm công tác mỗi khi có mưa lớn, cô đánh liều vay 300 triệu về để xây căn nhà kiên cố.

“Mới ở chưa được 3 tháng thì nay nhà lại bị lũ cuốn trôi mất. Thật sự giờ tôi chẳng biết phải làm sao nữa, tài sản trong nhà cũng không còn gì”, cô La Thị Vân nói.

Phút nghỉ ngơi hồi sức của giáo viên sau nhiều giờ đi bộ
Phút nghỉ ngơi lấy sức của giáo viên sau nhiều giờ đi bộ
Cô La Thị Coóng bên căn nhà nay chỉ còn lại mấy cột gỗ
Cô La Thị Coóng bên căn nhà nay chỉ còn lại mấy cột gỗ

Chỉ tay vào mấy cây cột gỗ lấm lem bùn đất, cô La Thị Coóng (giáo viên Trường mầm non xã Chiêu Lưu 2) ngậm ngùi: “Nhà bị trôi hết rồi, chỉ vớt lại được mấy cây cột trụ. Mấy bữa nay tôi phải tá túc nhà hàng xóm, không biết đến khi nào mới có tiền làm lại căn nhà để ở nữa”.

Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn - cho biết, những giáo viên bị thiệt hại nặng do trận lũ quét vừa qua, đặc biệt là những giáo viên bị lũ cuốn trôi nhà, hiện sẽ rất khó để trở lại dạy học. Đơn vị đã yêu cầu các trường bố trí tiết dạy phù hợp trong thời gian cụ thể để giúp giáo viên bị ảnh hưởng có thời gian khắc phục thiệt hại.

“Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn đang kêu gọi toàn ngành quyên góp, hỗ trợ các giáo viên thiệt hại nặng do lũ gây ra”, ông Phan Văn Thiết cho hay.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI