Giáo viên giỏi có thực chất giỏi?

06/12/2022 - 13:53

PNO - Hiệu trưởng một trường tiểu học nhận định, mọi tiêu chí đánh giá học sinh đã không còn như trước đây, thế nhưng các tiêu chí để đánh giá giáo viên dường như vẫn rất cũ kỹ và bảo thủ

Ước... không phải thi giáo viên giỏi

"Ước không phải thi giáo viên giỏi" - đây là chia sẻ của hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 12 về các tiêu chí đánh giá giáo viên hiện nay. 

Hiệu trưởng này thẳng thắn, khi thực hiện đổi mới giáo dục, chúng ta đã áp dụng các tiêu chí đánh giá học sinh theo hướng mới, đòi hỏi thay đổi tư duy, nhận thức, phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá của thầy cô. Tức là mọi tiêu chí đánh giá học sinh đã không còn như trước đây, nhằm hướng tới tính tích cực, vì sự phát triển, tiến bộ của học sinh. Ngoài ra, quy định về chuẩn nghề nghiệp của giáo viên cũng đã được Bộ GD-ĐT thay đổi. Thế nhưng, các tiêu chí để đánh giá giáo viên dường như vẫn rất cũ kỹ và bảo thủ.

Khi đổi mới giáo dục, các tiêu chí đánh giá học sinh đã khác song tiêu chí đánh giá giáo viên vẫn dập khuôn như cũ
Khi đổi mới giáo dục, các tiêu chí đánh giá học sinh đã khác, song tiêu chí đánh giá giáo viên vẫn như cũ

"Đơn cử như để được công nhận là giáo viên dạy giỏi, giáo viên bắt buộc phải tham các kỳ thi giáo viên dạy giỏi từ cấp trường, cấp quận, cấp thành phố. Trong khi đó, để đánh giá giáo viên dạy giỏi không phải chỉ qua một tiết dạy. Thậm chí nhiều giáo viên dù không được công nhận là giáo viên dạy giỏi nhưng lại được phụ huynh, học sinh tin yêu, có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục" - hiệu trưởng này băn khoăn.

Chưa kể, theo hiệu trưởng này, mỗi lần đến cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố, giáo viên đã chuẩn bị về kế hoạch bài dạy, được duyệt nhiều lần cũng như được tổ chuyên môn góp ý trước đó, như vậy liệu có đảm bảo tính khách quan. 

Hiệu trưởng một trường mầm non tại TPHCM vẫn còn day dứt khi kể lại câu chuyện về một giáo viên trong trường. Cô giáo mầm non đã có hơn 20 năm công tác trong nghề, qua nhiều lớp từ nhà trẻ, mẫu giáo, đặc biệt cô rất giỏi trong việc chăm sóc, dỗ dành những trẻ "đặc biệt" như hiếu động hoặc "thu mình" quá mức. Cô cũng rất khéo léo, nhẹ nhàng khi giao tiếp với phụ huynh và rất được phụ huynh tin yêu. Song, vì không tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, không được công nhận là giáo viên dạy giỏi nên cô luôn bị "loại" khỏi các cuộc bình bầu, xét duyệt, ghi nhận ở cấp quận, cấp thành phố.

"Lẽ nào chỉ riêng học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp tin yêu, đánh giá, công nhận về năng lực của một giáo viên xuyên suốt vẫn là chưa đủ mà bắt buộc phải cần đến một tiết dạy tại cuộc thi giáo viên dạy giỏi mới đủ để được đánh giá, công nhận là giáo viên dạy giỏi" - hiệu trưởng này đặt vấn đề.

Cần thay đổi các tiêu chí đánh giá giáo viên

Trên các diễn đàn giáo viên, không khó để bắt gặp các bài đăng như: "Em sắp thi giáo viên dạy giỏi, thầy cô nào có biện pháp, em xin tham khảo", "Có bán biện pháp thi giáo viên dạy giỏi - mình từng thi và có giải giáo viên dạy giỏi", "Nhận làm theo yêu cầu của thầy cô tất cả các khối lớp để thầy cô thi giáo viên dạy giỏi", "Nhận thiết kế, soạn giáo án thao giảng, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi"...

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) - nhìn nhận, cuộc thi giáo viên dạy giỏi là cơ hội để giáo viên học hỏi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Thế nhưng, trên thực tế danh hiệu giáo viên dạy giỏi đa phần chỉ mang tính hình thức, chưa đảm bảo về chiều sâu. Việc công nhận giáo viên dạy giỏi nếu chỉ qua sáng kiến kinh nghiệm và một tiết dạy trên lớp thì "cực kỳ ngộ" bởi việc giáo viên tham gia đứng lớp có sáng kiến để nâng cao chất lượng rèn luyện, giảng dạy, phù hợp với học sinh là điều hiển nhiên.

"Ngay cả việc đánh giá học sinh giỏi chúng ta cũng đang phải đánh giá các em xuyên suốt cả quá trình, ngoài các kỳ thi, bài kiểm tra còn là quá trình học tập, rèn luyện trên lớp. Vậy tại sao đánh giá một giáo viên dạy giỏi lại chỉ qua một tiết dạy, đôi khi tiết dạy đó còn được chuẩn bị kỹ càng từ trước" - ông Huỳnh Thanh Phú đặt vấn đề.

các tiết thi giáo viên dạy giỏi không thể thể hiện, đánh giá một cách toàn diện để một giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú cho rằng, không thể đánh giá một giáo viên dạy giỏi qua các tiết thi giáo viên dạy giỏi


Nhìn lại sự chuyển động của giáo dục trong một thập niên trở lại đây, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục, thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú khẳng định, các thông tư, quy định của ngành giáo dục đã từng bước thay đổi, từ cách đánh giá học sinh, các quy chuẩn về nghề nghiệp giáo viên, đáp ứng theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do vậy, cần có một cái nhìn tổng quan, tổng thể để đánh giá giáo viên với các bộ tiêu chí khác chứ không thể rập khuôn theo các tiêu chí cũ để áp dụng đánh giá giáo viên hiện nay.

"Không chỉ là việc đánh giá học sinh mà ngay cả các tình huống sư phạm bây giờ cũng đã rất khác trước đây. Điều này đòi hỏi mỗi thầy cô ngoài chuyên môn vững còn phải có nghiệp vụ sư phạm, tình yêu thương thấu hiểu học sinh. Hơn lúc nào hết, các tiết thi giáo viên dạy giỏi không thể thể hiện, đánh giá một cách toàn diện để một giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi, nó rất thiếu tính thực tế. Hãy trao quyền cho học sinh là đối tượng đánh giá mỗi giáo viên chứ không phải là các lý thuyết suông trong một tiết dạy, qua một cuộc thi..." - thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú đề xuất.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI