Giáo viên được thưởng tết khủng - vui hay buồn?

26/01/2018 - 14:19

PNO - Thu nhập tăng thêm vốn là vấn đề “luôn được quan tâm” tại các trường học ở TP.HCM và hiện đang càng thêm “nóng” trong thời điểm cuối năm...

Thưởng tết tăng

Trường mầm non (MN) Hướng Dương (H. Hóc Môn) sau khi tính toán, kết dư các khoản tiền, đã quyết định chi thưởng cho giáo viên - nhân viên (GV-NV) của mình đến hơn 30 triệu đồng/người. Một GV của trường cho biết, tết năm rồi, tiền thu nhập tăng thêm (còn gọi là thưởng tết) chỉ hơn 6 triệu đồng, nên mức thưởng năm nay khiến mọi người rất phấn khởi.

“Tại H. Hóc Môn và Q.12, nhiều trường cũng có mức thưởng tương tự, nhưng đây là vấn đề tế nhị nên các trường tránh không nhắc đến”, một NV trường MN ở khu vực này cho biết. Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) chỉ có thu nhập tăng thêm 5,8 triệu đồng/người; nhưng khoản thưởng này tại Trường tiểu học Trưng Trắc (cũng ở Q.11) là gần 12 triệu đồng. 

Giao vien duoc thuong tet khung - vui hay buon?

Phó hiệu trưởng một trường THCS tại Q.11 chia sẻ: “Năm nay, sau khi tính toán, trường tôi chi thu nhập tăng thêm cho GV-NV (không phụ thuộc chức vụ) 6 triệu đồng/người; những cá nhân có thành tích tốt thì được khen thưởng thêm. Mức thu nhập tăng thêm đó là khá khiêm tốn, vì nhiều trường có mức chia 10-20 triệu đồng”.

Giáo viên nhiều trường tại các quận Gò Vấp, Bình Thạnh… cũng phấn khởi khi được thông báo kết dư cuối năm của trường tăng, mức chia cũng tăng, dao động từ 10-20 triệu đồng/người.

Chia sẻ về khoản thưởng này, cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) cho biết: “Do trường phải chi nhiều cho các phong trào, phục vụ cho hoạt động dạy và học của học sinh (HS), GV nên số kết dư không nhiều. Mức chia thu nhập tăng thêm các năm đều ở khoảng đó. Tuy nhiên, để tạo sự công bằng cho người lao động, chúng tôi còn có thêm quỹ khen thưởng.

Chi thu nhập tăng thêm là chia đều cho tất cả lao động, nếu dồn hết vào đó thì những người nổi trội sẽ mất động lực phấn đấu. Vì vậy, chúng tôi chia làm 2 khoản, ngoài mức tăng thêm đồng đều, những cá nhân làm việc tốt sẽ có thêm phần thưởng vài triệu đồng”.

Vẫn thấy lo!

“Nhận khoản thu nhập tăng thêm, chúng tôi ai cũng phấn khởi, tết năm nay của chúng tôi sẽ tròn đầy hơn, có thêm chút tiền lo cho hai bên nội ngoại” - cô L., giáo viên Trường MN Hướng Dương, chia sẻ. Thưởng tết tăng cao là tin vui cho các thầy cô giáo và cho cả những ai quan tâm đến thu nhập của đội ngũ GV, vốn quá bèo bọt.

Giao vien duoc thuong tet khung - vui hay buon?
 

Nhưng ngẫm lại, vẫn thấy lo. Ai cũng hiểu, khoản tiền tết đó vốn là từ nguồn kinh phí ngân sách cấp, được các trường dè xẻn chi tiêu theo cơ chế tự chủ tài chính của Nghị định 43. Theo đó, thu nhập tăng thêm phụ thuộc vào khoản tiền tiết kiệm được; trường nào tiết kiệm được càng nhiều thì thu nhập tăng thêm hằng tháng, hằng quý hoặc cuối năm sẽ càng cao.

Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 thản nhiên cho biết, mức chia thu nhập tăng thêm cho mỗi GV ở trường ông chỉ 3-5 triệu đồng/người. Ông nói: “Trường có quy mô lớn, khoảng 2.000 HS; sân trường cũng rất rộng, nhưng tôi không cho thuê làm bãi giữ xe mà để HS có không gian vui chơi thoải mái. Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu học tập cho GV; chi đầy đủ các khoản cho anh em từng quý, từng tháng, nên cuối năm không dư nhiều và anh em cũng không ai ý kiến gì”. 

Trở lại với chuyện thưởng tết của Trường MN Hướng Dương. Tạm lấy số liệu năm học 2015 với 72 GV-NV của trường, sẽ thấy tiền thưởng tết năm 2017 của trường lên đến 2,2 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là các trường đã tiết kiệm như thế nào để có được hàng tỷ đồng mỗi năm trong khi ngân sách cấp theo dự toán là hết sức chặt chẽ?

Ông Đặng Đức Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 - cho rằng, có nhiều hiệu trưởng vì muốn GV-NV có thu nhập tăng thêm cao nên đã dè xẻn chi tiêu quá mức. Thậm chí, tiết kiệm cả khoản cho GV đi học bồi dưỡng, nâng cao, bổ sung thêm các chứng chỉ; cơ sở vật chất hư hỏng nhẹ không chịu sửa mà để thành hư hỏng lớn rồi lập kế hoạch xin ngân sách… “Tôi vẫn nhắc nhở các trường phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các hoạt động cho HS chứ không được cắt xén” - ông Hoàng nói.

Mọi người còn có thể phải giật mình khi biết, để có tiền thu nhập tăng thêm cao, ở nhiều trường GV phải tiết kiệm đến từng viên phấn, cây bút, tờ giấy phô-tô; tấm bảng cũ cũng không dám thay; thậm chí cắt giảm cả chi phí cho các hoạt động thường xuyên, phong trào… nếu có tổ chức thì ngửa tay xin tiền phụ huynh. 

Cũng như các thầy cô giáo, xã hội luôn rất mong đồng lương của người thầy ngày càng được cải thiện nhưng phải chính danh và công bằng, chứ không phải như cái cách chúng ta đang làm. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI