Giáo viên dễ không còn việc khi thực hiện chương trình phổ thông mới

13/04/2017 - 20:26

PNO - Chiều 13/4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có buổi thăm và làm việc tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Bộ trưởng lưu ý trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM định hướng sâu về nghiên cứu ứng dụng thì đòi hỏi công nghệ, thực tiễn phải cao. Thời gian qua trường đã đi đúng hướng nhưng nên rà soát giữa ngành nghề đáp ứng thực tiễn và nhiệm vụ được đặt ra. Không có một trường ĐH nào trên thế giới giỏi tất cả mà sẽ chọn 5 – 7 ngành nghề có tính chất cốt lõi, trở thành thương hiệu của trường mỗi khi nhắc đến. Bên cạnh đó, ở nhiệm vụ đào tạo công nghệ thì nhà trường nên chú ý đến yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thích ứng của thị trường lao động, cạnh tranh của các ngành nghề để đầu tư công nghệ ở những bước tiếp theo.

Giao vien de khong con viec khi thuc hien chuong trinh pho thong moi
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang "giao tiếp" với robot lễ tân của sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM


Một giảng viên đặt câu hỏi: “Bộ trưởng nói về cuộc cách mạng 4.0, hiệu trưởng nói về trường đại học 4.0 nhưng giáo viên chúng tôi hiện nay vẫn phân vân không biết cách mạng 4.0 là gì?”. Ông Phùng Xuân Nhạ cho rằng cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đây là xu hướng phát triển của thế giới. Theo ông Nhạ, các trường phải quy hoạch lại ngành nghề, xây dựng chương trình chuẩn, nghiên cứu rõ xu hướng phát triển nhiều ngành nghề mới, quy hoạch lại các ngành nghề trên nền tảng công nghệ thông tin. Có một số ngành mới sẽ ra đời và một số ngành sẽ chết đi. Các trường đừng quá nhấn mạnh, bội thực khái niệm 4.0. Các thầy cô phải xem cuộc cách mạng này như một cơ hội, nắm bắt không quá gấp gáp mà phải chắc chắn.
Tới đây chương trình phổ thông mới sẽ tăng cường những môn có tính chất kỹ thuật công nghệ. Do đó sẽ đặt ra nhiệm vụ chương trình hay nhưng ai sẽ là người giảng dạy? Bộ GD-ĐT đang rất cấp bách giải quyết vấn đề này. Trước hết, khi áp dụng chương trình mới này, rất nhiều giáo viên đang dạy THPT, THCS thậm chí sẽ không có việc nữa vì theo chương trình một số môn sẽ phải tích hợp, môn mới, một số môn truyền thống phải thay. Vậy phải rà soát đào tạo lại đội ngũ này để thích ứng với nhiệm vụ giảng dạy nội dung chương trình mới. 
Ông Nhạ nhấn mạnh: Bồi dưỡng đưa đội ngũ giáo viên cũ từng bước đạt chuẩn và rồi đào tạo một đội ngũ giáo viên mới phục vụ cho chương trình mới. Nếu không thực hiện ngay từ bây giờ thì khi công bố thực hiện chương trình mới sẽ rất bất cập. Không ai khác các giáo viên sẽ là người thực hiện chương trình mới này. Muốn có đội ngũ giáo viên như ý thì phải bồi dưỡng từ giờ để 4 năm sau mới có đội ngũ hoàn chỉnh. Trong khi đó, chuẩn bị chương trình phải từ bây giờ, nếu không làm đồng bộ, đồng cấp thì chương trình và sách giáo khoa mới có rồi mà đội ngũ giáo viên chưa có thì việc đổi mới sẽ rất khó khăn. Đây là một nhiệm vụ mà tôi xét thấy trách nhiệm của trường sư phạm kỹ thuật là rất lớn.

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI