Giáo viên dạy online áp lực vì phụ huynh “soi” quá đà

29/10/2021 - 06:49

PNO - Khi triển khai dạy học trực tuyến, không chỉ học sinh mệt mỏi mà các thầy cô cũng kiệt sức với vô vàn áp lực. Bởi, khác với lớp học trực tiếp, thầy cô lên lớp đâu chỉ giảng cho mỗi học trò mình nghe, phía sau các em có thể còn có cha mẹ, ông bà, cô dì… cùng tham dự. Nhiều lúc, thầy cô chỉ mắc lỗi nhỏ cũng… bị “soi”.

Mệt mỏi vì bị để ý từng chút

Trái với suy nghĩ được “work from home” là sướng, nghề giáo phải dạy học trực tuyến còn vất vả hơn gấp bội. Nhìn vào thời gian biểu của một giáo viên dạy ngữ văn tại một trường THPT ở quận 5 cũng đủ choáng. Đồng hồ báo thức lúc 5 giờ, thức dậy chuẩn bị đồ ăn sáng và trưa cho chồng con. 6g nhắc con thức dậy ăn sáng và chuẩn bị bài vở để học online. 7g, con học, mẹ cũng ngồi vào dạy.

Vào lớp, điểm danh, ổn định sĩ số và bắt đầu dạy. Từ thứ Hai đến thứ Bảy đều có tiết y như lúc bình thường. Song, dạy online cực hơn. Chẳng hạn, gọi học sinh trả lời nhưng em không nghe thấy, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần; đường truyền không ổn định, cô nói trò không nghe nên mất thời gian giảng lại; thỉnh thoảng rớt mạng phải vào làm lại từ đầu…

Giáo viên tại TP.HCM dạy online trong tình hình dịch COVID-19 - ẢNH: PHÚC TRẦN
Giáo viên tại TPHCM dạy online trong tình hình dịch COVID-19 - Ảnh: Phúc Trần

Thành thử, mỗi tiết học online thường dài hơn 45 phút. Đó là chưa kể, để chuẩn bị bài giảng cho một tiết dạy online thường dài hơn gấp đôi thời lượng lên lớp bởi phải làm file trình chiếu, chèn video, tài liệu…

Thế nhưng, vất vả không phải là nỗi sợ duy nhất của giáo viên khi dạy online, mà áp lực vô hình nhiều khi lại đến từ phía đối tác lẽ ra phải cùng đồng hành. Quản lý chuyên môn của một chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông kể: “Nhiều giáo viên nước ngoài than với chúng tôi rằng họ cảm thấy buồn vì có cảm giác phụ huynh không tin tưởng. Khi dạy ngoại ngữ thì cả giáo viên và học sinh đều bật camera. Thầy cô đang dạy thì thấy phía bên kia có phụ huynh đưa mặt sát vào và nói gì đó.

Hết giờ dạy, họ hỏi lại trợ giảng thì được biết là phụ huynh nói thầy da đen không phải là người bản xứ Anh, Mỹ; rõ ràng là người châu Á… Thậm chí, một vài phụ huynh còn đặt vấn đề với chúng tôi cần phải xem hồ sơ của giáo viên, bao gồm quốc tịch, bằng cấp… ”. 

Nhiều giáo viên ví dạy online còn khổ hơn làm dâu trăm họ, nhiều lỗi nhỏ của thầy cô cũng trở thành đề tài bàn tán. Trong khi suốt quá trình giảng dạy làm sao thoát khỏi có lúc nóng giận lớn tiếng, sai sót, nói vấp… Phụ huynh thương thì bỏ qua, không thương thì vào group lớp phàn nàn, phê phán nặng lời.

Giáo viên thừa hiểu trong lúc mình giảng, phía bên kia màn hình không chỉ có một người mà có khi cả đại gia đình cùng theo dõi. Chính áp lực vô hình đó khiến giáo viên cảm thấy căng thẳng, càng căng thẳng càng dễ mắc sai lầm. Có thể chỉ cần một lỗi nhỏ của thầy cô cũng có thể trở thành đề tài để phụ huynh bóc tách. 

Cần lời động viên hơn chê bai

Theo các nhà sư phạm, thực tế, thầy cô đang chịu không ít áp lực từ phía phụ huynh, dư luận. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, thay vì “soi” hay chê trách giáo viên thì phụ huynh nên cùng hỗ trợ thầy cô giúp con em hoàn thành việc học online. Bởi mục tiêu lớn nhất của cả hai phía là đứa trẻ. Việc cha mẹ và thầy cô không hiểu nhau sẽ dẫn đến tình trạng đứa trẻ bị mắc kẹt. Thầy cô cũng chịu áp lực trong bối cảnh đại dịch như bao phụ huynh khác.   

Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cho rằng: Chúng ta không cấm phụ huynh góp ý, bày tỏ cảm xúc, thậm chí khuyến khích, nhưng phải góp ý chừng mực, đúng nơi, đúng lúc. Để làm được điều này thì vai trò của ban giám hiệu rất lớn, phải tạo ra một nếp văn hóa cởi mở trong khâu tiếp nhận thông tin từ phụ huynh.

“Ngay đầu năm học, chúng tôi cho phụ huynh thấy thầy cô vất vả thế nào, cố gắng ra sao để dạy các con. Nếu có chỗ nào chưa ổn thì thay vì tổn hại thầy cô, xin phụ huynh cứ xả vào hiệu trưởng bởi tôi có trách nhiệm phải giải quyết các vấn đề phát sinh. Nếu thấy giáo viên làm tốt hãy dành một lời khen, một lời động viên”, cô Tâm chia sẻ. 

Ngoài ra, theo cô Tâm, nhà trường cũng phải giao nhiệm vụ cho phụ huynh cùng hỗ trợ thầy cô trong việc giáo dục trẻ, có như vậy phụ huynh mới hiểu hết đường đi nước bước mà thông cảm. Tương tự, trước khi bước vào học online, trường họp trực tuyến với tất cả học sinh, lắng nghe ý kiến các em, củng cố tâm lý và dạy cách hợp tác với thầy cô trong quá trình học; phải biết cảm ơn và dành lời động viên cho thầy cô. Ngược lại, đội ngũ giáo viên cũng trải qua những buổi tập huấn tương tự. 

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên hóa học Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7), thừa nhận: Có một thực tế là phía giáo viên đôi lúc cũng quản lý cảm xúc chưa tốt. Khi lên lớp trực tiếp, nếu có la rầy thì hết giờ học ở trường coi như xong. Nhưng khi học online lại khác, vừa lớn tiếng hay lỡ lời là ngay tức khắc bên này phụ huynh nghe thấy. Biết có phụ huynh giám sát, thầy cô càng lo lắng.

Việc dạy và học trước màn hình máy tính trong thời gian dài không có lợi về mặt sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của cả người dạy và người học, ai cũng dễ nổi nóng, căng thẳng hơn lúc bình thường. Tuy nhiên, thầy cô cần kiềm chế cảm xúc để không phải lớn tiếng, gây áp lực tinh thần cho học sinh, cũng là cách để bảo vệ mình trước phụ huynh. Nhiều lúc thầy cô la rầy là để tốt cho học sinh nhưng một vài phụ huynh chưa hiểu, sẽ phản ứng, bức xúc. 

Bốn bước để học sinh không “ngán” học online

Dạy online là phải vận dụng 200% công lực. Khi dạy online, giáo viên phải có nghệ thuật quản lý cảm xúc và quản lý lớp học như: “lận lưng” những câu chuyện hài hước để giúp nhau “hạ hỏa”, nghệ thuật ngôn ngữ - lời nói góp ý. 

Quan trọng nhất là có cách truyền tải bài học cô đọng, dễ nghe, dễ hiểu. Tôi thường không để học sinh ngồi suốt 45 phút để nghe giảng, mà chia quá trình giảng dạy làm bốn bước:

- Đầu tiên sẽ chuyển giao nhiệm vụ học tập, tài liệu học tập.

- Bước hai, cho thực hiện hoạt động học tập nhóm để học sinh hiểu, ghi lại cả điều hiểu và chưa hiểu.

- Bước ba là thời gian lên lớp tương tác trực tiếp, tối đa khoảng 30 phút, để làm rõ những điều chưa hiểu.

- Bước bốn tổng kết lại bài học, khen thưởng hoặc nhắc nhở để tạo động lực…

Học sinh yếu thì mình cần “inbox” riêng để hỗ trợ, hạn chế nhắc nhở các em trước đám đông sẽ phản tác dụng…

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh

Gia Tuệ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI