Giáo viên Đà Nẵng lo lắng vì phải tập trung đông người giữa mùa dịch COVID-19

01/08/2020 - 19:27

PNO - Nhiều giáo viên ở Đà Nẵng cho biết họ “cảm thấy rất bất an” nếu phải làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT 2020 trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác rà soát, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra ngày 31/7, ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo kỳ thi, đã đề nghị dừng kỳ thi tốt nghiệp THPT tại thành phố này và xét đặc cách cho thí sinh. Trong lúc chờ phản hồi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vẫn tiếp tục triển khai các công tác chuẩn bị.

Theo đó, các giáo viên tham gia coi thi tập trung tại hội trường nơi mình đang công tác và nghe cán bộ của Sở tập huấn trực tuyến. Đợt tập huấn diễn ra trong hai ngày 1/8 và 3/8. Với những trường ít giáo viên, số lượng giáo viên coi thi tập trung tại một điểm cầu là hơn 50 người, con số này tăng lên hơn 150 người ở trường đông giáo viên.

Phó chủ tịch Đà Nẵng đề xuất Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở địa bàn thành phố này
Phó chủ tịch Đà Nẵng đề xuất Bộ GD-ĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở địa bàn thành phố này.

Trao đổi với PNO, nhiều giáo viên Đà Nẵng cho biết “cảm thấy rất bất an” khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi năm nay.

“Tập huấn trực tuyến nhưng chúng tôi vẫn phải tập trung nơi đông người và không phải trường nào cũng có hội trường rộng rãi, đảm bảo giãn cách”, cô K., giáo viên dạy Toán (yêu cầu giấu tên) tại một trường THPT ở Đà Nẵng nói.

Cô K. cũng cho hay, cô và nhiều đồng nghiệp dù lo sợ dịch bệnh lây lan trong đợt tập huấn cũng như trong kỳ thi sắp tới nhưng nếu cấp trên có quyết định nên không thể từ chối nhiệm vụ. Cũng theo cô K, nhiều giáo viên phải chuyển đến tận nhà giấy báo dự thi cho các thí sinh đang phải cách ly tại nhà.

Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 ở Đà Nẵng sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10/8 như lịch thi chung cho cả nước. Thí sinh và cán bộ coi thi được chia thành 4 nhóm đối tượng gồm F0, F1, F2 và các đối tượng khác.

Thí sinh thuộc diện F0 (dương tính với SARS-CoV2) phải cách ly và điều trị nên không thể dự thi; được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định hiện hành.

Thí sinh thuộc diện F1 được bố trí thi tại điểm thi dự phòng, với các phương tiện phòng, chống dịch, nhân lực làm việc tại điểm thi được bảo hộ, được tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn về phòng, chống dịch do ngành y tế thành phố trang bị và hướng dẫn.

Thí sinh thuộc diện F2 nếu có số lượng dưới 20 thí sinh/điểm thi, sẽ tổ chức thi tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Nếu số lượng trên 20 thí sinh/điểm thi, các thí sinh thuộc diện F2 được chuyển về thi tại điểm thi dự phòng theo quận, huyện; Sở đã bố trí 7 điểm thi dự phòng tại 7 quận, huyện.

Đối với nhóm thí sinh khác, việc tổ chức kỳ thi diễn ra bình thường theo quy chế. Cán bộ, giáo viên làm công tác thi tại điểm dành cho thí sinh thuộc diện F1 và F2 sẽ được tập huấn chuyên môn và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành y tế.

Theo giáo viên K., dù không làm giám thị ở nhóm thí sinh thuộc diện F nhưng chị và các đồng nghiệp đang có con nhỏ dưới 5 tuổi cũng rất bất an trong kỳ thi năm nay.

“Nếu chẳng may bị cách ly, tôi không biết phải nhờ ai chăm con khi mà thành phố đã đóng cửa, người nhà ở tỉnh khác không thể tới giúp”, cô K. chia sẻ.

Cùng quan điểm với cô K, giáo viên N. dạy tiếng Anh bậc THPT ở Đà Nẵng vừa tham dự buổi tập huấn đầu tiên nhận định: “Đây là một kỳ thi không an toàn không chỉ cho thầy trò mà cho cả thành phố. Có quá nhiều lỗ hổng cho dịch lây lan”.

Theo cô N., với phương án thi giữa đại dịch, mỗi phòng có 24 thí sinh, thí sinh đứng cách nhau 2m trong lúc đợi gọi tên vào phòng thi. Khi gọi vào phòng thi, thí sinh phải mở khẩu trang cho giám thị đối chiếu mặt, kiểm tra xem khẩu trang có dấu hiệu để các thiết bị thu phát không.

“Hành lang trường dài mấy mét rộng mấy mét, mà mỗi phòng 24 thí sinh thì chỗ đâu để đứng? Chưa kể, giáo viên đi coi thi các phòng của thí sinh F2 phải đi học một buổi về công tác phòng dịch. Lại phải đi tập trung và có nguy cơ bị nhiễm bệnh, quá phức tạp và nguy hiểm”, cô N. bức xúc nhận xét.

Còn theo giáo viên K., học sinh thường vô tư, thi xong có thói quen tụ họp lại bàn tán đề thi, các giám thị và cán bộ coi thi khó mà quản lý sít sao. "Xin đừng đặt thầy trò chúng tôi vào tình thế nguy hiểm như vậy”, cô K nói.

Bảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI