|
STEM mới được triển khai chủ yếu qua hình thức câu lạc bộ (Ảnh minh họa) |
Trên 67% trường chưa dạy STEM dưới bất kỳ hình thức nào
Bà Lê Thị Xinh - Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức thông tin, toàn TP Thủ Đức có 58 trường tiểu học công lập với 89.106 học sinh, hiện mới có 12 trường (chiếm 20,7%) triển khai dạy học STEM với hình thức phối hợp đối tác triển khai ngoài giờ học có sự đồng thuận của phụ huynh, nội dung chủ yếu là robotics, lắp ráp robot. Điều này khiến nhiều giáo viên, phụ huynh ngộ nhận rằng STEM chỉ là robotics.
7 trường (chiếm 12%) đã đưa STEM vào giảng dạy trong giờ học chính khóa qua việc lồng ghép trong tiết dạy, tích hợp môn toán, khoa học. Hình thức chủ yếu vẫn chỉ là dừng lại ở dạy học tích hợp kiến thức của 2 lĩnh vực toán, khoa học mà chưa có các chủ đề STEM cụ thể, gắn với thực tiễn.
39 trường còn lại (chiếm 67,3%) hoàn toàn chưa tổ chức dạy STEM dưới bất kỳ hình thức nào.
Lý giải về thực trạng trên, bà Lê Thị Xinh cho hay, đặc thù TP Thủ Đức rất đông dân nhập cư, số học sinh đầu cấp năm học sau luôn tăng cao hơn nhiều so với năm học trước, cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, nhiều trường phải tận dụng phòng chức năng làm phòng học, hầu hết các trường đều không có phòng riêng để triển khai dạy học STEM.
"Một bộ phận quản lý, giáo viên còn rất mơ hồ về dạy học STEM, mục tiêu của STEM trong trường tiểu học. Dù đã được tập huấn về phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhưng nhiều giáo viên còn nặng việc học sinh ghi nhớ kiến thức, chưa làm tốt việc giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tế. Việc dạy học STEM đòi hỏi giáo viên phải có năng lực xác định và liên kết các kiến thức của lớp học/cấp học để xây dựng chủ đề dạy học, song năng lực này ở giáo viên chưa thực sự tốt" - bà Lê Thị Xinh cho biết thêm.
Giáo viên còn lúng túng, mơ hồ
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM - cùng các cộng sự đã thực hiện khảo sát về hình thức áp dụng giáo dục STEM trong dạy học với 200 giáo viên trên toàn TPHCM. Kết quả: việc tổ chức dạy học các chủ đề STEM cho học sinh đa số thông qua câu lạc bộ STEM Robotics, có sự kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp giáo dục hoặc trung tâm giáo dục STEM (chiếm 46,66%); các khóa học/chủ đề STEM trong giờ học chính khóa với sự hướng dẫn của giáo viên còn rất hạn chế (13,34%) so với áp dụng trong giờ học ngoại khóa (40%) với sự hỗ trợ của trung tâm giáo dục STEM.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), cho rằng, cần tạo hứng thú cho học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm STEM |
Khảo sát trên 80 giáo viên công nghệ TPHCM tại nhiều đơn vị đang triển khai STEM về khó khăn khi triển khai giáo dục STEM, 85% giáo viên cho rằng khó khăn lớn nhất là việc lựa chọn chủ đề và thiết kế dạy học cho chủ đề STEM trong điều kiện lớp học quá đông; 65% giáo viên gặp khó khăn từ chủ trương hỗ trợ và khuyến khích phát triển giáo dục STEM trong dạy học của lãnh đạo các trường; 55% gặp khó khăn về nội dung dạy học; 50% gặp khó khăn về kiểm tra đánh giá.
"Kết quả này cho thấy giáo viên chưa chủ động trong tổ chức dạy học chủ đề STEM cho học sinh, còn lúng túng khi áp dụng giáo dục STEM trong dạy học. Các chủ đề STEM được giảng dạy cho học sinh chủ yếu do các câu lạc bộ STEM hoặc trung tâm giáo dục STEM tổ chức. Điều này làm hạn chế việc lan tỏa giáo dục STEM tại các cơ sở giáo dục, ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực dạy học STEM của giáo viên" - phó giáo sư Bùi Văn Hồng phân tích.
Ông nhấn mạnh, việc phát triển chương trình bồi dưỡng năng lực dạy học STEM cho giáo viên là cần thiết khi triển khai chương trình GDPT 2018, khi giáo dục STEM được thể hiện rõ trong chương trình GDPT tổng thể và chương trình môn công nghệ. Giáo viên công nghệ còn có nhiều vai trò to lớn và cần được tập huấn sớm để hiểu đúng, áp dụng được giáo dục STEM vào giảng dạy.
TPHCM nên vận dụng STEM vào phát triển chương trình giáo dục địa phương Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) thông tin, mô hình giáo dục STEM đang là xu hướng chung của giáo dục quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là mô hình theo đuổi quan điểm giáo dục tích hợp liên môn, học sinh áp kiến thức từ các môn học khoa học, công nghệ, toán, kỹ thuật vào giải quyết vấn đề thực tiễn. "Giáo dục STEM như một cách tiếp cận nghiên cứu khoa học tự nhiên trong trường học. Những năm gần đây, hứng thú của học sinh với các môn khoa học tự nhiên giảm sút thể hiện gián tiếp qua tỉ trọng học sinh THPT học chuyên nghiệp các khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật có xu hướng giảm. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Do vậy, việc đẩy mạnh giáo dục STEM hiện nay là cần thiết, cấp bách, đặc biệt với TPHCM", tiến sĩ Nguyễn Thanh Nga khẳng định. Tiến sĩ Thanh Nga gợi ý, chương trình GDPT 2018 với 20% tỉ trọng dành cho chương trình giáo dục địa phương, nếu TPHCM kịp thời nghiên cứu và vận dụng mô hình giáo dục STEM vào phát triển chương trình giáo dục địa phương thì sẽ là cơ hội phát triển các năng lực bậc cao cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. |
Tạo sự hứng thú cho học sinh với STEM Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng giáo dục STEM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - cần tạo được hứng thú cho học sinh khi tham gia hoạt động trải nghiệm STEM. Nhà trường có thể xây dựng chương trình trải nghiệm kết hợp với chương trình hoạt động của môn hoạt động trải nghiệm, chương trình hướng nghiệp. Hoạt động trải nghiệm STEM nên tổ chức theo kế hoạch giáo dục hàng năm của trường. Cần chú trọng hình thành hệ sinh thái giáo dục STEM, tăng cường hợp tác giữa nhà trường, phụ huynh các tổ chức xã hội. "Xây dựng được hoạt động trải nghiệm đa dạng cho học sinh sẽ đưa giáo dục STEM đến các em một cách tự nhiên, nâng cao niềm yêu thích của học sinh với môn học thuộc lĩnh vực STEM, góp phần tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các ngành nghề thuộc lĩnh vực STEM trong tương lai" - tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang nói. |
Quốc Trung