Giáo viên còn đối phó, làm qua loa khi tham gia bồi dưỡng thường xuyên

23/12/2022 - 13:58

PNO - Thực trạng này được nêu tại hội thảo quốc gia Nâng cao chất lượng bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên vào sáng 23/12, do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức.

Từ khảo sát bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến ở 21 lớp học của 3 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, thạc sĩ Phan Tấn Chí (Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM) thông tin, 52,2% giáo viên không tương tác được qua giao tiếp hình ảnh, 49,6% không tương tác được qua giao tiếp nói, 21,7% giáo viên làm việc song song khi học, 10,4% giáo viên có nội dung bài thu hoạch cuối khóa giống nhau.

Ông nhấn mạnh, thách thức là một bên muốn đẩy nhanh tiến trình đổi mới với nhiều yêu cầu mới để đặt mục tiêu nhưng lại ít hướng dẫn thực hành. Bên phía còn lại thì vướng sức ỳ, thói quen cố hữu, bị áp lực do quá nhiều việc, thiếu thời gian lại phải thử nghiệm cái mới. Để hiệu quả, cần xem xét thách thức, tìm ra giải pháp, trên hết là xây dựng được niềm tin cho giáo viên, thể hiện qua việc lắng nghe nhiều hơn, cơ chế chính sách rõ ràng, đồng bộ hơn.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng thừa nhận công tác bồi dưỡng thường xuyên tại tỉnh vẫn chưa cao
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng thừa nhận công tác bồi dưỡng thường xuyên tại tỉnh chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân 

Giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng Châu Tấn Hồng thừa nhận, công tác bồi dưỡng thường xuyên tại tỉnh Sóc Trăng thời gian qua vẫn chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Một số nội dung bồi dưỡng nặng tính hàn lâm, chủ yếu trang bị kiến thức lý luận, ít chú trọng kỹ năng, chưa gắn lý thuyết với thực tiễn. Chẳng hạn, hiện nay giáo viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng dạy học tích hợp khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhưng chương trình bồi dưỡng lại chưa cập nhật đáp ứng yêu cầu đó.

Hình thức, phương pháp bồi dưỡng chưa phát huy tính chủ động, tích cực cho người học, còn giáo viên ít có điều kiện thực hành, trải nghiệm. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng không xem xét hiệu quả thực tế áp dụng trong công tác quản lý, giảng dạy nên chỉ mang tính hình thức, đối phó.

"Bồi dưỡng thường xuyên là hoạt động quan trọng, rất cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới giáo dục, chuyển đổi mục tiêu dạy học từ tiếp cận nội dung, kiến thức sang tiếp cận năng lực. Do vậy, công tác bồi dưỡng cần phải đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tế" - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị.

Phân tích thêm bất cập của công tác bồi dưỡng, tiến sĩ Vũ Quảng - quyền Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM - chỉ rõ, chương trình bồi dưỡng chưa đủ đáp ứng các yêu cầu cập nhật, thậm chí chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế theo chức danh, vị trí việc làm, theo đặc điểm riêng vùng miền. Lớp học thường quá đông với nhiều lứa tuổi, trình độ. Đội ngũ giảng dạy còn hạn chế về năng lực, thiếu kinh nghiệm và chưa chuyên sâu. 

Đội ngũ giáo viên cốt cán chưa được bổ sung kịp thời, chưa cân đối, chưa phủ hết các môn học, cấp học, không có sự nối tiếp từ mô đun này sang mô đun khác. Công tác đánh giá kết quả thiếu sự phản hồi từ cấp trên. Kinh phí công tác bồi dưỡng còn hạn chế. Đặc biệt, chưa thống nhất về thời gian, hình thức, kiểm tra đánh giá, nhất là với các nội dung tự chọn. Từ đó dẫn đến tình trạng giáo viên còn làm qua loa, mang tính hình thức, đối phó, sao chép lẫn nhau từ kế hoạch cho đến thu hoạch.

Tiến sĩ Vũ Quảng đề xuất, để đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo, các trường nên có kế hoạch bổ sung nội dung, lĩnh vực bồi dưỡng theo hướng mở đáp ứng thực tiễn từng địa phương. Cần gắn việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên. Ngoài ra, cần có phương thức đánh giá hiệu quả việc vận dụng kiến thức, kỹ năng được học khi giải quyết các vấn đề thực tiễn ở nhà trường.

Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tạo động lực kích thích sự hứng thú, say mê trong công tác. Đặc biệt cần dự toán một khoản kinh phí thích đáng cho công tác bồi dưỡng thường xuyên hàng năm.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI