Giáo viên chưa nhận được thù lao dạy phổ cập, vì sao?

30/10/2024 - 05:59

PNO - Rất nhiều giáo viên nhiều quận, huyện ở TPHCM như: 12, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh, TP Thủ Đức… chưa nhận được thù lao dạy phổ cập từ tháng 1/2024 tới nay. Dù đã gõ cửa nhiều nơi nhưng họ vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa đáng.

Mòn mỏi chờ thù lao

Phản ánh với Báo Phụ nữ TPHCM, một số giáo viên thuộc nhiều quận, huyện ở TPHCM cho biết, dù vẫn được phân tiết dạy phổ cập đều đặn nhưng từ tháng 1/2024 tới nay họ chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào. Đây là chương trình phổ cập do các trường phổ thông công lập thực hiện theo đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” của TPHCM.

Một giáo viên tên H.T. cho biết, cô được Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12) mời dạy phổ cập theo diện thỉnh giảng nhiều năm nay. Cô dạy môn toán cho lớp Tám, lớp Chín vào buổi tối thứ Tư, thứ Năm hằng tuần, thù lao 14.500 đồng/tiết. Trung bình mỗi tháng, cô nhận được khoảng 600.000 đồng. Dù thù lao thấp, nhưng cô và nhiều giáo viên khác vẫn chấp nhận dạy để có thêm thu nhập.

Học sinh lớp Chín chương trình phổ cập THCS tại TPHCM thi  tốt nghiệp vào năm 2023
Học sinh lớp Chín chương trình phổ cập THCS tại TPHCM thi tốt nghiệp vào năm 2023

Những năm trước, trường thanh toán thù lao định kỳ đều đặn. Tuy nhiên, từ tháng 1/2024 tới nay, tất cả giáo viên dạy phổ cập ở trường này và các trường khác ở quận 12 đều chưa nhận được khoản thanh toán nào. Sau nhiều lần thắc mắc, giáo viên được nhà trường thông báo bằng tin nhắn như sau: “Kính gửi quý thầy cô, hiện tại thù lao phổ cập có ra văn bản mới là chưa có hướng dẫn trả lương cho phổ cập, nên đang chờ quận xem xét. Mong quý thầy cô thông cảm”. Sau đó, nhà trường không có động thái gì thêm. Nhiều giáo viên hoang mang, tự liên lạc Phòng GD-ĐT và UBND quận 12 để hỏi nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Sau nhiều tháng, có người vừa tiếp tục dạy vừa chờ nhưng cũng có người chán nản đã nghỉ.

Nhiều giáo viên khác cũng chia sẻ tình trạng tương tự xảy ra ở TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân… Hàng trăm trường phổ thông công lập tổ chức dạy phổ cập gần 10 tháng nay đều đang nợ thù lao giáo viên. Cô H.M. (ở huyện Củ Chi) cho biết, đã dạy phổ cập môn ngữ văn khoảng 5 năm nay cho 2 trường THCS vào buổi tối với thù lao hơn 20.000 đồng/tiết, lâu nay các trường trả thù lao đều đặn. Tuy nhiên năm nay, trường xin nợ và không nói đến bao giờ mới có. “Nhiều người là giáo viên thỉnh giảng, hợp đồng, nguồn thu nhập chính của họ có được từ công việc này, chưa nhận được tiền, cuộc sống của họ thêm khó khăn” - nữ giáo viên nói.

Tìm cách tháo gỡ vướng mắc

Bà Võ Thị Chính - Phó chủ tịch UBND quận 12 - cho biết, Nghị quyết 37/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND TPHCM chưa quy định nội dung chi tiền lương và tiền công cho giáo viên thực hiện giáo dục phổ cập nên các địa phương không thể chi tiền. Cụ thể, trong điều 2 quy định nội dung chi và mức chi thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, có quy định mức chi tiền lương đối với giáo viên thuộc biên chế dạy lớp xóa mù, chống tái mù chữ thuộc nhiệm vụ chuyên môn của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và mức chi tiền công đối với những người tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ… Tuy nhiên, lại chưa đề cập việc chi tiền lương, tiền công cho những người thực hiện công việc phổ cập giáo dục.

Bà Võ Thị Chính nói thêm: “Đầu năm nay, khi Phòng GD-ĐT lên danh sách thanh toán cho giáo viên gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch và Kho bạc nhà nước duyệt chi cho giáo viên dạy phổ cập thì bị trả lại. Vì theo nghị quyết trên, không có hướng dẫn nào nhắc tới việc chi tiền cho giáo viên dạy phổ cập. UBND quận đã tham mưu cho Phòng GD-ĐT quận 12 soạn văn bản gửi Sở GD-ĐT TPHCM để sở tham mưu cho thành phố tháo gỡ vấn đề này. Hiện, chúng tôi đang chờ văn bản hướng dẫn. Mong thầy cô tiếp tục hỗ trợ địa phương. Khi có hướng dẫn, chúng tôi sẽ thanh toán đầy đủ”.

Tại huyện Củ Chi, ông Kim Văn Minh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện - cho hay: “Địa phương đã làm xong công tác xóa mù chữ, không còn lớp nào. Thành ra huyện có ngân sách chi cho xóa mù chữ nhưng không dùng đến. Còn công tác phổ cập cần dùng đến thì không thể chi. Phòng GD-ĐT huyện đã có văn bản trình UBND huyện xin cơ chế đặc thù để sớm có nguồn chi cho giáo viên”.

Đại diện phòng GD-ĐT của một quận khác cũng cho biết, trong dự toán kinh phí của các địa phương đều có khoản chi cho phổ cập giáo dục nhưng không thể chi. “Hiện, chúng tôi phải tìm cách chi khoản này về cho các trường để thanh toán cho giáo viên. Trên 100 trường có mở lớp dạy phổ cập nên chúng tôi phải lập danh sách, lập số tiết dạy, số tiền lương còn nợ… Nhưng giáo viên yên tâm, khoản tiền này chắc chắn không mất, khi có cách giải quyết từ cấp trên chúng tôi sẽ cho chi tiền ngay” - vị này nói.

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - chia sẻ: “Hiện nay, Sở GD-ĐT đã tiếp nhận thông tin phản hồi của các đơn vị về việc chi cho công tác giảng dạy phổ cập giáo dục để có cơ sở trình các cấp thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc này”.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI