Giáo viên chưa giúp HS phát triển khả năng khám phá

04/04/2014 - 17:15

PNO - PNO - Giáo viên còn hạn chế về kỹ năng nghiên cứu, chịu nhiều áp lực về giờ chuẩn, thiếu động lực… nên chưa giúp được học sinh phát triển khả năng sáng tạo, nghiên cứu khoa học.

 Sáng 4/4, tại quận 7, Báo Giáo dục TP.HCM và phòng Giáo dục quận 7 đã tổ chức hội thảo “Phát triển khả năng khám phá - nghiên cứu khoa học (NCKH) cho HS, hướng đến đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”.

“Nặng lý thuyết hàn lâm, nhẹ thực tiễn thực hành”, chuyện đã quá cũ nhàm của nền giáo dục Việt Nam, một lần nữa được Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM “làm mới” tại hội thảo.

Theo ông Nghĩa, chương trình giáo dục Việt Nam từ phổ thông đến ĐH chỉ nặng về thi cử. Trong ba năm 2011 - 2012 - 2013, cả nước có số thí sinh dự thi tốt nghiệp tương ứng là 1.000.000 - 964.000 - 946.000 và số lượt thí sinh dự thi ĐH tương ứng là 1.960.000 - 1.812.000 - 1.720.000.

Thống kê hàng năm cho thấy: trung bình cứ một thí sinh sẽ nộp 1,8 hồ sơ đăng ký dự thi. Như vậy, hầu hết thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT có tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH. Nghịch lý này (vì vào ĐH phải là những HS có khả năng khám phá và NCKH) đã và đang trở thành bình thường. Nguyên do: chương trình phổ thông vốn nặng tính lý thuyết hàn lâm, đến khi thi tuyển sinh ĐH lại cũng chỉ hỏi lý thuyết hàn lâm và học ĐH cũng chẳng khác học cấp 4 hay học phổ thông kéo dài.

Giao vien chua giup HS phat trien kha nang kham pha

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM), trọng tâm của đổi mới dạy - học là rèn luyện cho HS khả năng tự học, tự nghiên cứu, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Chính vì vậy, NCKH hiện không chỉ dừng ở lứa tuổi sinh viên mà nó còn được mở rộng cho cả lứa tuổi HS từ THCS. Yêu cầu đó đòi hỏi GV trung học cũng phải có khả năng NCKH để thành “mô hình mẫu” cho HS noi theo.

Điều này cho thấy, vai trò của người thầy là quan trọng nhất trong việc hình thành cho học trò thói quen tốt trong học tập. Trong quá trình dạy học, thầy phải là người “thiết kế” kế hoạch dạy học và trò sẽ là người chủ động “thi công” chương trình mà thầy giao phó; thầy không được làm thay trò và trò không được dựa dẫm vào thầy; thầy - trò phải độc lập tương đối.

Ông Sơn nói: “Việc xây dựng kế hoạch giảng dạy để kích thích người học học tập tích cực, khám phá là tối cần thiết và là xu hướng tất yếu trong tương lai”.

Muốn thế, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, phải cải tiến chương trình và sách giáo khoa, tăng cường học tập ngoại khóa, đồng thời phải cải tiến phương pháp giảng dạy của GV. Về chương trình, ông Nghĩa thông tin: so với nhiều nước thì chương trình phổ thông của ta không nặng hơn về số giờ học, nhưng chương trình các nước phong phú và chú trọng đến thực hành và ứng dụng, khả năng quan sát, nhận xét và tư duy độc lập của HS; HS có điều kiện làm thí nghiệm và tiếp cận với máy móc thiết bị.

Phương pháp giảng dạy liên quan đến đội ngũ, và đây là vấn đề khó của giáo dục Việt Nam. Theo điều tra của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên giáo viên THCS và THPT (chủ yếu là những người có tham gia hướng dẫn học sinh NCKH hoặc có quan tâm đến vấn đề này) thì có 5/ 10 yếu tố khó khăn trong công tác hướng dẫn HS - SV NCKH được giáo viên xác nhận là “có” ở mức trên 70%.

Những khó khăn điển hình là: còn hạn chế về kỹ năng nghiên cứu (75,5%); việc đảm bảo số giờ chuẩn đã quá nhiều áp lực nên không còn thời gian cho việc hướng dẫn NCKH (91%); thiếu động lực hướng dẫn học sinh NCKH (81%)…

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI