Giáo viên chưa được tập huấn vẫn đua ra đề kiểm tra trắc nghiệm ngữ văn

30/10/2022 - 15:24

PNO - Xu hướng ra đề kiểm tra trắc nghiệm ngữ văn lần đầu tiên xuất hiện trong kiểm tra giữa học kỳ I lớp 10 tại TPHCM năm học này, khiến học sinh thích thú. Dù vậy, hình thức mới mẻ này giáo viên chưa được tập huấn, nếu không "chắc tay" sẽ khiến đề rơi vào khiên cưỡng, nặng nề, thậm chí làm chệch đi mục tiêu của kiểm tra, đánh giá.

"Đua" ra đề trắc nghiệm... khi còn chưa được tập huấn

ThS. Phan Thế Hoài - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) - khẳng định, Thông tư 22 đánh giá học sinh trung học theo Chương trình GDPT 2018 của Bộ GD-ĐT không hề nhắc đến việc kiểm tra định kỳ ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm cũng như chưa có một văn bản nào của Bộ liên quan đến hình thức đánh giá này.

Lần đầu tiên trắc nghiệm Ngữ văn được áp dụng trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ 1 khối lớp 10 tại TPHCM
Lần đầu tiên trắc nghiệm ngữ văn được áp dụng trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ I khối lớp 10 tại TPHCM

Theo ThS. Phan Thế Hoài, việc nhiều trường đưa hình thức trắc nghiệm vào kiểm tra ngữ văn lớp 10 trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ I được xem là yếu tố đổi mới dạy và học, đánh giá học sinh theo chương trình mới, giúp đánh giá được bao quát phạm vi kiến thức... Thế nhưng, chính trong quá trình dạy, giáo viên đã gặp khó khăn vì ôm đồm kiến thức, chưa quen với các văn bản mới, loay hoay không biết phải ra đề kiểm tra thế nào, lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa ra sao... 

"Chương trình GDPT 2018 quy định việc kiểm tra đánh giá môn ngữ văn có thể là viết luận một câu hoặc nhiều câu. Các trường đua nhau làm trắc nghiệm. Hình thức nào cũng có ưu, khuyết nhưng môn văn mang tính đặc thù, việc chọn tự luận là hợp lý" - ThS. Hoài nêu quan điểm.

Theo thầy Trần Văn Đúng - giáo viên ngữ văn, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), hình thức trắc nghiệm môn văn trong Chương trình GDPT 2018 khối 10 là hình thức mới, cho phép giáo viên kiểm tra được kiến thức rộng hơn, toàn diện hơn với học sinh, việc chấm bài cũng không tốn nhiều thời gian. Hình thức cũng giúp học sinh dễ tiếp cận theo lối đánh giá năng lực của các trường đại học, giúp các em không phải đoán ý người hỏi muốn mình trả lời theo hướng nào, giúp làm bài nhanh hơn.

Cũng theo thầy Đúng, hình thức kiểm tra này mới chỉ được Bộ GD-ĐT gợi ý nên còn khá lạ lẫm với giáo viên. Giáo viên chưa được tập huấn nên có thể hình thức câu trắc nghiệm sẽ có vấn đề: sai kiểu câu/mẫu câu/câu hỏi chưa rõ ràng; hình thức không đồng bộ giữa các giáo viên, giữa trường này và trường khác… Việc phân hóa các mức độ đánh giá sẽ khó hơn vì không có bảng đặc tả các mức độ. Các mức điểm phân hóa trong từng câu hỏi cũng sẽ bị đơ/xơ cứng hơn khi chỉ có được/mất; đúng/sai hoàn toàn...

"Nội dung câu trả lời có thể bị đánh giá là chủ quan, dễ “lộ” sai sót hơn về kiến thức. Học sinh bị ép phải chọn vào một vài đáp án có sẵn vì thế giảm sự đa dạng cho câu trả lời. Nếu không có giới hạn bài đơn vị kiến thức, học sinh có nguy cơ không biết đâu là trọng tâm và phải chuẩn bị những đơn vị kiến thức nào, thậm chí học sinh sẽ dễ dàng gian lận hơn..." - thầy Đúng phân tích thêm.

Còn quá nhiều bất cập

Quan sát các đề kiểm tra ngữ văn trắc nghiệm khối 10 của một số trường THPT tại TPHCM, ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá, ngữ liệu trong đề chưa được cân nhắc kỹ về dung lượng (quá ngắn hoặc quá dài) so với thời lượng làm bài.

Một số đề lại chưa quan tâm đến nội dung tiếng Việt, phân bổ hài hòa số lượng câu hỏi giữa các mức độ trong khi với khối THPT nên chú trọng yêu cầu thông hiểu, vận dụng nhưng trong đề thi lại có khá nhiều câu hỏi ở mức nhận biết. Với câu hỏi trắc nghiệm, một số phương án “mồi nhử” chưa tốt, đặc biệt là hình thức trình bày câu hỏi chưa được thống nhất nên cách hỏi, dấu câu, viết hoa/viết thường ở đầu mỗi phương án… còn thiếu nhất quán.

"Điều tôi e ngại nhất chính là câu hỏi trắc nghiệm trong đề đã được đưa ra thực nghiệm với một mẫu khảo sát nhất định nào đó hay chưa để có những phương án điều chỉnh, chẳng hạn như về độ khó, để có thể đáp ứng tốt mục tiêu kiểm tra đánh giá theo năng lực học sinh" - ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi băn khoăn.

Ông nhấn mạnh, để sử dụng thành thục hình thức trắc nghiệm ngữ văn, trong quá trình dạy giáo viên nên tăng cường sử dụng câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh kích hoạt kiến thức nền, củng cố lại kiến thức đã học, làm quen dần với hình thức kiểm tra này. Giáo viên cần đọc thêm lý thuyết xây dựng đề trắc nghiệm, tham khảo tài liệu trắc nghiệm ngữ văn uy tín để hoàn thiện kỹ năng...

Trắc nghiệm Ngữ văn giáo viên vẫn chưa được tập huấn
Trắc nghiệm ngữ văn, nhưng giáo viên chưa được tập huấn

"Khi ra đề kiểm tra, giáo viên cần chú ý đến một số tiêu chí như: sự tương thích giữa dung lượng và thời gian làm bài, khả năng bao quát các yêu cầu cần đạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi khi lựa chọn ngữ liệu đọc hiểu. Việc phân bổ hài hòa số lượng câu hỏi giữa các mức độ, tạo “mồi nhử” tốt, trình bày nhất quán với các câu hỏi trắc nghiệm cũng là điều phải quan tâm. Áp lực thời gian của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa không đồng nghĩa với việc vội vàng, thiếu cẩn trọng trong dạy học, đặc biệt với vấn đề kiểm tra đánh giá.

Do đó, đẩy mạnh làm việc nhóm, hỗ trợ đồng nghiệp trong hoạt động của tổ chuyên môn như xây dựng ngân hàng đề thi, phản biện đề kiểm tra đề nghị, nghiên cứu bài học… là yêu cầu quan trọng hàng đầu giúp giáo viên có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình" - ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi chỉ rõ. 

Trắc nghiệm ngữ văn chỉ phù hợp trong 2 trường hợp

Hình thức kiểm tra trắc nghiệm ngữ văn lớp 10 trong Chương trình GDPT 2018 sẽ chỉ phù hợp trong hai trường hợp: sử dụng hình thức để kiểm tra các kiến thức khó học như thể loại, đặc điểm loại văn bản, kỹ năng đọc; kiểm tra kỹ năng nhận biết, thông hiểu, văn bản thông tin, văn bản nghị luận, ít khi đa nghĩa, các thông tin dạng bằng chứng khách quan có thể kiểm chứng được, các suy luận về nội dung văn bản vốn đã rõ ràng, cụ thể.

Với hai trường hợp này, trắc nghiệm có ưu điểm là kiểm tra được phổ rộng kiến thức, kiểm tra được tư duy, khả năng xử lý vấn đề của học sinh.

Tuy nhiên, với văn bản văn học, nếu dùng câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra sự thông hiểu nội dung văn bản thì sẽ nhiều bất cập bởi hình tượng văn học có tính đa nghĩa, việc tiếp nhận của người đọc là học sinh có sự chủ động sáng tạo, không ai giống ai. Vì thế, khi sử dụng hình thức trắc nghiệm lúc này sẽ mang tính áp đặt, khiên cưỡng, đi ngược lại với các quy luật của quá trình tiếp nhận văn học. 

ThS. Trần Lê Duy

(Giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - tác giả tham gia viết sách Ngữ văn lớp 10, Chân trời sáng tạo)

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI