Giáo viên chủ nhiệm “gánh gồng áp lực” khi F0 gia tăng

03/03/2022 - 10:47

PNO - Ngoài đòi hỏi hài hòa giáo án trực tiếp, trực tuyến, việc giải đáp tất cả các băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh trong mùa dịch cũng là áp lực đối với giáo viên chủ nhiệm (GVCN).

Nặng vai áp lực

Trong tuần này, giờ tiếng Việt ở lớp 4/7- Trường TH Phan Đình Phùng (quận 3) được chia thành 2 “mảng”. Lap top được đặt giữa lớp, cô Hoàng Thụy Lan Anh - giáo viên chủ nhiệm - vừa dạy trực tiếp cho 21 học sinh trên lớp, vừa dạy trực tuyến cho 28 học sinh đang học online tại nhà.

“Hiện lớp đã có 7 F0. Trung bình cứ 1 F0 có 5-7 F1 đi kèm. Do các ca F0 này không liên quan đến nhau về yếu tố dịch tễ, không phát sinh trong cùng ngày nên chỉ có F0, F1 nghỉ học trực tuyến ở nhà, lớp vẫn học trực tiếp”, cô Lan Anh nói 

Ngoài livestream tiết học trực tiếp cho học sinh ở nhà, cô Lan Anh còn kết hợp dạy trực tuyến trên Google Meet, gửi hướng dẫn giải bài lên group phụ huynh để phụ huynh hỗ trợ học sinh tiếp thu bài học.

Giáo viên chủ nhiệm mùa dịch đang phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều vai trò
Giáo viên chủ nhiệm mùa dịch phải cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò

“Thay vì chỉ dạy 1 lớp, tiết học mùa dịch giáo viên phải dạy thành 2, 3 lớp. Trong cùng một giờ học, giáo viên phải linh hoạt đan xen nhiều phương pháp, làm sao tiếp cận học sinh đang học trực tuyến nhưng vẫn không khiến học sinh trên lớp nhàm chán. Giáo viên phải vất vả hơn, nhất là với những học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến. Ngoài ra, khi học sinh ăn, ngủ cũng phải theo sát không rời”, cô Hoàng Thụy Lan Anh chia sẻ.

Theo cô Lan Anh, để kiểm soát việc học của trẻ ở nhà, công tác phối hợp với phụ huynh lại càng được chú trọng, không chỉ phòng dịch mà còn là việc học. “Mỗi ngày tôi nhận cả chục cuộc điện thoại của phụ huynh hỏi về việc học, có người thắc mắc F1, F0 không triệu chứng có được đến trường không. Phụ huynh đa phần hiểu và đồng hành song cũng có một số phụ huynh “khó tính”. GVCN phải hết sức nhẹ nhàng, bình tĩnh trong mọi tình huống…”, cô Lan Anh bày tỏ.

Trường THPT Hùng Vương (quận 5) hiện có 8/70 lớp chuyển sang học trực tuyến. Trong cùng một ngày, nhiều giáo viên phải vừa đứng lớp dạy trực tiếp, vừa bật chế độ dạy trực tuyến cho lớp học trực tuyến tại phòng giáo viên hoặc phòng thư viện. 

Cô Ngô Thị Thanh Thúy (GVCN lớp 12) chia sẻ, trong tình hình hiện nay, giáo viên vất vả hơn rất nhiều vì không có thời gian nghỉ giữa các tiết như dạy trực tiếp mà phải nhanh chóng mở máy, mở bài giảng để dạy các lớp trực tuyến. Các hình thức học tập được chuyển giao liên tục trong cùng một thời điểm khiến giáo viên vừa chuẩn bị giáo án dạy trực tiếp, vừa soạn bài giảng trực tuyến, làm kho học liệu cho học sinh cách ly tại nhà.

“Riêng GVCN còn thêm trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở học sinh tuân thủ 5K, phòng chống dịch bệnh, theo dõi sức khỏe học sinh sát sao, tư vấn tâm lý cho học sinh khi gặp vấn đề về sức khỏe, trấn an tinh thần cho các em mỗi khi trong lớp có thêm ca F0… Để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ, giáo viên phải vững vàng cũng như xác định rõ tâm thế đứng lớp, nếu không sẽ gặp áp lực lớn”, cô Ngô Thị Thanh Thúy nhận định.

Cả lớp chỉ còn một học sinh đến trường cũng vẫn dạy

Những ngày này, thầy Nguyễn Thông (GVCN lớp 6/3, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1) liên tục nhận được tin nhắn, điện thoại của phụ huynh, học sinh. Hầu hết đều thắc mắc về việc chuyển đổi hình thức học khi  trong lớp xuất hiện F0

“Lớp có 33 học sinh thì tuần này có tới… 32 em nghỉ ở nhà vì đều là F0, F1. Chỉ còn 1 học sinh vẫn bám trụ học trực tiếp. Em này được gộp vào học cùng lớp 6/1, 32 học sinh còn lại học theo thời khóa biểu bộ môn thiết kế riêng cho học sinh F0, F1”, thầy Thông kể. 

GVCN này bày tỏ, vấn đề hiện nay không chỉ là công tác chuyên môn, nhắc nhở học sinh phòng dịch. Câu chuyện của GVCN mùa dịch còn là trấn an học sinh F0, theo dõi sức khỏe học sinh F1, tư vấn tâm lý phụ huynh… Ngoài ra còn xây dựng kế hoạch kiểm tra cho học sinh chưa hoàn thành kỳ kiểm tra HKI khối 6 phải kiểm tra đợt 2. 

Giờ ăn, ngủ của học sinh, GVCN cũng phải theo sát không rời
Giờ ăn, ngủ của học sinh, GVCN cũng phải theo sát không rời

“Suốt cả ngày, điện thoại liên tục đổ chuông, báo tin nhắn. Có những chuyện thường ngày giáo viên trả lời hoài nhưng học sinh vẫn hỏi đi hỏi lại. Trước áp lực thiết kế bài học trực tiếp, trực tuyến, tiết chế để học sinh không áp lực thì ở nhiều tình huống đòi hỏi giáo viên phải thực sự bình tĩnh. Trong group lớp những ngày này vẫn phải nhắc nhở học sinh giữ sức khỏe, chú ý bài vở bằng các tin nhắn vui vẻ, thoải mái nhất”, thầy Nguyễn Thông chia sẻ. 

Đặc biệt, thầy Nguyễn Thông cho biết, phụ huynh cũng mỗi người mỗi kiểu, đa phần vui vẻ phối hợp cùng GVCN khi lớp có F0, tuy nhiên có người thoải mái về F0, F1 nhưng lại lo lắng con mất bài khi học online, ngoài ra có người lo lắng quá mức về dịch bệnh, lo con học trực tuyến không hiệu quả.

“Ngoài đòi hỏi hài hòa giáo án trực tiếp, trực tuyến, việc giải đáp tất cả các băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh trong mùa dịch cũng là áp lực đối với GVCN”, thầy Nguyễn Thông nhấn mạnh.

Tấn Dũng 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI