Giáo viên biết cách tiếp cận "vừa vặn" với từng em, sẽ không có học sinh "cứng đầu"

30/07/2023 - 12:23

PNO - Tiến sĩ Võ Văn Nam - nguyên Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ, giáo dục hiện nay phải tận dụng triệt để phương pháp “may đo”, thầy cô phải tạo ra các giờ học khác, các giờ học mà mạng xã hội không có để kéo học sinh về phía mình trước TikTok, YouTube.

Theo tiến sĩ Võ Văn Nam trước bối cảnh đổi mới giáo dục, đặc biệt là chuyển đổi số, thách thức của AI, giáo viên phải luôn luôn đổi mới mình thì mới theo kịp thời đại và theo kịp sự tiến bộ của học sinh hiện nay.

“Đổi mới mình, trước hết thầy cô đừng cứng nhắc, đừng ứng xử một cách máy móc theo thành kiến và định kiến của mình. Đừng thấy em học sinh nào đó có vẻ ngổ ngáo, xấc xược mà lên án, kết luận rằng khó dạy, thậm chí là “mất dạy”. Cũng đừng vội vàng cho rằng em học nào đó “vâng vâng, dạ dạ” là ngoan ngoãn”- tiến sĩ Nam nói.

Muốn học sinh mặc áo đẹp, thầy cô càng phải đo cẩn thận
"Muốn học sinh mặc áo đẹp, thầy cô càng phải đo cẩn thận"

Chuyên gia này cho rằng, giáo dục hiện nay phải tận dụng triệt để phương pháp “may đo”. Tức là thầy cô giáo giống như người thợ may thủ công, may cho ai thì đo áo cho người đó và chỉ người đó mà thôi, không phải là may “đồng phục”. Bởi nếu áp dụng đồng phục sẽ là máy móc, cứng nhắc.

Muốn học học sinh mặc áo đẹp, vừa vặn thì giáo viên phải đo cẩn thận, càng cẩn thận càng tốt. Thầy cô phải đo được tâm hồn của học sinh, trước khi muốn xây dựng nhân cách cho các em. Nếu không đo mà xây dựng, đó là cứng nhắc, dập khuôn; Còn đo rồi mới xây dựng thì thầy cô sẽ thấy mỗi em, kể cả những em được cho rằng cá biệt, bướng bỉnh vẫn có những nhân cách đáng trân trọng. Học sinh cá biệt thường là những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh nào đó chứ không phải là thủ phạm đáng trách.

“Như vậy, sẽ không có học sinh cứng đầu mà chỉ có thầy cô giáo chưa thay đổi phương pháp tiếp cận học sinh. Nếu thầy cô có phương pháp tiếp cận “vừa vặn” với từng em thì sẽ không còn học sinh nào cứng đầu nữa”- nguyên Trưởng khoa Tâm lý giáo dục khẳng định. 

Đặc biệt, tiến sĩ Võ Văn Nam cảnh báo, hiện nay một bộ phận không nhỏ học sinh có tư tưởng xem YouTube, TikTok là thầy, học ở các nền tảng này, thậm chí đặt nặng hơn là việc học ở thầy cô. Điều này đặt ra trách nhiệm rất nặng nề với giáo viên. Bên cạnh vai trò xây dựng tình cảm, nhân cách, đạo đức thì giáo viên phải tiếp cận, bắt kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mà điều này khó vô cùng, bởi phản ứng khoa học kỹ thuật của thầy cô thường chậm hơn học trò, nhất là với người lớn tuổi.

Nhiều trường hợp giáo viên khuyên răn học sinh không nên nghiện game online nhưng  lại không biết gì về nó, mà chỉ lên án là nguy hiểm, là có hại cho tương lai của các em. Như vậy thì chính các em sẽ cười thầy cô, vì thầy cô không hiểu gì về nó nhưng lại đi phê phán. Đó là một điều cứng nhắc. 

Tiến sĩ Võ Văn Nam cho rằng để kéo học trò ra khỏi các nền tảng mạng xã hội thì thầy cô phải tạo ra các giờ học mà mạng xã hội không có
Tiến sĩ Võ Văn Nam cho rằng để kéo học trò ra khỏi các nền tảng mạng xã hội thì thầy cô phải tạo ra các giờ học mà mạng xã hội không có

“Để kéo học trò về phía mình từ các nền tảng, bài giảng trên mạng internet thì thầy cô phải làm mới mình, phải tạo ra các giờ học “có một không hai”, các giờ học mà mạng xã hội không có. Trước các xu hướng từ mạng xã hội khiến các em chú ý, thầy cô không nên bảo thủ mà cần phải hiểu về nó, thậm chí hoàn toàn có thể đưa các xu hướng đó vào trong bài giảng của mình để uốn nắn các em…”- tiến sĩ Võ Văn Nam nhấn mạnh.

Ông nhìn nhận, trong bối cảnh chuyển đổi số, giáo viên có nhiều thuận lợi. Nếu mạnh dạn dấn thân thì giáo viên có rất nhiều phương tiện hỗ trợ, ngay cả học trò cũng sẽ hỗ trợ thầy cô chuyển đổi số. Với vai trò cán bộ quản lý nhà trường, để giúp giáo viên kết nối nhiều hơn nữa với học sinh thì cần có sự khích lệ, đánh giá với những thầy cô có nỗ lực gắn kết với học trò, làm sao để có những ưu đãi với những thầy cô có những quan tâm đặc biệt đến học trò. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI