Giáo viên ám ảnh vai... người đòi nợ

07/10/2015 - 09:09

PNO - Việc giao (hay nhờ) giáo viên (GV) trực tiếp thu các khoản tiền của phụ huynh, học sinh (PHHS) lâu nay đã vô tình biến GV thành “người đòi nợ”.

Hình ảnh người thầy trở nên méo mó trong mắt của HS và cha mẹ các em. Vì vậy mà trong văn bản hướng dẫn về thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác đối với các trường công lập trên địa bàn năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh: tuyệt đối không được giao cho GV trực tiếp thu, chi tiền.

Giao vien am anh vai... nguoi doi no
Không nên để việc thu tiền ảnh hưởng đến hình ảnh thanh cao của người thầy - Ảnh minh họa: Phùng Huy

"Uốn lưỡi năm - bảy lần vẫn ngượng miệng"

“Vào giờ PH đón HS, tôi nhắc một PH đóng tiền cho con. Đây cũng là lần thứ tư tôi phải nhắc nên thật tình tôi cũng thấy ngại và khó xử lắm. Không ngờ, vị PH này nổi giận và hét toáng lên “cô chỉ biết có tiền, hễ kêu họp PH là tôi biết ngay chỉ có việc đòi tiền, thông báo hết khoản này đến khoản nọ”.

Vì xảy ra vào giờ tan học nên rất nhiều PH và HS khác chứng kiến sự việc này. Xấu hổ, tôi đứng như trời trồng mà không biết phản ứng thế nào” - một GV ở Q.12 ngậm ngùi chia sẻ câu chuyện mình bị “hứng đá” khi phải đứng ra thu tiền của PHHS.

Ở hầu hết các trường học, GV hiện đang bị biến thành người đi đòi nợ, chuyên đi thu các khoản thu không chính danh. Người thầy trở thành “cánh tay nối dài” của phòng tài vụ, của ban đại diện cha mẹ HS với nhiệm vụ thu tiền.

Một GV tiểu học tại Q.11 cho biết: “Ê chề lắm! Các khoản thu có phiếu thu như học phí, tiền ăn thì nhà trường để cho thủ quỹ, thu ngân thu. Còn các khoản phải vận động như quỹ hội, tiền làm các công trình, tiền gắn máy lạnh, quạt, rèm cửa… thì đều đẩy về cho GV.

Nói thiệt, gặp PH mà nói chuyện tiền nong, dù đã uốn lưỡi năm - bảy lần chúng tôi vẫn thấy ngượng. Chúng tôi không muốn nhưng bị phân công thì phải làm. Ngại nhất là các buổi họp PH lớp đầu năm học, vừa nhận thư mời là mặt mày PH méo xệch y như nhận giấy đòi nợ vậy”.

Mặc dù theo quy định GV không được trực tiếp thu tiền HS nhưng nhiều trường đã lèo lái và buộc GV chủ nhiệm phải thu các khoản vận động, hỗ trợ, bảo hiểm y tế… Thậm chí có trường còn đưa việc hoàn thành các khoản thu vào chỉ tiêu thi đua của GV. 

Lớp nào GV thu chậm, thu không đủ, sẽ bị phê bình, nhắc nhở trong các kỳ họp và trừ thi đua. Ở nhiều nơi, việc thu bảo hiểm y tế còn được tính vào thi đua và xem như một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của GV.

Một PH có con học tại trường mầm non H.S. (Q.Gò Vấp) kể: “Mới đây, cô giáo lớp con tôi phải nài nỉ từng PH đóng các khoản tiền gồm gắn rèm cửa, tăng thêm quạt. Không có phiếu thu, cô giáo thu tiền rồi ghi vào danh sách lớp nên PH đóng xong rồi xì xầm, thắc mắc, nghi vấn. Tội cho các cô. Không nhắc thì không được mà nhắc thì một số PH bực bội ra mặt”.

Ngoài chuyên môn giảng dạy, hằng ngày GV còn phải lo toan với bao nhiêu sổ sách. Việc gánh thêm nhiệm vụ thu tiền PH, đòi nợ học trò đã trở thành nhiệm vụ “ngoài danh mục” của người thầy.

Tình cảm gắn kết giữa thầy cô với HS, gia đình ít nhiều bị giảm sút bởi những việc chẳng đâu. Một GV chủ nhiệm phải thốt lên: “Tôi chỉ có một ước mơ là được đi dạy và làm những công việc đúng chuyên môn, không phải thu tiền HS nữa; để HS và cha mẹ các em khi gặp tôi chỉ nghĩ đến việc học của con em họ thôi, không lợn cợn gì về tiền bạc”.

Đừng để hình ảnh người thầy xấu đi chỉ vì tiền!

Chúng tôi làm cuộc khảo sát nhỏ, ngẫu nhiên với khoảng 30 GV, PH từ mầm non đến bậc THPT với câu hỏi: có nên để GV trực tiếp thu tiền của người học hay không? và nhận được câu trả lời đều là không nên.

GV vốn có quá nhiều việc, áp lực. Chưa kể, GV không có chuyên môn về tài chính nên rất dễ xảy ra nhầm lẫn, mất mát khi số tiền quỹ không phải con số nhỏ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI