Giáo trình nào để đào tạo phông văn hoá cho chân dài Việt?

17/04/2018 - 06:13

PNO - Câu chuyện Phạm Hương bị làm mờ một phần hình ảnh trên sóng truyền hình Indonesia một lần nữa cho thấy phông văn hoá, sự hiểu biết cơ bản của chân dài Việt đối với nơi mình đến vẫn còn là điều cần bàn.

Vấn đề lớn từ việc bị… che ngực

Mấy ngày qua, khán giả, dư luận nước nhà xôn xao với hình ảnh của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 - Phạm Hương bị che mờ vòng một trên sóng truyền hình Indonesia do mặc trang phục quá hở. Điều này không khó hiểu khi Indonesia là quốc gia có dân số đa số theo đạo Hồi. Việc phụ nữ mặc trang phục quá hở là điều không được chấp nhận.

Giao trinh nao de dao tao phong van hoa cho chan dai Viet?
Hình ảnh Phạm Hương bị che mờ ngực trên sóng truyền hình Indonesia khiến dư luận xôn xao

Phạm Hương phải chịu không ít những phản hồi tiêu cực từ công chúng nước nhà. Họ cho rằng cô không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc thiếu kiến thức nền về văn hoá khi đến quốc gia có đa phần dân số theo đạo Hồi. 

Sự chỉ trích này không vô lý. Hiểu về văn hoá của nơi mình đến, nắm được kiến thức tối thiểu để ít nhất không có ứng xử thất thố chính là một trong những điều kiện cần để có thể “ghi điểm”, nhất là đối với các sân chơi mang tính thi thố.

Hoa hậu Thế giới, một cuộc thi thường niên, lâu năm trong hệ thống các sân chơi nhan sắc đã bỏ hẳn phần thi bikini vào năm 2013 khi tổ chức tại Bali, Indonesia mặc cho khán giả chỉ trích dữ dội. Khi có khuynh hướng thâm nhập vào các quốc gia châu Á với nền văn hoá lâu đời, tôn trọng sự kín đáo, nền nã, nhã nhặn của người phụ nữ thì sự thay đổi trên là hợp lý. Biết cách thích nghi, cuộc thi đã được đón nhận một cách nồng nhiệt hơn.

Từ việc một tổ chức lớn về nhan sắc cũng phải tự gò mình khi bước đến bất kỳ quốc gia nào, thì không có cớ gì các người đẹp được quyền cẩu thả hay thiếu sự trang bị cho chính mình khi bước ra bên ngoài. Và đó là bài học cho bất kỳ ai, chứ không riêng những người đẹp.

Video clip Phạm Hương bị che mờ ngực trên sóng truyền hình Indonesia

Không phải ngẫu nhiên mà Thuý Vân có thể trở thành Á hậu 3 tại một sân chơi lớn như Hoa hậu Quốc tế. Khi biết cuộc thi sẽ diễn ra tại Nhật Bản, trong 10 tháng chuẩn bị hành trang, Thuý Vân đã dành đến 6 tháng để học tiếng Nhật và tìm hiểu về văn hoá của xứ sở mặt trời mọc. Vì thế, hầu như các buổi hoạt động từ trà đạo, cắm hoa... mà BTC cuộc thi đưa ra, Thuý Vân luôn nhận về những phản hồi tích cực.

Chiến lược biết người biết ta của người đẹp sinh năm 1993 còn thể hiện qua việc cô chọn chiếc váy dạ hội được kết toàn bộ hoa anh đào - biểu tượng đặc trưng của đất nước Nhật Bản. 

Hơn thế nữa, câu trả lời ứng xử trong đêm chung kết của Thuý Vân cũng thể hiện rất rõ sự am tường của cô về đất nước này: “Các bạn đã cho tôi thấy một đất nước và những con người có thể trở nên tuyệt vời như thế nào. Nhưng hơn hết, các bạn đã cho tôi một giấc mơ rằng mọi đất nước trên thế giới có thể giống như nước Nhật. Nếu tôi đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2015, tôi sẽ có cơ hội biến giấc mơ đó thành sự thật. Tôi muốn sử dụng tiếng nói, sự tự tin, sức ảnh hưởng và hành động của mình để truyền cảm hứng cho thế giới, giúp mọi người tin vào hy vọng và những giấc mơ. Vì đất nước của tôi - Việt Nam, vì Nhật Bản, vì một thế giới tươi đẹp hơn, một thế giới không chiến tranh, không có nạn đói, một thế giới chỉ có hòa bình và hạnh phúc”.

Giao trinh nao de dao tao phong van hoa cho chan dai Viet?
Chiếc váy dạ hội lấy cảm hứng từ hoa anh đào của Thuý Vân đã giúp cô ghi điểm với truyền thông, công chúng lẫn giám khảo Nhật Bản tại cuọc thi Hoa hậu Quốc tế 2016

Phông văn hoá, làm sao đào tạo?

Cùng thời điểm Phạm Hương bị che mờ một phần hình ảnh trên sóng truyền hình Indonesia, tại Việt Nam, lần đầu tiên một trung tâm đào tạo hoa hậu cũng ra đời, trực thuộc Elite VN - đơn vị giữ quyền đưa người đẹp Việt tham dự nhiều cuộc thi nhan sắc thế giới. Với sự hợp tác cùng các chuyên gia đến từ Philippines, tại trung tâm này, các cô gái sẽ được học kỹ năng để trở thành những nữ hoàng sắc đẹp bước ra quốc tế, hoặc trở thành những người đẹp chuyên nghiệp, có sự chuẩn bị vững vàng khi đến với các cuộc thi trong nước.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra, liệu có hay không và liệu có thực hiện được không, việc đào tạo một phông văn hoá nhất định cho chân dài Việt?

“Hành vi ứng xử, phông nền văn hoá của một người không chỉ phụ thuộc vào việc đào tạo của chúng tôi mà còn là của gia đình, xã hội, nhà trường... Chúng tôi có thể dạy họ thế nào là thanh lịch nhưng khi về nhà, khi đến trường họ sống trong một môi trường không tốt, bố mẹ hay gây gổ, bạn bè hay cãi nhau thì ít nhất họ sẽ bị chi phối. Điều này, chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát được” - bà Thuý Nga, giám đốc Elite VN cho biết.

Nhìn nhận về yếu tố văn hoá nền trong cách cư xử, thể hiện của một người đẹp, bà Thuý Nga khẳng định thí sinh dự thi hoặc đến các quốc gia nào cũng đều phải thận trọng, kỹ lưỡng tìm hiểu văn hoá quốc gia đó, đặc biệt những nước có văn hoá nhạy cảm như Hồi giáo, Phật giáo.

Giao trinh nao de dao tao phong van hoa cho chan dai Viet?
Thí sinh Hoa hậu Thế giới 2013 phải mặc áo tắm một mảnh, quấn khăn sarong để giảm bớt sự hở hang

“Việc chúng ta chủ động tìm hiểu để thích nghi còn thể hiện cả sự chuyên nghiệp. Nếu cứ nói văn hoá nhiều quá, làm sao có thể học hết được thì tôi cho rằng đó cũng là một phần nguyên nhân bạn không thể thắng giải hoặc có vị trí cao”, bà Thuý Nga khẳng định.

Không hề ngoa khi nói rằng sự cố của Phạm Hương là một bài học cho người đẹp Việt. Bài học mà chính các chân dài phải tự nhận thức để trau dồi, học hỏi chứ không thể phụ thuộc vào bất kỳ một giáo trình đào tạo nào khác.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI