Giao tiếp xã hội làm chậm chứng mất trí nhớ

03/02/2025 - 16:48

PNO - Theo một nghiên cứu mới tại Mỹ, việc thăm bạn bè, tham dự các bữa tiệc và sự kiện xã hội có thể giúp não khỏe mạnh.

Giao tiếp xã hội giúp kích hoạt các vùng não liên quan đến trí nhớ và ngôn ngữ, từ đó làm giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ - Ảnh: Shutterstock
Giao tiếp xã hội giúp kích hoạt các vùng não liên quan đến trí nhớ và ngôn ngữ, từ đó làm giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ - Ảnh: Shutterstock

Nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Rush (trường đại học tư thục tại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ) được đăng trực tuyến trên tạp chí Alzheimer's & Dementia: The Journal of the Alzheimer's Association cho thấy hoạt động xã hội thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn chứng mất trí nhớ ở tuổi già.

Nghiên cứu bao gồm 1.923 người lớn tuổi không mắc chứng mất trí nhớ với độ tuổi trung bình khoảng 80 đang tham gia Dự án Trí nhớ và Lão hóa Rush - một nghiên cứu về các tình trạng mãn tính phổ biến của quá trình lão hóa.

Trong thời gian theo dõi, tổng cộng có 545 người tham gia mắc chứng mất trí nhớ và 695 người mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ. Mỗi người đều trải qua các đánh giá hằng năm bao gồm tiền sử bệnh lý và các xét nghiệm tâm lý thần kinh.

Hoạt động xã hội được đo lường dựa trên một bảng câu hỏi yêu cầu những người tham gia cho biết họ có tham gia 6 hoạt động xã hội phổ biến liên quan đến tương tác xã hội hay không và tần suất như thế nào trong vòng 1 năm gần nhất. Ví dụ, họ có đến nhà hàng hay tham gia sự kiện thể thao, chơi lô tô, đi chơi trong ngày hoặc qua đêm, làm công việc tình nguyện hay thăm người thân hoặc bạn bè...

Chức năng nhận thức được đánh giá bằng 21 bài kiểm tra về các loại trí nhớ cũng như tốc độ nhận thức và khả năng thị giác không gian.

Khi bắt đầu cuộc điều tra, tất cả người tham gia đều không có bất kỳ dấu hiệu suy giảm nhận thức nào. Tuy nhiên, trong trung bình 5 năm, những người hoạt động xã hội nhiều hơn cho thấy tỉ lệ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn.

Cụ thể, với nhóm hoạt động xã hội thường xuyên hơn, nguy cơ mắc chứng mất trí giảm 38% và nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ giảm 21% so với những người ít hoạt động xã hội nhất.

Các biến số khác có thể giải thích cho sự gia tăng suy giảm nhận thức - chẳng hạn tuổi tác, thói quen tập thể dục và sức khỏe...

Tiến sĩ Bryan James - phó giáo sư y khoa nội khoa tại Rush - cho biết: "Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng hoạt động xã hội kém có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và suy giảm nhận thức nhẹ. Những người lớn tuổi ít hoạt động xã hội nhất mắc chứng mất trí nhớ trung bình 5 năm trước những người hoạt động xã hội nhiều nhất".

Dường như hoạt động xã hội có thể tăng cường các mạch thần kinh trong não, giúp chúng chống lại sự tích tụ bệnh lý xảy ra theo tuổi tác. Hành vi xã hội kích hoạt cùng một vùng não liên quan đến suy nghĩ và trí nhớ.

Các tác giả lưu ý rằng những phát hiện này làm nổi bật giá trị của hoạt động xã hội như một biện pháp can thiệp ở cấp cộng đồng để giảm chứng mất trí.

Ngoài ra, ước tính việc trì hoãn khởi phát chứng mất trí trong 5 năm sẽ kéo dài thêm 3 năm tuổi thọ và giảm 40% chi phí điều trị y tế. Con số tương đương mức tiết kiệm 500.000 USD tiền chăm sóc sức khỏe trọn đời cho mỗi người.

Lý do hoạt động xã hội lại đóng vai trò trong sự phát triển của các vấn đề về nhận thức vẫn chưa rõ ràng.

Theo tiến sĩ James, một khả năng là "hoạt động xã hội thách thức người lớn tuổi tham gia vào các cuộc trao đổi giữa các cá nhân phức tạp, điều đó có thể thúc đẩy hoặc duy trì các mạng lưới thần kinh hiệu quả”.

Ông James cho biết cần phải có những nghiên cứu trong tương lai để xác định liệu các biện pháp can thiệp nhằm tăng cường hoạt động xã hội ở giai đoạn cuối đời có thể đóng vai trò làm chậm hoặc ngăn ngừa suy giảm nhận thức.

Những người đàn ông lớn tuổi chơi cờ ở khu Chinatown, Singapore - Ảnh: AFP
Những người đàn ông lớn tuổi chơi cờ ở khu Chinatown, Singapore - Ảnh: AFP

Linh La (theo Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI