Giao thừa ấm trong ngày giãn cách xã hội của người Việt tại Đức

12/02/2021 - 13:50

PNO - Tối đa chỉ được hai gia đình tới thăm nhau là yêu cầu được đưa ra trùng vào dịp cộng đồng người Việt chuẩn bị đón tết cổ truyền.

Ngày cuối cùng của năm, khi chúng tôi chuẩn bị đón cái tết cổ truyền hướng về quê nhà, cũng là lúc có lệnh của thống đốc bang Baden - Wuerttemberg, tây nam nước Đức, về nới lỏng lệnh giãn cách. Thay vì 20g người dân phải ngừng các hoạt động bên ngoài và trở về nhà, thì giờ đây sẽ là 21g.

Đây là tín hiệu vui, thay cho những tháng ngày u ám mà người dân Đức nói chung lâu nay phải chịu đựng vì dịch COVID-19. Lệnh phong tỏa của chính phủ Đức có hiệu lực từ trước Giáng sinh, và kéo dài cho tới tận hôm nay, 11/2.

Chúng tôi đón Tết tại gia đình chị Kiều Mai - một gia đình Việt kiều định cư tại Đức đã hơn mười năm. Ảnh tác giả cung cấp
Tác giả đón tết cùng gia đình chị Kiều Mai (ảnh do tác giả cung cấp)

Tôi và ông xã người Đức, từ 2 tháng nay phải "đánh vật" với 2 đứa con nhỏ, đang tuổi chạy nhảy vui chơi. Bé lớn học lớp Một, suốt thời gian dài phải học online. Còn bé út, đang tuổi học mẫu giáo, cũng buồn thiu ở nhà. Trong thời gian khó khăn này, có lẽ những em bé nhỏ là chịu nhiều thiệt thòi nhất, vì tivi phải để chế độ tắt cho anh chị lớn tập trung học bài và có một người bạn chơi cùng cũng là điều xa xỉ.

Các cửa hàng mua sắm, ăn uống nói chung phải đóng cửa, trừ các gian hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Vậy là thời gian trong ngày bị rút ngắn lại. Chung quy người Đức phải tranh thủ mua sắm và dự trữ thực phẩm trong ngày, trước ngưỡng 20g.

Người dân Đức cũng như châu Âu nói chung, quen với lối sống tự do phóng khoáng, thì lệnh giới nghiêm ban ra như "một đòn đau" giáng xuống nền dân chủ họ vốn tự hào. Nhiều nơi, người dân không chịu nổi "sự kìm kẹp", đã vùng lên biểu tình.

Tuy nhiên, lệnh phong tỏa cứng rắn của chính phủ Đức đã thể hiện hiệu quả tức thì. Tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thống kê từ các bang đã giảm đáng kể. Và, lệnh nới lỏng đã khiến cho ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Vậy là từ hôm nay, chúng tôi đi mua sắm hay tới thăm người thân, bạn bè, đều không phải canh đồng hồ và căng thẳng tính từng phút, từng giờ "đóng cửa" nữa. Điều đó có giá trị biết bao nhiêu trước thời khắc chuẩn bị đón giao thừa trong cộng đồng người Việt.

Tối giao thừa, gia đình tôi tới thăm Kiều Mai và dự bữa tối tại nhà chị. Kiều Mai sang Đức định cư đã hơn 10 năm, hiện có hai cậu con trai với người chồng Đức.

Trong lúc cánh đàn ông chuẩn bị cho bữa tối, tôi và Kiều Mai tranh thủ ra ngoài, tìm vài "nhánh cây khô" mang về. Cái lạnh tê tái và bão tuyết không ngăn được những nụ hoa tầm xuân chúm chím, đang độ đâm chồi nảy lộc. 

Kiều Mai ngậm ngùi, giá mà tầm này hai chị em đang ở quê nhà, thì cả hai đều đang cùng với gia đình đi hái lộc đầu xuân rồi. 

Một bình hoa đã được chuẩn bị trước đó với nước cắm hoa được làm ấm, cùng nhiệt độ phòng chuẩn, thì những cành tầm xuân khẳng khiu kia sẽ bung nở vào ba ngày tết.

Tự làm mình vui trong những ngày khó khăn này cũng là cách những người con tha hương tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Câu chuyện nổ như pháo rang quanh nồi lẩu. Ký ức về những "ngày này năm xưa" hiện rõ qua những lời chúc tụng, những lần nâng ly đầy hứng khởi.

Sự có mặt đông đủ trong hội người Việt cũng là điều xa xỉ năm nay. Chúng tôi phải "chia ca" để lần lượt đón từng gia đình tới thăm vào dịp này. Tối đa chỉ được hai gia đình tới thăm nhau là hạn chế trùng dịp cộng đồng người Việt chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc.

Trước đó một ngày, gia đình tôi tranh thủ tới thăm vợ chồng người bạn, là gia đình Việt kiều định cư tại Đức đã hơn 20 năm. Dù ảnh hưởng dịch COVID-19, dịp tết cổ truyền của dân tộc, vợ chồng bạn vẫn cố gắng gói đòn bánh tét dâng lên tổ tiên. "Cội rễ dân tộc là nguồn sức mạnh để chúng tôi động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn này", chị bạn nói.

Tác giả chụp hình cùng chị Lương Hoàng bên những đòn bánh tét. Ảnh tác giả cung cấp
Những đòn bánh tét làm ấm lòng người tha hương (ảnh do tác giả cung cấp)

Trong câu chuyện nổ như pháo rang của những bà nội trợ, chị hồ hởi khoe mâm ngũ quả ngày tết. Bưởi, cam, táo, quất, những loại quả quen thuộc mà bất cứ siêu thị tây nào cũng bày bán, chị dễ dàng mua được. Nhưng chị tiếc hùi hụi vì tới siêu thị quá muộn, đã để tuột khỏi tầm ngắm cây quất được bày bán trong chậu cảnh, với giá 15 euro. Người dân nước sở tại cũng rất chuộng loại cây này, đã nhanh tay mua về trang trí trong phòng khách.

Quất được bà bán tại siêu thị Đức dịp giáp tết cổ truyền của người Việt với giá 15 euro. Ảnh tác giả cung cấp
Quất được bày bán tại siêu thị Đức dịp giáp tết cổ truyền của người Việt với giá 15 euro (ảnh do tác giả cung cấp)

Gia đình Kiều Mai lại quen thuộc với món bánh chưng. Trước đó một ngày, ông xã chị phải vất vả đi tàu hơn 20km lên siêu thị Á châu ở phố lớn, cốt mua được mớ lá chuối tươi về gói bánh.

Đứng canh nồi bánh chưng đang sôi và bốc khói thơm nghi ngút, Kiều Mai nói: "Nấu bánh chưng tám tiếng bằng bếp gas thế này kể cũng xót, nhưng mỗi năm chỉ có một lần. Ở đây củi lửa không có, nếu không "nghiến răng" nấu bánh bằng bếp gas, thì các con không bao giờ biết được quy trình và sự công phu để đón một mẻ bánh truyền thống ra lò đòi hỏi sự kiên trì như thế nào".

Đồng hồ chuẩn bị điểm 21g, gia đình tôi cáo lui ra về. Tiệc thì đang vui và nồi lẩu vẫn còn đang bốc khói nghi ngút. Nhưng mỗi người dân nghiêm túc chấp hành lệnh cũng là cách chung tay đẩy lùi dịch bệnh qua nhanh.

Một cái tết vội vã nhưng đầy ân tình là ký ức mà vợ chồng tôi cũng như các con lưu vào ký ức. Hy vọng một năm mới đến với nhiều niềm vui và đặc biệt, dịch bệnh sẽ được nhân loại chung tay đẩy lùi.

Minh Thuật

(từ Baden - Wuerttemberg, tây nam Đức)

 

 

 

 

 

 


 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI