Giao thông hỗn loạn từ… trường dạy lái xe

10/04/2019 - 06:00

PNO - Nhiều người bình luận một câu đầy tính kỳ thị: “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác”. Không ai nói về nguyên nhân chết người của những vụ tai nạn: “lỗi hệ thống” trong quy trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Sáng 9/4, một phụ nữ lái Mercedes đã tông vào hàng loạt xe máy, đâm đổ cột đèn trước khi lật ngang, dưới gầm cầu vượt Mai Dịch (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Hình ảnh, clip ghi lại sự việc nhanh chóng được chia sẻ lên mạng xã hội. Nhiều người bình luận một câu rất cũ và đầy tính kỳ thị: “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác”. Không ai nói về nguyên nhân chết người của những vụ tai nạn: “lỗi hệ thống” trong quy trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Giao thong hon loan tu… truong day lai xe
Nhiều tài xế có bằng lái vẫn không hiểu bảng cấm từ 6-22g đối với xe khách trên 30 chỗ (trừ xe hợp đồng, xe du lịch) và xe tải từ 10 tấn, phải đưa vào group của cánh lái xe để hỏi nhau

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian học lái xe ô tô hạng B1, B2 hiện nay là 3,5 tháng và thời gian học viên học thực hành phải là 34 giờ. Trên thực tế, như quảng cáo chiêu sinh của các trung tâm đào tạo lái xe nhan nhản trên mạng, thời gian học lý thuyết chỉ từ 3 - 4 buổi và hầu hết các trung tâm đều ấn định 20 giờ học thực hành cho học viên. Vẫn trên thực tế học lái xe, nhiều trung tâm dạy lý thuyết lái xe cho học viên theo kiểu học “mẹo”, như: “Câu hỏi một dòng thì chọn đáp án 1, câu hỏi 2 dòng thì chọn đáp án 3”, “chọn đáp án số tuổi lớn nhất”, “thấy chữ “bị nghiêm cấm” thì chọn”, “thấy xe chữa cháy thì chọn”… và học viên cứ thế học mà không hề biết tại sao.

Kết quả không khó đoán: nhiều người có giấy phép lái xe, thực tế đang ôm vô-lăng điều khiển xe trên đường hằng ngày mà không thể phân biệt được đâu là biển cấm, biển hiệu lệnh, biển thông tin, biển phụ cũng như ý nghĩa của chúng. Với bảng cấm đậu xe vào ngày chẵn/lẻ, nhiều người không biết ngày chẵn là ngày 2, 4, 6… theo lịch hay thứ Hai, Tư, Sáu. Không hiểu thì không thể chấp hành. Hỗn loạn là chuyện đương nhiên.

Sáng 7/4, trên một group Facebook của giới tài xế chia sẻ đoạn clip một cảnh sát bắt lỗi “rời khỏi vị trí lái khi dừng xe” đối với một thanh niên, trong khi thanh niên này nhất định cho rằng mình đã bật đèn cảnh báo nguy hiểm và rằng anh ta chỉ xuống xe, đi mua thuốc uống có một lát.

Rất nhiều bình luận đã mắng chửi viên cảnh sát, cho rằng cảnh sát vòi tiền và rằng nếu trên đường không có bảng cấm dừng đỗ thì người lái xe cứ việc dừng. Những bình luận từ các tài xế khiến người viết bất giác sợ hãi về kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ của những người đang ngày ngày nắm giữ bao nhiêu sinh mạng, đang lái những chiếc xe “sát thủ” trên đường.

Nếu có học và còn nhớ những bài học lý thuyết, hẳn người lái xe đã biết mình vi phạm lỗi rời khỏi vị trí lái khi dừng xe - lỗi được ghi rõ trong Luật Giao thông đường bộ và có nằm trong bộ 450 câu hỏi thi lý thuyết lái xe.

Cũng trên group ấy, một tài xế xe tải chụp ảnh bảng cấm xe tải nằm bên dưới bảng cấm dừng và đỗ xe, cho rằng cảnh sát bắt mình sai luật, cho rằng bảng phía dưới là bảng phụ và thật kinh khủng khi có nhiều tài xế khác cũng đồng tình như vậy và tham gia vào cuộc mắng chửi cảnh sát giao thông.

Ở phần đào tạo thực hành, với 20 giờ (thường bị các trường “ăn bớt” theo kiểu tính “buổi học” 4 giờ hoặc tính vào thời gian giáo viên đưa đón học viên từ điểm hẹn đến bãi học lái xe), học viên sẽ được học các mẹo để vượt qua 12 bài thi sa hình, cách bỏ điểm, được các thầy chỉ điểm những nơi đã được đánh dấu sẵn ở trên xe cảm ứng và ở sân sát hạch, được cho thực hành lái xe “đường trường” trên những đoạn đường vắng… Chuyện gì phải xảy ra đương nhiên xảy ra.

Nhiều học viên cầm trên tay tấm bằng lái xe mà không dám lái xe ra đường hoặc đối mặt nguy cơ gây tai nạn/bị tai nạn khi liều lĩnh mang xe ra chạy trên thực tế. Dù bằng lái xe hạng B2 được phép lái ô tô đến 9 chỗ ngồi, bất kể là xe số sàn hay số tự động; thực tế học viên học B2 chỉ lái xe số sàn, không phân biệt được sự khác nhau giữa số D và L, P và N trên xe số tự động. Thực tế các vụ tai nạn giao thông ghi nhận tình trạng “đạp nhầm chân ga” khi những người học lái xe số sàn thản nhiên đạp cả hai chân, như một thói quen, trên xe số tự động - vốn là chân phanh và chân ga.

Có người nói, chỉ có ở Việt Nam mới có tình trạng sau khi có bằng lái xe, người lái xe mới bắt đầu thực sự học lái, qua các khóa học “bổ túc tay lái”. Thực trạng này, cơ quan quản lý có biết không? Có. Chắc chắn là biết. Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phải gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Còn người dân thì vẫn cứ nơm nớp lo sợ mỗi khi phải ra đường, đối mặt với những chiếc xe được người có bằng nhưng không biết luật hoặc có bằng nhưng không biết lái điều khiển. 

THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI