Hiện nay, việc định hướng phát triển các mô hình đô thị trở thành vấn đề cấp thiết trong quá trình quy hoạch đô thị và phát triển thị trường bất động sản. Trong đó, định hướng không chỉ bao gồm quy mô đầu tư các đô thị, mà là chiến lược trong quy hoạch phát triển đô thị của các đia phương.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao thực hiện được các mô hình đô thị để trở thành nơi đáng sống, thu hút dân cư về ở, giải quyết bài toán nhà ở thực cho người dân sinh sống và làm việc tại TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
TS.Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nhận định, việc phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối giữa TPHCM với các tỉnh sẽ làm giá trị bất động sản tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay TP chưa tạo được các khu đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh; chưa hình thành được các trung tâm cấp thành phố ở các hướng phát triển theo quy hoạch.
|
TS.Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) |
Hàng loạt dự án chung cư cao tầng, cao ốc tại khu vực trung tâm như con đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), đường Phổ Quang (quận Phú Nhuận)… gây nên sự quá tải về hạ tầng, dẫn đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Việc phát triển nhà ở phân tán, nhà thấp tầng riêng lẻ dẫn đến thiếu đất dành cho giao thông và các công trình công cộng khác, không tạo được động lực phát triển giao thông công cộng do nhu cầu đi lại không tập trung. Khiến người dân phụ thuộc vào các phương tiện cá nhân gây khó khăn cho việc hình thành hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, dẫn đến nhu cầu sử dụng giao thông công cộng bị suy giảm.
Các tuyến chính kết nối với TPHCM thường xuyên quá tải, chưa được đầu tư nâng cấp theo đúng quy hoạch để đảm bảo điều kiện khai thác đồng nhất trên tuyến. Các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai, các tuyến đường vành đai chưa hoàn thiện khép kín, đặc biệt là tuyến đường vành đai 3, 4 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa vùng trung tâm và các tiểu vùng, gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối.
Vì vậy, phát triển hệ thống giao thông là 1 trong 4 nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phát triển đô thị, nó sẽ thu hút nguồn lực phát triển đô thị vệ tinh, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, quản lý khu vực hành lang xanh.
|
Phát triển hệ thống giao thông là 1 trong 4 nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phát triển đô thị |
“Phát triển hạ tầng giao thông có mối quan hệ với phát triển đô thị, thúc đẩy giá trị bất động sản gia tăng, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng giao thông. Để phát huy hết lợi thế của vùng TPHCM đảm bảo kết nối các khu vực đô thị, phát triển kinh tế xã hội của vùng xứng đáng với vị thế, vai trò đã được xác định” – ông Chung khuyến cáo.
Ông Nguyễn Đình Thọ - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Bộ Tài nguyên Môi trường chia sẻ, ở TPHCM việc quy hoạch kết nối hạ tầng giao thông hay các quy hoạch vệ tinh xung quanh thành phố cũng chỉ có thể được triển khai nếu như quy hoạch đó phù hợp với thị trường, thu hút được người dân và doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch vẫn là vấn đề nhức nhối, việc quy hoạch theo các dự án phát triển của doanh nghiệp nó không đảm bảo sự đồng bộ của các quy hoạch.
|
Các chuyên gia chia sẻ về bài toán quy hoạch và phát triển các mô hình đô thị |
“Để có một khu đô thị đẹp, cách duy nhất chúng ta có thể làm là “dồn điền đổi thửa” tại đô thị, tức là thực hiện tái định cư tại chỗ cho người dân và sắp xếp lại đô thị. Nếu chúng ta không thực hiện “dồn điền đổi thửa tại đô thị” thì đô thị TPHCM sẽ xuất hiện những khu đô thị ổ chuột và khu đô thị hiện đại xen kẻ lẫn nhau, hạ tầng giao thông không thể chứa hết. Đây là cách duy nhất để chúng ta chỉnh trang lại đô thị đạt được yêu cầu đảm bảo thảm cỏ, mảng xanh khu đô thị, đảm bảo kết nối giao thông và giãn dân ra các khu đô thị vệ tinh và bảo vệ được cảnh quan” – ông Thọ nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Nam Long cho rằng: “Tìm một mô hình đô thị nào phù hợp với TPHCM là một vấn đề rất trăn trở, chúng ta không thể đưa một tiêu chuẩn cao cấp hay tiêu chuẩn của các nước về Việt Nam. Nền kinh tế, xã hội, phong thuỷ, tập quán Việt Nam đều khác nên chúng ta phải đánh giá năng lực để đưa ra các sản phẩm phù hợp thông qua các công tác quy hoạch, thiết kế đô thị và xây dựng nhà ở. Đây là cũng là việc rất quan trọng đối với các nhà phát triển bất động sản”.
Bích Trần