Khác với năm trước (tổ chức hai loại cụm thi: một loại do các trường ĐH đảm trách và một loại do các sở GD-ĐT địa phương đảm trách), năm nay kỳ thi được giao hoàn toàn về cho các địa phương thực hiện. Điều này khiến dư luận lo ngại kết quả kỳ thi sẽ bị đẩy lên cao và không thực chất.
Thí sinh dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM)
Điểm thi quốc gia “tố” điểm trung bình lớp 12
Từ khi có quy chế: chỉ những học sinh (HS) đã học hết chương trình THPT, có hạnh kiểm từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém, mới đủ điều kiện đăng ký dự thi THPT quốc gia thì “profile” học bạ của HS cuối cấp ở các trường phổ thông trở nên… đẹp bất ngờ; “kết quả” học tập ở trường THPT góp phần đưa tỷ lệ tốt nghiệp cả nước luôn xấp xỉ 100%. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nếu chỉ tính điểm trung bình lớp 12 (ĐTB12) thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong hai năm 2015 và 2016 sẽ là 100% chứ không dừng ở mức chỉ hơn 90%.
Cũng từ khi ĐTB12 chiếm 50% kết quả xét tốt nghiệp THPT thì các trường THPT “cho điểm” HS vô cùng... thoáng. Mỗi lớp học thường có ít nhất 50-70% khá giỏi, số còn lại cũng xếp loại trung bình. Sự thật này chỉ bị “phát giác” khi chính những HS khá giỏi ở trường đi thi THPT quốc gia bị điểm liệt.
Thống kê của tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho thấy: tính trung bình cả nước, độ vênh giữa ĐTB12 và ĐTB thi THPT quốc gia vào khoảng gần 2,5 điểm. Hầu hết các tỉnh đều vênh trên 2 điểm, trong đó địa phương có mức chênh lệch cao nhất là Long An và Tiền Giang (3,31 điểm) và thấp nhất Bắc Kạn (1,66 điểm). Tính theo cụm thi thì các HS thi tại các cụm ĐH (dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH) được các thầy cô “cho” ĐTB12 cao hơn hẳn, với điểm bình quân gần 7,5 điểm; trong khi đó HS dự thi ở các cụm tốt nghiệp (không dùng điểm thi để xét tuyển vào các trường ĐH) có ĐTB12 bình quân là 6,5 điểm. Rõ ràng, với kiểu “cho điểm” vô tư này, ranh giới giữa HS thực sự khá giỏi và danh hiệu “khá giỏi” đã không còn. Tất cả HS lớp 12 không đạt giỏi thì cũng tiên tiến.
Ở hầu hết các trường tư thục và trung tâm giáo dục thường xuyên, độ vênh giữa ĐTB12 với ĐTB thi THPT quốc gia còn cao hơn các trường THPT, với mức chênh lệch khoảng 3 điểm. Có hơn 50 trường THPT có ĐTB12 cao hơn 4 điểm/môn so với điểm thi THPT quốc gia.
Theo TS Nghĩa, “Có đến hơn 50% trường THPT trên cả nước đã “cho” ĐTB12 của HS từ 7 điểm trở lên. Vì vậy, không lấy làm lạ khi số HS rớt tốt nghiệp THPT chủ yếu là do vướng phải điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) trong các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia. Xã hội vốn đã quá quen với tỷ lệ tốt nghiệp hơn 90% nên việc điểm lớp 12 bỗng dưng cao chót vót cũng không gây sốc. Nhưng chính vì vậy mà không thể dựa trên học bạ, điểm lớp 12 để xét tuyển ĐH được”.
Gian lận của người lớn mới khó lường
Việc trường phổ thông cho điểm quá tay bị lộ khi HS dự thi THPT quốc gia có kết quả quá ẹ. Nhưng đó là chuyện của năm trước, khi kỳ thi còn được tổ chức với hai loại cụm thi do các trường ĐH chủ trì và do các sở GD-ĐT địa phương chủ trì. Còn năm nay, Bộ đã giao hẳn về cho các địa phương, nên dư luận băn khoăn rằng kết quả sẽ càng không trung thực; các trường ĐH làm sao có thể căn cứ vào đó để tuyển đầu vào. Sự nghi ngại này không phải vô lý bởi trong quá khứ, kỳ thi tốt nghiệp THPT hễ cứ giao về địa phương tổ chức là kết quả sẽ mấp mé 100%. Thậm chí khi tổ chức chấm chéo cho nhau thì các địa phương vẫn “đạp chân” nhau để cùng nâng… thành tích.
Năm nay, để tránh TS gian lận, Bộ GD-ĐT áp dụng biện pháp mỗi phòng thi có đến 24 mã đề thi. Nhưng phương án này đang khiến TS lo lắng và dư luận cũng không thể an tâm vì sự “gian lận” của người lớn mới khó lường. “Công tác coi thi, chấm thi phải nghiêm túc, công tâm mới đem lại kết quả trung thực, khách quan và công bằng”, ThS Phạm Thái Sơn - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết. Căn cứ vào các đề minh họa của Bộ, ông Sơn dự đoán kỳ thi năm sẽ có kết quả đẹp, tỷ lệ tốt nghiệp cao. Chỉ những em thật sự yếu lắm mới rớt tốt nghiệp. Các trường ĐH vẫn “khó xử” trong khâu tuyển chọn vì tất cả đều “giỏi”.
Cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương thời gian vừa qua, PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bày tỏ: Lâu nay dư luận vẫn băn khoăn về kết quả của các cụm thi địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì. Người ta lo khi giáo viên của tỉnh tổ chức và coi thi cho HS tỉnh nhà thì sẽ có sự dễ dãi, dẫn đến kết quả sẽ không phản ánh đúng thực tế. Do đó, năm nay Bộ bắt buộc các trường ĐH phải cùng về các địa phương coi thi theo nguyên tắc “một giáo viên của sở - một giảng viên ĐH” ở mỗi phòng thi. Việc làm này là cần thiết nhằm thu được kết quả khách quan hơn, điểm đầu vào các trường ĐH tin cậy hơn, cũng như để xã hội tin tưởng hơn về kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.
Bên lề:
Rớt tốt nghiệp nếu bỏ bài thi môn thành phần
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có 5 bài thi là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Trong đó, duy nhất môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Mỗi bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có 120 câu hỏi với thời gian làm bài 150 phút. Bài thi ngoại ngữ gồm 50 câu, thời gian làm bài 60 phút. Riêng môn toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.
Đề thi THPT quốc gia 2017 sẽ có kết cấu 60% câu hỏi ở mức độ cơ bản cho việc xét tốt nghiệp, 40% câu hỏi ở mức độ phân hóa phục vụ việc xét tuyển vào ĐH. Các câu được sắp xếp từ dễ đến khó.
TS phải làm hết môn thành phần của bài thi tổ hợp, nếu không sẽ trượt tốt nghiệp.
TS phải nộp lại đề môn vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý.
Trượt ĐH khó hơn đậu!
Thống kê từ Bộ GD-ĐT, cả nước có khoảng 866.000 TS đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017. Trong đó hơn 640.000 em, khoảng 75%/thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH. Chỉ tính riêng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH và CĐ sư phạm thuộc Bộ GD-ĐT đã gần 400.000 chỉ tiêu. Như vậy, sẽ có hơn 60% TS cứ dự thi sẽ đậu ĐH, nghĩa là trong hai em sẽ có ít nhất một em đậu ĐH.
Nếu năm trước mỗi TS chỉ được đăng ký nguyện vọng (NV) vào hai trường (mỗi trường tối đa hai NV) thì năm nay không có giới hạn. Hiện tại, TS có số NV đăng ký nhiều nhất lên đến 48 NV.
Sau khi có kết quả thi, TS còn được quyền điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển một lần nữa trong tháng Bảy. Điều này giúp tăng khả năng trúng tuyển ĐH hơn. Trên thực tế, rất nhiều trường ĐH bỏ qua điểm thi, “vớt” luôn TS có học bạ phổ thông đạt 6,0. Điều này cho thấy việc trượt ĐH sẽ khó hơn đậu ĐH.
TP.HCM: có phà riêng chuyên chở đề và bài thi cho thí sinh huyện đảo Cần Giờ
Năm nay, TP.HCM có 71.469 TS đăng ký dự thi tại 114 điểm thi. Để phục vụ cho kỳ thi này, thành phố đã huy động hơn 12.000 người, trong đó có khoảng 10.000 cán bộ coi thi, giám sát, thanh tra thi.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: dưới sự chỉ đạo của UBND TP, Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với ngành công an để đề thi được bảo mật tuyệt đối.
Ông Đạt cho biết, mỗi ngày, đề thi sẽ được giao đến các điểm thi với sự bảo vệ đặc biệt của lực lượng công an. Đến cuối ngày thi, bài thi của TS cũng được vận chuyển về địa điểm bảo mật. Riêng điểm thi trường THPT An Nghĩa đặt ở huyện Cần Giờ - huyện duy nhất kết nối với trung tâm bằng phà, có 649 TS dự thi, TP đã lên phương án có chuyến phà riêng ưu tiên vận chuyển đề thi và bài thi để đảm bảo an toàn. Tại điểm thi này, TS được bố trí nghỉ lại ký túc xá Trường THPT Cần Thạnh. Xe buýt sẽ đưa đón TS tận điểm thi để đảm bảo an toàn. Hội phụ huynh các trường sẽ lo luôn cơm nước cho TS.
Trường dự kiến 3 phương thức tuyển sinh: tuyển thẳng và ưu tiên; tuyển theo đề án tuyển sinh của trường; dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số, chung tay khắc phục bão Yagi... là những sự kiện lớn của ngành giáo dục trong năm 2024.
Thí sinh tham dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực; người có khuyết tật nặng, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt... sẽ được miễn thi một số môn.
Tiếp tục hành trình hiện thực hóa hàng triệu ước mơ, FE CREDIT phối hợp tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin-Vượt khó đến trường” của Báo Sài Gòn Giải Phóng.