Giáo sư Trần Văn Giàu - Dấu ấn một nhân cách

15/09/2016 - 21:41

PNO - Lúc sinh thời cũng như từ ngày Giáo sư Trần Văn Giàu đi xa, đã có biết bao sách báo, phim ảnh về chân dung, cuộc đời, những đóng góp to lớn của giáo sư cho sự nghiệp cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

100 tuổi đời, 80 năm hoạt động cách mạng, đảng viên 80 năm tuổi Đảng Trần Văn Giàu đã vét cạn nhiệt tình, sức lực, trí tuệ, cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do và sự phát triển phồn vinh của đất nước. Lúc sinh thời cũng như từ ngày Giáo sư Trần Văn Giàu đi xa, đã có biết bao sách báo, phim ảnh về chân dung, cuộc đời, những đóng góp to lớn của giáo sư cho sự nghiệp cách mạng nước ta trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ (11/9/1911 - 11/9/2016), sáng 15/9, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đồng chí Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng, Nhà giáo, Nhà khoa học - Dấu ấn một nhân cách”.

Giao su Tran Van Giau - Dau an mot nhan cach
Các DB tham dự

Cống hiến cả đời cho sự nghiệp cách mạng

Tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, hành trình lớn lao 100 tuổi đời và hơn 80 tuổi Đảng, đồng chí Trần Văn Giàu đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập tự do và phồn vinh của đất nước, biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học uyên bác. Bằng cả cuộc đời sự nghiệp cách mạng, quá trình lao động nghiêm túc, miệt mài càng làm ngời sáng phẩm chất nhân cách tốt đẹp của một lão thành cách mạng, tấm gương người chiến sĩ trung kiên, bản lĩnh, luôn chấp hành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và tổ chức giao phó.

Giao su Tran Van Giau - Dau an mot nhan cach
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong

Nói về ông, PGS, TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung Ương, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng Trần Văn Giàu một nhà cách mạng lão thành, dường như đã hiện diện và hiến dâng cả cuộc đời cho suốt cuộc hành trình đầy hào quang của Đảng ta trong chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước gần 1 thế kỷ qua. Bản lĩnh Trần Văn Giàu được biểu hiện qua 80 năm hoạt động của ông, nhưng có lẽ nổi trội, rõ ràng hơn cả là hai quyết định mang tính lịch sử vào năm tháng lịch sử vĩ đại của dân tộc tháng Tám 1945.

Giao su Tran Van Giau - Dau an mot nhan cach
PGS - TS Phan Xuân Biên

Trước và trong cách mạng tháng Tám 1945, dù ở xa trung Ương, nhưng với kiến thức có được qua những năm nghiên cứu, hoạt động cách mạng, với khả năng phân tích thực tiễn, với ý chí kiên quyết, ông đã cùng Xứ ủy quán triệt chủ trương cơ bản về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng từ Hội nghị Trung ương lần thứ VI, đã “tương kế tựu kế” nhanh chóng xây dựng đội quân chính trị, bao gồm cả lực lượng hoạt động công khai - Thanh niên tiền phong do Xử ủy trực tiếp chỉ đạo cùng Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là lực lượng đông đảo nhất là công nhân, cùng nông dân, các tầng lớp xã hội khác, làm thành đạo quân chính trị quyết định sự thắng lợi trọn vẹn trong cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ, góp phần vào sự toàn thắng của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại của cả nước.

Sinh trưởng trong một gia đình điền chủ giàu có Trần Văn Giàu không chỉ được thụ hưởng điều kiện sống đủ đầy, khác biệt với phần lớn người dân thời đó mà còn được cha mẹ chăm lo cho ăn học rất nghiêm túc. 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp tú tài tại trường Tây – Chasseloup Laubat, ông được gia đình cho sang Pháp du học tại Trường Đại học Toulouse với lời hứa sẽ “mang về hai bằng tiến sĩ”.

Giao su Tran Van Giau - Dau an mot nhan cach
GS - TS Tạ Ngọc Tấn

“Một con đường vinh hiển, một tương lai giàu sang đang mở ra rất rõ ràng trước mắt, nhưng Trần Văn Giàu đã không chọn con đường ấy, tương lai ấy. Lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc đã thôi thúc ông dấn thân vào một cuộc đấu tranh đầy gian nan, nguy hiểm. Trong suốt cuộc đời hoạt động, dù chỉ là một sinh viên yêu nước, giác ngộ cách mạng, hay nhà cách mạng chuyên nghiệp trải qua tù ngục của đế quốc, đến khi trở thành Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, lãnh đạo giành chính quyền và mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, Trần Văn Giàu luôn là một người yêu nước đầy nhiệt huyết, một nhà cách mạng triệt để, không khoan nhượng. Ông không chỉ là người bộc trực, năng động, nhiều sáng kiến, có tài hùng biện, mà còn là người luôn đi tiên phong, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy, gian khổ, hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng, giành độc lập tự do cho dân tộc”-GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ khẳng định

Cây đại cổ thụ của khoa học xã hội Việt Nam

Giao su Tran Van Giau - Dau an mot nhan cach
Phó bí thư thành ủy Tất Thành Cang

Ông Trần Văn Giàu không chỉ là nhà lão thành cách mạng, trung kiên mà còn là nhà khoa học lớn. Theo PGS,TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết trong thời gian 17 năm công tác tại Viện Sử học, giáo sư Trần văn Giàu đã cùng các cán bộ của Viện Sử học tập trung nghiên cứu làm rõ nhiều vấn đề của lịch sử dân tộc Việt Nam, trong đó chú trọng nghiên cứu về giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trong thời kỳ Pháp thuộc.

Trước hết phải kể đến công trình "Giai cấp công nhân Việt Nam sự hình thành và sự phát triển của nó từ giai cấp “tự mình” đến giai cấp “cho mình" của giáo sư Trần Văn Giàu đã hoàn thành và được Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, xuất bản năm 1958. Đây là một trong những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, làm sáng rõ được quá trình ra đời và đánh giá đúng được vị trí vai trò lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Có thể khẳng định rằng công trình Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam của giáo sư Trần Văn Giàu là một công trình nghiên cứu đồ sộ nhất về giai cấp công nhân Việt Nam từ trước đến nay.

Ở tuổi 90, khi bản thân đã có hàng trăm công trình về sử học, tư tưởng, triết học, với mong muốn có được nhiều, thật nhiều những thế hệ là các nhà nghiên cứu tiếp bước ông trong các lĩnh vực sử học, lịch sử tư tưởng ở miền Nam, khi quyết định bán căn nhà số 70, đường Phạm Ngọc Thạch - nơi đầy ắp những kỷ niệm riêng, ông đã lấy 1.000 lượng vàng lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu tặng cho những công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, sử học về Nam Bộ.

Giao su Tran Van Giau - Dau an mot nhan cach
Các ĐB trao đổi

“Giờ đây, mỗi khi Giải thưởng được trao cho những công trình khoa học xuất sắc mang tên ông, ta càng thấm thía tâm huyết của ông, càng hiểu tấm lòng và trách nhiệm của ông. Nói như Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu Tô Bửu Giám “Đó là tâm huyết đến cuối đời vẫn lo việc đào tạo con người, phát hiện các viên ngọc quý trong cuộc sống của người Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm vốn tri thức, văn hóa Việt”…dường như ông vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của chúng ta! Bởi mỗi khi đến với ông, lòng ta như lại được tìm về nơi trú ngụ bình yên của những gì cao đẹp và trong sáng nhất” - Trưởng ban tuyên giáo thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư bày tỏ.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI