Giáo sư Trần Thanh Vân: “Không ép buộc con phải đi con đường của mình”

12/08/2024 - 17:29

PNO - Giáo sư Trần Thanh Vân - người sáng lập Trung tâm ICISE - đã bước qua tuổi 90. Tuy tuổi cao, trong ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu với khoa học. Ông đã có những chia sẻ thú vị về bí quyết sống vui khỏe, kinh nghiệm sống và cách dạy dỗ con cái.

Giáo sư Trần Thanh Vân vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm sống
Giáo sư Trần Thanh Vân vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm sống

Phóng viên: Thưa giáo sư, làm khoa học là công việc vất vả, đòi hỏi sự kiên trì và sức khỏe tốt. Làm cách nào giáo sư có thể duy trì đam mê nghiên cứu khoa học cho đến tận hôm nay?

Giáo sư Trần Thanh Vân: Khi đến với khoa học, trong tôi luôn có một niềm tin và đam mê to lớn. Từ niềm đam mê, tôi đã hình thành cho mình những kế hoạch để thực hiện. Còn sức khỏe vốn là thứ trời ban. Từ nhỏ, tôi không có năng khiếu về thể thao, văn nghệ. Sự say mê giúp tôi quên đi tất cả khó khăn trên con đường làm khoa học và trong cuộc sống.

Mỗi ngày, tôi đi làm về là cả nhà nấu nướng, ăn uống với nhau. Gia đình tôi rất thích tự nấu rồi cùng ăn với nhau. Khoảnh khắc đó rất hạnh phúc. Buổi chiều, cả nhà cùng đi dạo rồi lại về nghỉ ngơi. Lịch sinh hoạt của tôi hầu hết xoay quanh công việc và gia đình. Những lúc căng thẳng, tôi sẽ tìm nơi nào thật yên tĩnh để suy nghĩ và sau đó tiếp tục quay lại với công việc.

* Theo giáo sư, điều gì quan trọng nhất trong việc theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học đối với các bạn trẻ?

- Theo tôi, điều quan trọng nhất trên con đường nghiên cứu khoa học đối với các bạn trẻ là được gặp gỡ các nhà khoa học trên thế giới. Khi đó, các bạn sẽ được truyền lửa đam mê, kiến thức, trải nghiệm, được thắp sáng và có những lựa chọn, ý tưởng rất hay.

Thời trẻ, tôi chỉ chăm chú vào việc làm sao để trở thành một kỹ sư xây dựng. Tình cờ, tôi gặp một giáo sư vật lý đang xây dựng một viện nghiên cứu vật lý ở Paris. Tôi đến tham quan và thấy có cảm hứng rất lớn. Kể từ đó, cuộc đời tôi gắn bó với khoa học.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Trên con đường ta đi luôn có những cơ hội bất ngờ. Khi ấy, chúng ta phải có một chút phiêu lưu, can đảm, thích thú và theo đuổi nó. Ta sống với điều khiến mình thích, nó sẽ mang đến thành quả. Các bạn trẻ, khi những cơ hội học tập, làm việc… đến với mình, các bạn hãy mạnh dạn theo đuổi. Những bạn có ước mơ trở thành nhà nghiên cứu, chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào, các bạn hãy tìm hiểu ngay lập tức về lĩnh vực và con người hàng đầu ở đó.

* Giáo sư đã truyền đạt tinh thần học hỏi, đam mê khoa học cho các con của mình ra sao?

- Trong gia đình tôi, các con tôi không đam mê nghiên cứu khoa học mà lựa chọn lĩnh vực khác để theo đuổi. Vợ chồng tôi tôn trọng sự lựa chọn của các con, vì nếu không có niềm đam mê đối với khoa học thì có ép cũng bằng không.

Thay vì ép con theo ý mình, vợ chồng tôi động viên, khích lệ các con hãy chuyên tâm vào lĩnh vực chúng yêu thích. Điều đó vừa tạo động lực cho các con vừa giúp gia đình vui vẻ. Làm cái gì cũng vậy, hãy là người thật giỏi ở lĩnh vực đó. Con người giống như một cái cây. Bản thân cái cây phải biết tự nuôi dưỡng và luôn luôn hướng về phía mặt trời. Làm được như vậy, cây sẽ lớn và tỏa bóng mát.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

* Mong muốn lớn nhất của giáo sư cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học nước nhà là gì?

- Đến thời điểm này, tôi rất mong Trung tâm Khám phá khoa học tại Quy Nhơn sẽ truyền cảm hứng, ngọn lửa đam mê khoa học cho các bạn trẻ trong cả nước khi đến đây tham quan. Ngoài Trung tâm Khám phá khoa học tại Quy Nhơn, tôi mong có thêm nhiều trung tâm mới ở các tỉnh, thành lớn: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ…

Nước ta muốn phát triển khoa học, đầu tiên hãy cho các bạn nhỏ được tiếp xúc với những mô hình, kiến thức, hình ảnh về khoa học trước. Từ đó, các bạn sẽ hun đúc cho mình một tình yêu khoa học lớn hơn. Từ những trung tâm này, tôi nghĩ chúng ta sẽ có thêm nhiều tài năng sáng giá về nghiên cứu khoa học cho tương lai, cho đất nước.

* Xin cảm ơn giáo sư.

Giáo sư Trần Thanh Vân từng được vinh danh tại Pháp, Nga và Mỹ. Ông là người châu Á thứ ba được nhận Huân chương Tate của Hội Vật lý Mỹ dành cho những người không có quốc tịch Mỹ có công phụng sự cộng đồng vật lý và có vai trò lãnh đạo. Họ vinh danh vai trò của ông kéo dài 4 thập niên, quy tụ cộng đồng những nhà vật lý xuyên biên giới quốc gia và văn hóa và những nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam.


Chí Thiện (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI