Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - một nhà báo, nhà trí thức lớn

16/01/2014 - 10:33

PNO - PNO - Ngày 16/1, tại TP.HCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học “Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - Nhà trí thức yêu nước với sự nghiệp đấu tranh giải...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ (19/1/1914).

Giao su Ton That Duong Ky - mot nha bao, nha tri thuc lon

Hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ (1914 - 1987) là một tấm gương trí thức yêu nước lớn, một đảng viên Cộng sản xuất thân trong gia đình Hoàng tộc của triều Nguyễn, đã có đóng góp vào thành công của cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ trước chiến tranh thế giới thứ 2, với bút danh Mãn Khánh, Giáo sư đã viết nhiều khảo luận về văn, sử, địa đăng trên tờ tạp chí Tri Tân và các tạp chí khác. Trong thời gian này, giáo sư vừa tham gia hoạt động cách mạng, vừa dạy học tại trường Khải Định (nay là trường Quốc học Huế) và tại các trường Marie Curie, Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn Khoa (Sài Gòn cũ).

Năm 1949, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ cùng với một nhóm các nhà giáo, văn nghệ sĩ tiến bộ sáng lập tạp chí Tiến Hóa, nơi tập trung tiếng nói đấu tranh về văn hóa, chính trị của giới trí thức miền Trung. Nhận thấy sự bất lợi của tờ tạp chí này đối với chính sách thực dân, đô hộ của mình, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa. Không chịu khuất phục, Giáo sư cho xuất bản tập văn Ngày Mai - Cơ quan ngôn luận của phong trào đấu tranh đòi hòa bình, thực hiện Hiệp định Geneve và tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Năm 1954, thực dân Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm cùng bọn côn đồ đã hành hung giáo sư và những người chủ chốt trong ban biên tập, đập phá tòa soạn, sau đó chúng bắt giam và kết án tù các nhà báo chủ chốt, trong đó có Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ.

Sau khi ra tù của chế độ thực dân, Giáo sư vào Sài Gòn dạy học tại các trường Marie Curie, Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn Khoa. Ở đây, dưới hình thức hoạt động hợp pháp, giáo sư tiếp tục truyền bá chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm thức tỉnh tinh thần dấn thân vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trong giới trí thức, sinh viên, học sinh. Năm 1962, Giáo sư một lần nữa bị bắt giam cho đến khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ mới được thả ra.

Ông Lê Bá Trình cho biết, trong giai đoạn hoạt động cách mạng tại Sài Gòn - TP.HCM, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ đã tham gia vào các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, với bí danh Dương Kỳ Nam; lãnh đạo phong trào Dân tộc tự quyết Việt Nam tại Ủy ban Vận động hòa bình Việt Nam. “Phong trào này đã bị chính quyền Sài Gòn tìm mọi cách ngăn cấm quyết liệt.

Chúng đã cách chức 300 công chức trong bộ máy chính quyền tham gia vào phong trào này và bắt giữ gần 100 người, trong đó có bác sĩ Phạm Văn Huyến, nhà báo Phi Bằng và giáo sư Kỵ. Thậm chí, chúng còn tổ chức “tống xuất” giáo sư Kỵ cùng hai nhà trí thức tiêu biểu của phong trào ra miền Bắc, qua cầu Hiền Lương với mục đích “dằn mặt” giới trí thức, sinh viên, học sinh miền Nam đang sôi sục đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ và thống nhất đất nước.

Giao su Ton That Duong Ky - mot nha bao, nha tri thuc lon

Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm khoa học.

Đánh giá về vai trò của Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho rằng, bước ngoặt về cuộc đời và tư tưởng của giáo sư Kỵ, đặc biệt là phương pháp hoạt động đấu tranh được đánh dấu và nâng lên khi trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Kể từ đó, khi công khai, lúc bí mật, hay trong thời gian dạy học, viết báo, viết văn, Giáo sư vẫn kiên trì con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do cho nhân dân, thống nhất đất nước.

“Trong bức tâm thư gửi anh chị em trí thức, sinh viên, học sinh miền Nam ở trong nước và kiều bào ở Hải ngoại, giáo sư đã viết: “Trước mắt, chúng ta giờ đây là một nước Việt Nam, trỗi dậy trong ánh nắng ban mai của mùa xuân thanh bình, hạnh phúc trong yêu thương hòa hợp. Lòng đầy tự hào chính đáng, chúng ta tiến đi trên con đường đầy hoa thơm,…Chỉ cần chúng ta đoàn kết lại, chung lòng chung sức, nhất định có thể làm nên sự nghiệp lớn”. Theo tôi, đây là một khát khao độc lập, tự do và niềm tin chiến thắng mà giáo sư Kỵ đã dành trọn cuộc đời tận tụy của mình cho nhân dân, dân tộc”, ông Bình nhấn mạnh.

Qua quá trình nghiên cứu, PGS.TS Hà Minh Hồng, khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đánh giá, bản lĩnh khoa học của nhà trí thức thể hiện rõ nhất trong những quan điểm khoa học về những vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị, làm cho bao lớp trí thức nghiễm nhiên có bản lĩnh chính trị vững vàng. Chính qua bản lĩnh ấy, giáo sư Kỵ đã vượt lên như là một nhà trí thức lớn và một nhân sĩ có vai trò quan trọng trong công cuộc đoàn kết dân tộc, cả đời vì “Dân tộc là trên hết”.

Tham luận tại tọa đàm khoa học, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã dành những lời đẹp đẽ dành cho Giáo sư: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó, giáo sư Kỵ với khí phách của một trí thức cách mạng luôn tỏa sáng, gắn bó với nhân dân, các tầng lớp nhân sĩ, trí thức. Giáo sư chính là tấm gương sáng của một thế hệ trí thức Việt Nam, con người của tình đoàn kết dân tộc, một nhân cách về đạo đức, tác phong, lối sống, hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài, danh lợi, trọn đời mình cống hiến cho cách mạng…”.

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, học giả cũng làm rõ những đóng góp của Giáo sư trong công tác nghiên cứu về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đặc biệt, sau khi thống nhất đất nước, Giáo sư đã khảo cứu thư tịch cổ về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với nhiều bài viết, bài báo sắc sảo, kiên định và thuyết phục về mặt khoa học và sử liệu.

Bài, ảnh: THÀNH CÔNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI