Các tác phẩm về Bác của giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú đã được xuất bản: Miền Nam trong lòng Bác (1972), Người là niềm tin (1973), Đường Bác Hồ đi cứu nước (1973, tái bản 19 lần), Bác Hồ ở Phan Thiết (1980)... Riêng tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng xuất bản lần đầu vào năm 1976, đến nay đã được tái bản 22 lần.
Nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2023), Báo Phụ nữ TPHCM đã trò chuyện với giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú quanh những trang viết về Bác.
|
Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú (thứ hai từ phải sang) tại buổi ra mắt tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, bản in lần thứ 22 (nguồn ảnh: Đường sách TPHCM) |
Sống, trở về và viết
Phóng viên: Gần nửa thế kỷ trôi qua, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng vẫn vẹn nguyên giá trị. Sự trở lại của tác phẩm trong lần in thứ 22 này mang đến cho ông cảm xúc đặc biệt như thế nào?
Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú: Từ bản in đầu tiên cho đến bản in lần thứ 22, tôi đã chỉnh sửa, bổ sung thêm nhiều thông tin cũng như các bài viết về Bác. Sách vẫn thường xuyên được tái bản, nhưng đây là lần sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác. Cũng có khi sách được tái bản và đến tay bạn đọc trong âm thầm, lặng lẽ mà không có những buổi giao lưu, trò chuyện. Qua nhiều năm tháng, đến hôm nay tôi rất vui khi vẫn thấy được sự quan tâm cũng như tình cảm, yêu mến của bạn đọc trẻ dành cho tác phẩm. Đó cũng là tình cảm sâu sắc, lòng biết ơn, sự kính trọng của bao thế hệ thanh niên dành về Bác - vị cha già kính yêu của dân tộc.
* Ông bắt đầu viết về Bác từ khi nào?
-Năm 1962, lần đầu tôi về Nghệ An và viết về làng Sen quê Bác. Năm ấy tôi 22 tuổi và là thông tín viên của Báo Tiền Phong. Năm 1968, tôi được cử vào Mặt trận Khe Sanh. Trong chuyến đi này, tôi gặp nhà văn Sơn Tùng, lúc đó là trưởng đoàn của Báo Tiền Phong vượt Trường Sơn vào Trung ương Cục để xây dựng Báo Thanh niên Giải phóng.
Đêm dừng chân ở binh trạm, mắc võng ngủ giữa rừng, anh có tâm sự với tôi rằng muốn viết về Bác Hồ. Lúc đó, tôi cũng đã sưu tập nhiều tư liệu để viết về Bác. Tôi vẫn nhớ mãi lời anh nói: “Đời Bác, bên cạnh một con người giản dị là một Bác Hồ đầy huyền thoại và bí ẩn. Chúng ta không viết thì không ai biết được. Không viết là có tội với lịch sử đấy”. Anh còn nói với chúng tôi: “Mỗi đứa cố gắng phải sống để trở về, và đã sống thì phải viết”. Chính những lời nói đó đã góp phần thôi thúc tôi viết về Bác.
Ngày Bác mất, tôi được giao nhiệm vụ ra sân bay Gia Lâm tháp tùng đoàn miền Nam, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu về thọ tang Bác. Một đồng chí trong đoàn chuyển lời nhắn của nữ tướng Nguyễn Thị Định yêu cầu tôi viết về Bác với miền Nam, về lễ tang Bác gửi vào chiến trường. Sau đó, được chiến trường yêu cầu, tôi đã viết liên tục và các bài viết được phát trên Đài phát thanh Giải Phóng. Anh Bảo Định Giang khi ấy là Trưởng Tiểu ban Văn nghệ miền Nam nói với tôi: “Những bài cậu viết rất xúc động, nên tập hợp lại gửi vào Nam”. Được các anh ủng hộ và động viên, tôi đã hoàn thành tập sách đầu tiên Miền Nam trong lòng Bác.
|
Nhà văn Trình Quang Phú (bìa phải, đeo máy ảnh) cùng nhóm cán bộ Báo Tiền Phong chuẩn bị vào chiến trường năm 1968 - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP |
* Từng được gặp Bác Hồ, ấn tượng sâu sắc của ông về Bác là gì? Và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng như thế nào đến ông trong cuộc đời?
- Còn nhớ, khi tôi mới 15 tuổi (năm 1955), được tặng một bức ảnh Bác Hồ cắt ra từ trên báo, tôi vô cùng trân quý. Năm 20 tuổi, tôi được kết nạp Đảng. Tinh thần Bác chính là ánh sáng soi rọi, sáng ngời. Khi trở thành phóng viên, tôi may mắn được theo chân các đoàn miền Nam về thăm Bác, ghi lại những câu chuyện cảm động về những lần họ được gặp Bác. Bản thân tôi cũng đã vinh dự 2 lần được trò chuyện với Bác. Những hình ảnh, kỷ niệm quý giá ấy tôi không bao giờ quên.
Một lần được Bác mời ăn cơm, khi xới cơm, tôi vô ý để rơi ra một cục cơm nhỏ bằng đầu ngón tay, tôi định nhặt vào chén, nhưng Bác đã lấy cơm ấy bỏ vào chén của mình và nói với tôi: “Người nông dân làm ra hạt gạo là một nắng hai sương, cực khổ lắm, mình phải hết sức tiết kiệm”. Lời nhắc nhở ấy đã theo tôi suốt cuộc đời. Sau này, tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu là không được để đồ ăn thừa mứa. Phải biết sống cần kiệm, quý trọng thời gian, yêu thương, tử tế với mọi người… Nếu nói “điều gì ảnh hưởng” thì có lẽ rất khó để trả lời cụ thể, bởi vì càng nghiên cứu, càng viết về Bác thì tinh thần, tư tưởng, đạo đức của Bác đã thấm vào tôi một cách rất ngọt ngào, tự nhiên.
|
Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển phương Đông (nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM) |
“Viết về Bác không bao giờ là đủ"
* Sau này, có điều gì khác biệt hơn trong những trang viết về Bác khi ông trở thành nhà khoa học?
- Công tác nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi phải đảm bảo tính chính xác cao, phân tích, đối chiếu tư liệu… Ngày càng có thêm nhiều tư liệu về Bác, sách báo thế giới, tài liệu của mật thám theo dõi Bác được giải mật; chính sử, dã sử và những hư cấu về Bác xuất hiện. Tôi phải tra cứu, đối chiếu, so sánh và tìm ra sự thật. Ví dụ, có thông tin Bác rời Phan Thiết vào Sài Gòn bằng xe lửa nhưng sự thật là Bác và cha đã đi bằng tàu thủy của công ty nước mắm Liên Thành. Tôi luôn nghĩ, cuộc đời Bác đã là một pho tiểu thuyết vĩ đại, vậy nên viết về Bác thì không cần hư cấu, chỉ cần viết làm sao cho chân thật là đã đủ, đã đầy cảm xúc về Người.
* Đã viết nhiều tác phẩm về Bác, ông sẽ còn viết tiếp?
- Tôi đang viết bản thảo Theo chân Bác. Cuốn sách Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng dừng lại ở ngày Bác rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước; nhưng vẫn còn một hành trình 30 năm Bác ở xứ người. Hàng chục năm qua, trong những chuyến công tác nước ngoài, tôi vẫn tìm đến những nơi Bác từng sống và làm việc. Mỗi nơi chốn, hình ảnh lưu dấu Bác đều khiến tôi vô cùng xúc động. Như khi đến thăm căn phòng Bác đã sống và làm việc ở Pháp tại số 9 ngõ Compoint, quận 17 Paris (nay hiện vật đã được đưa về phục dựng trong Bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil - PV). Đó là một căn phòng rất nhỏ, chỉ 10m2, có giường, bàn làm việc và một viên gạch. Ban ngày đi làm, Bác gửi viên gạch trong lò sưởi của chủ nhà, tối về dùng để sưởi ấm. Hay khi đến công viên Luxembourg và thư viện Sainte Geneviève, tôi cảm thấy như Bác vẫn còn đâu đó…
Hoặc khi tôi đến thăm nơi Bác từng sống và làm việc ở Hồng Kông, nhìn thấy hoa dương tử kinh, đọng lại sâu sắc trong lòng tôi là ý nghĩa biểu tượng của loài hoa này. Đó là ý nghĩa tượng trưng cho tất cả: sự kiên cường, chiến thắng, thủy chung, trường tồn… Viết về Bác bao nhiêu cũng cảm thấy không đủ. Cuộc sống, sức lao động, ý chí của Bác đều khiến lòng xúc động. Tôi hy vọng có thể hoàn thành tác phẩm này trong năm nay.
* Xin cảm ơn ông.
Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)