Diễn đàn: Sinh con - chuyện không phải của riêng phụ nữ

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân: Hài hòa mối quan hệ “tay ba” người dân - doanh nghiệp - Nhà nước

24/08/2024 - 09:29

PNO - Khi đưa ra chính sách, làm thế nào các cặp vợ chồng phải cảm nhận rằng, việc sinh con là có lợi. Bản thân họ không phải hy sinh quá nhiều.

Quan tâm đặc biệt đến chính sách dân số và phát triển, trong suốt quá trình công tác, kinh qua nhiều vị trí, vai trò, nhiệm vụ, nguyên Phó thủ tướng, đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân luôn có những nghiên cứu công phu, các phát biểu đầy tâm huyết trên nghị trường Quốc hội cũng như nhiều diễn đàn khác.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn về câu chuyện khuyến sinh.

1 lao động không nuôi nổi 1 người con, họ sẽ không sinh

Phóng viên: Nhiều năm trước, từ Quốc hội khóa XIV, ông đã phát biểu về vấn đề mức sinh thay thế. Đến nay, tình trạng “ngại sinh con” đang trở nên đáng lo ngại ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Trước hết, với góc độ là người đã từng tham gia Chính phủ giai đoạn từ năm 2008-2013, khi đó, chúng tôi cùng ngành y tế đã rà soát lại kết quả chương trình phát triển dân số. Chúng tôi nhận thấy, kinh nghiệm các nước sau thời gian tỉ suất sinh giảm xuống mức 2,1 con/phụ nữ - mức sinh ổn định của một quốc gia, nếu không có các biện pháp hướng dẫn, định hướng thì sẽ tiếp tục giảm. Nếu không làm kịp thời và để kéo dài từ 20-50 năm, giống như Nhật Bản hay Hàn Quốc, các chính sách khuyến sinh hầu như không có tác dụng.

Do đó, chúng tôi đã tham mưu để Trung ương ra Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết đặt mục tiêu là phải ổn định, đảm bảo vững chắc mức sinh thay thế. Việt Nam là một quốc gia rất hiếm trên thế giới có một chỉ tiêu như vậy.

Đến nay, đã 7 năm kể từ khi nghị quyết ban hành, về tổng thể, bên cạnh các chỉ tiêu đạt kết quả như: khám tư vấn cho nam nữ khi chưa kết hôn, khám sàng lọc thai nhi... việc giữ vững tổng tỉ suất sinh đã không làm được.

Với thực tế của Việt Nam, theo kinh nghiệm các nước, nếu chúng ta không quyết liệt thay đổi chính sách, tổng tỉ suất sinh sẽ chỉ giảm. Đi cùng với đó sẽ là hàng loạt nguy cơ.

Đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân
Đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

* Như ông đã phân tích, chúng ta đã có chiến lược, nhận thức sớm về vấn đề này, tại sao mức sinh vẫn giảm?

- Theo tôi, có một số nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, trong thời kỳ phát triển kinh tế những năm 1970, nhiều quốc gia đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu. Trong đó, chỉ tiêu hàng đầu là GDP đầu người tăng, chứ không có mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ vững tổng tỉ suất sinh. Do đó, có xu hướng là nếu đo sự giàu có một đất nước bằng GDP đầu người thì càng giàu, họ càng đẻ ít đi.

Thứ hai, trong khi GDP đầu người tăng, lương tối thiểu của nhiều người dân ở Nhật Bản, Hàn Quốc... đều không nuôi đủ 2 người con. Cái gốc chính ở đây là gì? Đó là một chính sách tiền lương không nhằm tái tạo lao động cho quốc gia.

Quay trở lại Việt Nam, chúng ta hiện nay có khái niệm “tiền lương tối thiểu” nhưng chưa định nghĩa, định lượng được lương tối thiểu nuôi được mấy người. Hãy nhìn lương tối thiểu ở các vùng cả nước, 1 lao động không thể nuôi được 1 người con. Như vậy, họ sẽ không sinh.

Yếu tố thứ ba là vấn đề nhận thức. Khi phải đối diện một cuộc sống mà thu nhập không đủ nuôi con, cùng điều kiện nhà ở, người dân phải lựa chọn sống cho mình.

Thứ tư là thời gian làm việc quá dài. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, người lao động làm việc 10-12 tiếng/ngày, không có thời gian để hẹn hò, lập gia đình. Còn ở Việt Nam, vấn đề này cũng đã xảy ra với một số thành phố lớn, điển hình là TPHCM.

Thống kê cho thấy, 83% người lao động thành phố làm việc bình quân hơn 8 tiếng/ngày, trong khi cả nước là 72%. Trong nhiều năm, TPHCM là nơi có thời gian lao động dài nhất cả nước, GDP cao nhất và đi cùng với đó là nằm trong “tốp” các địa phương có tổng tỉ suất sinh thấp nhất.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chuyển tiền lương tối thiểu sang tiền lương đủ sống

* Vậy theo ông, chúng ta cần những giải pháp quyết liệt nào để đảm bảo mục tiêu về mức sinh thay thế, đặc biệt với TPHCM?

- Phải khẳng định lại, Nghị quyết 21 của chúng ta đã rất đúng đắn khi xác định con người là tài nguyên quý nhất, phải phát triển xã hội đồng hành phát triển kinh tế. Thế nhưng, phải rà soát thêm những vấn đề đặt ra trong thực tiễn triển khai.

Trước tiên là điều kiện về nhà ở. Hãy hỏi người lao động: họ muốn gì? Hầu hết họ không muốn mua, họ muốn thuê, vì họ có thể chỉ làm 20 năm ở thành phố rồi về quê. Chúng ta phải đẩy mạnh nhà ở xã hội để cho thuê. Khi họ có con thì phải có cơ chế để họ có thể thuê được nhà lớn hơn, có thể đưa cả cha mẹ từ quê lên hỗ trợ việc trông cháu. Chương trình nhà ở phải tính đến nhu cầu thuê là hàng đầu và tổ chức cho thuê linh hoạt.

Tiếp theo là cơ sở giáo dục. Tại TPHCM, 5 năm có thêm 1 triệu người nhập cư. Đó là những lao động ở tuổi lập gia đình và sinh sản. Trong khi đó, tiến độ quy hoạch, hình thành nhà trẻ công lập chưa theo kịp. Quy hoạch y tế cũng vậy, phải có đủ cơ sở y tế, đừng quá xa. Xây dựng cơ sở y tế phải gắn với các khu lao động.

Ngoài ra, với các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM, cần tập trung giải quyết vấn đề thời gian làm việc. Trên cơ sở thỏa thuận người lao động với công đoàn, hạn chế tối đa làm việc quá sức, quá thời gian quy định để người dân có thời gian lập gia đình, chăm sóc con cái. Đây chính là tương lai của người lao động và tương lai đất nước.

Về lâu dài, chúng ta phải chuyển từ “tiền lương tối thiểu” sang “tiền lương đủ sống”. Đảm bảo mối quan hệ “tay ba” hài hòa giữa người lao động - doanh nghiệp - Nhà nước. Doanh nghiệp có lãi, Nhà nước thu thuế, nhưng người dân vẫn đủ thu nhập để nuôi đủ 2 con.

Tôi xin nhắc lại: trách nhiệm ở đây đi kèm với điều kiện là Nhà nước phải điều chỉnh chính sách, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, đảm bảo 2 mục tiêu: lợi nhuận và người lao động đủ thu nhập, sinh đủ con là như nhau. Đấy mới là phát triển bền vững.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

* Hiện nay, nhiều địa phương tính tới việc hỗ trợ 1 lần cho người dân sinh đủ 2 con trở lên. Theo ông, điều này có khả thi? Nhiều người dân tỏ ra không mặn mà với chính sách này?

- Đúng như vậy. Trong vòng 16 năm, Hàn Quốc đã chi 200 tỉ USD, nhưng tổng tỉ suất sinh ngày càng giảm. Mỗi ngày, bình quân họ hỗ trợ 3-5 USD nếu gia đình có thêm 1 người con. Nhiều người cho rằng, con số này là không đáng kể. Có ý kiến cho hay, 1 tháng hỗ trợ vài trăm USD cũng không đủ hỗ trợ y tế, học hành nên họ không sinh.

Những người chưa có con không thể hiểu hết được hạnh phúc của những người làm cha, làm mẹ. Người ta chỉ nhìn thấy làm cha mẹ là khổ sở. Giáo dục phổ thông chưa giáo dục nhiều, phải có thêm cấu phần này. Làm thế nào để trẻ thấy rằng, lớn lên, có vợ có chồng, có con là hạnh phúc đặc biệt mà những người độc thân không thể có được.

Khi đưa ra chính sách, làm thế nào các cặp vợ chồng phải cảm nhận rằng, việc sinh con là có lợi. Bản thân họ không phải hy sinh quá nhiều. Chúng ta phải trở lại nguyên tắc: lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp phải đồng bộ.

* Xin cảm ơn ông.

Chỉ hơn 40 năm nữa, cả thế giới sẽ thiếu lao động

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Hồi tháng 7/2023, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc lần đầu tiên phải tuyên bố: “Không có người nhập cư thì Hàn Quốc không có tương lai”. Thế nhưng, bài toán nhập cư của các quốc gia phát triển, có tổng tỉ suất sinh thấp cũng không thể xem là bền vững.

Hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu phải sử dụng người nhập cư ở châu Phi. Tổng tỉ suất sinh của châu Phi đang ở mức cao, trên 3,0 con/phụ nữ. Tuy nhiên, thế giới đã dự báo, tới năm 2056, con số này ở châu Phi sẽ giảm xuống còn 2,1 con/phụ nữ.

Như vậy, chỉ hơn 40 năm nữa, cả thế giới sẽ thiếu lao động. Dự báo, nếu không cải thiện tổng tỉ suất sinh, đến năm 2750 sẽ không còn người Hàn Quốc nào, năm 3000 sẽ chỉ còn 56 người Nhật Bản”.

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI