Nâng thu nhập cho nông dân miền Trung
Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa sinh năm 1973. Từ ngày tốt nghiệp THPT đến nay, bà đã miệt mài gắn bó với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế). Sau 4 năm làm sinh viên, bà được giữ lại trường công tác rồi nhận học bổng thạc sĩ tại Thái Lan và bà đã tốt nghiệp loại xuất sắc.
Thời gian bà trở lại Trường đại học Nông Lâm cũng là giai đoạn trường nhận được nhiều dự án hợp tác quốc tế, nhờ đó bà có nhiều cơ hội được tham gia. Bà chia sẻ, việc đó không chỉ giúp rèn kỹ năng ngoại ngữ, kinh nghiệm thực hiện dự án, nghiên cứu khoa học mà còn giúp bà bồi đắp tác phong chuyên nghiệp, sự nghiêm túc cũng như tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Dù ở vị trí nào - thư ký hay phụ trách dự án - bà cũng đều không cho phép mình chậm trễ thời gian hoàn thành công việc.
|
Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa nhận giải thưởng Kovalevskaia 2023 do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng - Nguồn ảnh: baochinhphu.vn |
Tố chất của một người làm khoa học đã một lần nữa giúp bà có cơ hội học tập, nghiên cứu tại một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới là Vương quốc Bỉ. Bà chia sẻ: “Khi là nghiên cứu sinh ở Trường đại học Louvain, tôi bày tỏ mong muốn được làm luận án tiến sĩ với giáo sư Joseph Dufey. Bởi khi đó, giáo sư Joseph Dufey là người chủ trì dự án “Nâng cao sản xuất lương thực trên vùng đất cát biển miền Trung Việt Nam” đang triển khai tại trường. Giáo sư không trả lời mong muốn của tôi mà giao cho tôi viết câu hỏi điều tra, đi thực tế, xây dựng đề cương nghiên cứu dự án… Sau 1 tuần lặng lẽ theo dõi công việc của tôi, giáo sư đã đồng ý hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ”.
Khi bảo vệ luận án, người thầy Joseph Dufey của bà đã nhận xét, trong những năm ông tham gia hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ, đó là luận án ít bị hội đồng đánh giá, chỉnh sửa nhất. Bà đã nhận bằng tiến sĩ tại Vương quốc Bỉ, ở tuổi 35.
Miền Trung với những dải đất cát nghèo dinh dưỡng ven biển, thu nhập của người nông dân thấp. Nên ngay từ khi trở lại Trường đại học Nông Lâm giảng dạy, bà Hoàng Thị Thái Hòa đã hướng đến những công trình nghiên cứu phục vụ nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu như sản xuất các loại phân hữu cơ, xây dựng quy trình sử dụng phân bón cho cây trồng, nghiên cứu hàm lượng nitrat trong đất và rau, giải pháp tăng cường phát triển cây dưa lấy hạt trên đất cát biển, các biện pháp sử dụng nước, phân bón hợp lý để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu…
Những nghiên cứu của bà đã giúp các nông hộ nghèo ven biển bổ sung giống cây trồng mới có khả năng luân canh, tăng vụ cao, đầu tư thấp, kỹ thuật đơn giản, khả năng quay vòng vốn nhanh, tăng thu nhập từ trồng trọt.
Đặt tâm huyết vào nghiên cứu phân hữu cơ
Bà Hoàng Thị Thái Hòa và cộng sự đã có không ít đề tài giành giải thưởng khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia. Song những công trình tâm huyết nhất của bà đều là sản xuất phân hữu cơ. Bởi bà luôn trăn trở làm thế nào để có loại phân bón vừa an toàn, thân thiện với môi trường vừa phù hợp với túi tiền của người nông dân, đem lại lợi nhuận, đảm bảo người nông dân dần từ bỏ các loại phân hóa học nguy hại.
Xử lý phân chuồng bằng hầm biogas lấy khí đốt đã không còn xa lạ. Song, sau khi lấy được khí đốt, vẫn có chất thải từ hầm biogas. Từ năm 2019, bà và cộng sự đã nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ từ chất thải biogas để tạo ra nguồn phân bón, đồng thời giải quyết ô nhiễm môi trường. Sau khoảng nửa năm nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá ảnh hưởng của việc phối trộn một số vật liệu ủ đến chất lượng của phân hữu cơ từ chất thải biogas, bà và cộng sự đã tìm ra kết quả: trong các vật liệu ủ thì rơm rạ, vỏ lạc, than bùn kết hợp với dung dịch và chất cặn hầm ủ biogas (cùng chế phẩm trichoderma) sẽ cho chất lượng phân hữu cơ tốt nhất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất phân hữu cơ từ chất thải biogas thu được cũng cao nhất.
Sau khi nghiên cứu này hoàn thành và áp dụng hiệu quả trong đời sống, giúp giải quyết ô nhiễm môi trường, các nông hộ tận dụng chất thải để có nguồn phân hữu cơ tại chỗ, tiết kiệm chi phí; nữ giáo sư bắt tay vào nghiên cứu sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh. Qua đó, người nông dân có thể tận dụng các loại rong cỏ, rong biển, bèo tây (lục bình) ở các ao hồ, đầm phá để làm ra phân bón lá sinh học một cách đơn giản.
Điềm đạm và dung dị, bà chia sẻ: “Tôi có thể không chỉn chu về hình thức nhưng khi làm khoa học, tôi luôn chỉn chu nhất trong khả năng của bản thân. Hiếm khi tôi cùng bạn bè ngồi uống cà phê hay tán gẫu, bởi tôi thấy tiếc thời gian”.
Là một phụ nữ làm khoa học, bà cho biết phải tranh thủ sự san sẻ của chồng, người thân, thậm chí tranh thủ cả việc rèn con cái tính tự lập để mẹ có thể hoàn thành công việc. Trong thời gian nuôi con nhỏ, bà làm cả nghiên cứu sinh, nghiên cứu khoa học nên việc đêm đêm vừa dỗ con vừa viết báo cáo nghiệm thu đề tài là chuyện rất bình thường. Với bà, sự ủng hộ của gia đình, của 2 bên nội ngoại đã giúp bà có động lực vượt qua thử thách để có được thành quả như ngày hôm nay.
|
Nhà khoa học Hoàng Thị Thái Hòa (thứ ba từ trái qua) cùng cộng sự trong phòng thí nghiệm - Ảnh: X.P. |
Ai cũng có thể làm phân bón lá sinh học
Bà Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ: “Hiện nay, phần lớn người nông dân lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Trong khi muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì phải có phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học… Ở Thừa Thiên - Huế, diện tích ao hồ, đầm phá rất lớn, dồi dào nguồn thực vật thủy sinh từ các loại rong cỏ, rong biển, bèo tây (lục bình) nhưng chưa được tận dụng. Trước đây, tôi đã có 1 nghiên cứu, cũng làm phân bón từ các loại rong biển, bèo tây. Đây là loại phân bón vào đất, rễ cây. Song sản xuất loại phân bón này tốn rất nhiều công lao động nên tôi hướng đến việc sản xuất phân bón lá để giảm sức lao động, hiệu quả cũng rất nhanh so với các loại phân bón hóa học khác”.
Các nguyên liệu đều rất dễ kiếm, gồm một số loại rong ở đầm phá Tam Giang và bèo tây có rất nhiều ở các ao hồ, kênh rạch. Cách làm này kết hợp được các loại thực vật thủy sinh với nhau, chất lượng đảm bảo như một số loại phân bón hữu cơ có mặt trên thị trường. Các loại thủy sinh đưa về, rửa sạch rồi đem ủ với các loại vật liệu khác nhau như chế phẩm trichoderma, rỉ mật… Sau 2 tháng ủ đã có thể đưa ra chiết rút - thu được loại phân bón này. Bà cho biết, quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh rất đơn giản, ai cũng có thể làm được ngay tại nhà. Chi phí sản xuất rất thấp, song loại phân này có đầy đủ khoáng đa lượng, khoáng vi lượng… cần thiết cho cây ăn lá.
Chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu Đến nay, nhà khoa học Hoàng Thị Thái Hòa đã chủ trì 19 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 đề tài hợp tác quốc tế, 1 đề tài quốc gia, 4 đề tài cấp bộ, 4 đề tài cấp huyện, 8 đề tài cấp cơ sở, đồng thời là thư ký khoa học của 1 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài hợp tác quốc tế… Bà còn có 6 hợp đồng tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ. 2 công trình tâm huyết của bà là sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và quy trình sản xuất phân bón lá sinh học từ thực vật thủy sinh đều đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Bà được phong hàm giáo sư năm 2019. Ở thời điểm đó, bà có hơn 130 bài báo trong nước và quốc tế, trong đó có 7 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế ISI. |
Ngọc Minh Tâm