Giáo sư Phan Văn Trường: Phụ nữ hơn hẳn nam giới trong khởi nghiệp

17/02/2017 - 17:21

PNO - Nhiều lúc tôi vẫn tự hỏi: việc khởi nghiệp thích hợp với phụ nữ hay nam giới hơn? Khả năng thành công liệu có khác biệt theo giới tính không?.

Giao su Phan Van Truong: Phu nu hon han nam gioi trong khoi nghiep
Giáo sư Phan Văn Trường (Cố vấn Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế; giáo sư quản trị kinh doanh tại Viện John Von Neumann, ĐH Quốc gia TP.HCM, tác giả cuốn sách Một đời thương thuyết, NXB Trẻ 2014)

Tôi từng có cơ hội cộng tác với nhiều chính khách và chuyên viên cả nam lẫn nữ và xin thú thật, những nhân vật gây ấn tượng nhiều nhất cho tôi phần lớn là phái nữ.

Trong nhiều bài tham luận, tôi từng đề cập đến những điều kiện và đức tính mà việc khởi nghiệp đòi hỏi, cụ thể:

Thứ nhất là am hiểu thị trường. Nếu muốn kinh doanh thì phải hiểu biết sâu sắc thị trường. Về vấn đề này, phụ nữ “ăn đứt” nam giới. Phụ nữ quan tâm đến chi tiết nhiều hơn nam giới, theo dõi kỹ hơn nam giới những biến đổi về gu của người tiêu dùng. Nam giới hời hợt hơn và vì thế, khó mà ganh đua với nữ giới về mặt này. Am hiểu thị trường là điều kiện đầu tiên để có thể khởi nghiệp thành công.

Thứ nhì là phụ nữ thực tế hơn nam giới. Họ luôn làm thử mọi việc trong khuôn viên nhỏ trước khi ra biển lớn; trong khi nam giới thường chủ quan, ngộ nhận nhu cầu cá nhân là nhu cầu của đại chúng. Chúng ta dễ tưởng mình thích hút thuốc thì ai cũng thích hút; mình thích ăn ngọt là ai cũng thích ăn ngọt... Như vậy, nam giới thua cả về cá tính thực tiễn so với nữ giới. Mà khởi nghiệp là phải thực tiễn.

Thứ ba, phụ nữ cảm nhận rõ hơn nam giới về giá trị của đồng vốn. Với họ, một đồng là một đồng. Nam giới không chi tiết như thế. Khi vay tiền để đầu tư, các ngân hàng thường tin tưởng vào tài sử dụng đồng vốn của nữ doanh nhân hơn là nam doanh nhân. Nam giới có thể tiêu một hai chục triệu cho một cuộc nhậu, nhưng phụ nữ thì không. Biết sử dụng vốn là kim chỉ nam của việc khởi nghiệp.

Thứ tư, phụ nữ luôn theo dõi dự án khởi nghiệp của họ sát hơn nam giới, luôn có tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Họ sẽ bám vào từng chi tiết, thảo luận về cách điều chỉnh khi cần và sẽ nhanh chóng điều chỉnh khi cảm nhận được mình đang sai đường. Cho dù chuyện khởi nghiệp quan trọng đến mấy thì nam giới vẫn xếp sau những thứ ưu tiên như một cuộc nhậu sau một buổi họp vui vẻ với bạn bè. Sống như thế tuy “đúng phong cách”, nhưng lại không đúng khi đã lao vào việc khởi nghiệp.

Thứ năm là cái tư duy đơn giản hóa sản phẩm mà phụ nữ nào cũng có sẵn trong máu. Nam giới thích cầu kỳ hơn. Cần phải nhìn nhận, cầu kỳ hóa là lộ trình dễ dẫn tới ngõ cụt. Trái lại, đơn giản hóa dễ đưa tới những sáng tạo, những quyết sách hay.

Thứ sáu, sự nhẫn nại là điều kiện tiên quyết để thành công. Mà chữ nhẫn thì khó có phụ nữ nước nào sánh bằng phụ nữ Việt.

Thứ bảy là tính quyết liệt. Nam giới thật sự có quyết liệt hơn phụ nữ không? Nam giới không thể thức đêm thức hôm để làm xong việc như phụ nữ thường làm; thậm chí mỗi tuần, mỗi ngày đều phải thức. Khởi nghiệp thì dứt khoát phải quyết liệt.

Thứ tám, cách sử dụng lợi nhuận khi việc khởi nghiệp bắt đầu đem lại thu nhập. Nam giới sẽ hào hứng mời bạn bè nhậu nhẹt ngay sau khi công ty khởi nghiệp chỉ vừa thu lợi vài đồng bạc còm. Nhưng phụ nữ thì khác. Họ sẽ đầu tư ngay đồng lợi nhuận đầu tiên. Có thế thì công ty khởi nghiệp mới “chóng lớn” chứ. Họ nuôi doanh nghiệp của họ như cho con bú. Có người đàn ông nào biết làm việc đó không?

Thứ chín, nam giới hay mơ màng. Thậm chí sản phẩm còn chưa kịp bán trên thị trường nội địa là đã mơ đến quốc tế hóa. Phụ nữ đi đến đâu ăn chắc đến đó. Khởi nghiệp là phải thế.

Và cuối cùng là nam giới dễ nản lòng, bỏ cuộc hơn phụ nữ. Đây là điều tối kỵ trong khởi nghiệp. Khởi nghiệp hiếm khi thành công ngay. Phụ nữ có khả năng chịu đựng gần như… vô bờ bến, một tính cách mà nam giới rất nể phục và cả… e ngại.

                                                                                                    GS Phan Văn Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI