Xưa nay, có câu “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” tôn vinh “tứ trụ” của ngành sử học Việt Nam đương đại. Đó là các giáo sư hàng đầu, thuộc “thế hệ vàng” trong hệ thống giáo dục nước nhà sau năm 1954: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng. Với sự đóng góp to lớn bằng các công trình nghiên cứu khoa học, họ là những nhà nghiên cứu thực thụ góp phần thúc đẩy sự tiếp cận các vấn đề sử học nói chung.
Với GS Phan Huy Lê, từ năm tháng tuổi trẻ, lúc 18 xuân xanh vào học dự bị đại học ở Thanh Hoá, ông đã lọt vào “mắt xanh” các nhà giáo đáng kính như Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh… Họ đã nhìn thấy ở cậu sinh viên thuộc dòng dõi hậu duệ Phan Huy Ích, Phan Huy Chú… tố chất cần thiết để đào tạo trở thành nhà nghiên cứu.
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập gồm 4 khoa: Toán - Lý, Hoá - Sinh, Văn và Sử. Phan Huy Lê vừa tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa đã được nhận ngay vào bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của GS Đào Duy Anh.
Nhà giáo Nguyễn Quang Ngọc cho biết: “Hai năm sau, khi GS Đào Duy Anh chuyển công tác về Viện Sử học, mới 24 tuổi đời, Phan Huy Lê đã vững vàng trong trọng trách của một chủ nhiệm bộ môn đứng mũi chịu sào tổ chức và xây dựng một ngành học giữ vị trí then chốt trong hệ thống các môn học về khoa học xã hội Việt Nam”.
Sự nghiệp nghiên cứu của GS Phan Huy Lê bắt đầu từ năm tháng này, và ông đã đeo đuổi bền bỉ cho đến cuối đời. Lao động không ngơi nghỉ của ông khiến ta nghĩ đến một con người luôn trong tâm thế tìm tòi, phản biện nhằm tiếp cận đến chân lý khoa học. Ông quan niệm: “Sử học là cuộc đối thoại không ngừng nghỉ giữa hiện tại và quá khứ”.
Có thể nhìn thấy chủ đề xuyên suốt trong học thuật của ông thuộc về các vấn đề: Sử học và tiếp cận di sản Hán Nôm; Những vấn đề tổng quan về lịch sử; Tiến trình lịch sử và cấu kết kinh tế - xã hội; Thiết chế chính trị - di sản và thừa kế; Những trang sử chống ngoại xâm; Nhân vật lịch sử; Văn hóa và truyền thống dân tộc.
Có một nét độc đáo, cần lưu ý về GS Phan Huy Lê là quá trình tìm về văn hóa dưới góc nhìn lịch sử. Trả lời phỏng vấn của tạp chí Tuyên giáo (số tháng 3/2017), ông khẳng định: “Tiềm lực to lớn nhất của nhân dân được tích lũy, kết tinh trong nền văn hóa. Cho nên mỗi khi mất nước, trong âm mưu đồng hóa của đối phương bao giờ cũng có âm mưu xóa bỏ, tiêu diệt nền văn hóa của ta, đồng hóa với nền văn hóa của họ. Có lịch sử, có văn hóa là có lòng dân. Mất lịch sử, mất văn hóa, mất lòng dân là mất tất cả”.
Trong các năm - từ năm 1988 đến năm 2016, trên cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê đã “đứng mũi chịu sào” trong nhiều cuộc hội thảo khoa học về các vấn đề sử học. Chẳng hạn, cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan ở Hoan Châu trước đây giới sử học cho rằng chỉ diễn ra và thất bại trong năm 722; nay đã đủ chứng cứ để kết luận cuộc khởi nghĩa bùng nổ từ đầu năm 713 và tồn tại gần 10 năm. Rồi vấn đề đánh giá lại các nhân vật phức tạp như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký… cũng tạo ra nhiều tranh luận sôi nổi.
Nhưng “nổi đình nổi đám” nhất vẫn là hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX”. Từ kết quả nghiên cứu khởi xướng tại Huế, sau đó mở rộng ra Hà Nội, TP.HCM; và đặc biệt là hội thảo tổ chức tại Thanh Hóa vào ngày 18-19/10/2008 quy tụ hơn 500 nhà khoa học đánh giá, nhìn nhận lại triều Nguyễn. Phải nói rằng, kết luận tại hội thảo này đến nay vẫn là vấn đề thời sự, vẫn được tranh luận dai dẳng trong giới học thuật.
Theo GS Phan Huy Lê, triều Nguyễn phải chịu “trách nhiệm nặng nề và là tội lỗi” về việc để mất nước vào tay giặc Pháp. Thế nhưng không thể “phủ nhận sạch trơn” với những đóng góp tích cực; trong đó, “cần đặc biệt chú ý tới công việc quản lý và thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, ông khẳng định.
Từ góc nhìn của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam mà GS Phan Huy Lê đứng đầu, ta thấy rõ nét một quan niệm như ông từng bộc bạch: “Tôi cho rằng một nền khoa học phát triển phải luôn có tranh luận, phản biện. Một nền khoa học không có sự tranh luận là một nền khoa học “chết lâm sàng”; và “Các cuộc tranh luận dù rất gay gắt nhưng dựa trên cơ sở khoa học, mang tính học thuật cao, văn hóa cao thì kết quả rất tốt, rất tích cực. Nhưng gần đây có một số cuộc tranh luận không đạt được như vậy”.
Trong cuộc đời, GS Phan Huy Lê từng giữ nhiều trọng trách nhưng theo chúng tôi, quan trọng nhất vẫn là lúc ông thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ về việc tập hợp giới sử học nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam với yêu cầu là bộ sử quốc gia. Ông được tin cậy giao làm chủ nhiệm đề án của pho sử này.
Với những đóng góp cực kỳ to lớn và có giá trị lâu bền, GS Phan Huy Lê đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản)...
Vĩnh biệt GS Phan Huy Lê, chúng ta thương tiếc một mẫu hình của tầng lớp trí thức kiểu mới, luôn năng động, thật sự làm nghề, không “ăn theo nói leo” đã thật sự để lại nhiều đóng góp to lớn. Ông đã tận hiến vì khoa học trên tinh thần phản biện, tìm tòi, tranh luận nhằm cống hiến hết mình vì Tổ quốc.
GS, NGND Phan Huy Lê sinh 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông từ biệt cõi trần vào lúc 13h06 ngày 23/6/2018 tại Hà Nội.
Lễ viếng và truy điệu GS Phan Huy Lê được Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng gia đình tổ chức từ 7h30 đến 10h00 ngày 27/6/2018 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h00 cùng ngày.
|
Lê Minh Quốc