“Đoạt giải Nobel chỉ là ước mơ thoáng qua thời thơ ấu. Khi trưởng thành, tôi hiểu bản thân cần gì, đơn giản là sự say mê, hứng thú với công việc có ích. Tôi không còn cảm giác trông chờ giải thưởng, cũng chẳng muốn cạnh tranh với ai. Hạnh phúc là thế thôi” - giáo sư Yoshinori Ohsumi (71 tuổi, thuộc viện nghiên cứu công nghệ Tokyo, Nhật Bản), chủ nhân giải Nobel y sinh (sinh lý và y học) năm nay, khiêm tốn chia sẻ về hành trình mà với ông, từng chặng đường đều là niềm vui được tìm tòi, cống hiến vì sự sống của nhân loại.
Ủy ban Nobel tại Viện Karolinska (Thụy Điển) đã vinh danh giáo sư (GS) Yoshinori Ohsumi về những khám phá độc đáo trong cơ chế tự thực của tế bào. Ông là người Nhật thứ tư nhận giải Nobel Y sinh và là người Nhật thứ 25 nhận giải Nobel. Tự thực là quá trình tự hủy và tái chế các thành phần của tế bào.
Có thể hiểu, đây là quá trình loại bỏ các thành phần có hại trong tế bào, tạo điều kiện tái chế phần tế bào còn lại để chúng tiếp tục sự sống. Khái niệm này được biết đến từ 50 năm trước và nhà khoa học người Bỉ Christian de Duve đã nhận giải Nobel Y sinh năm 1974 nhờ phát hiện ra khái niệm trên.
Tuy nhiên, GS Yoshinori Ohsumi mới là người đưa cơ chế tự thực của tế bào gắn với ứng dụng trong ngành công nghệ y sinh, mang lại lợi ích trực tiếp cho đời sống con người. Nếu không có nghiên cứu của ông, khái niệm tự thực chỉ dừng ở lý thuyết, không kết nối được với thực tiễn, không mở ra hy vọng cho nhiều bệnh nhân đang đối mặt với những căn bệnh chưa có thuốc chữa ngày nay. Khám phá này là chìa khóa quan trọng để giới y khoa hướng đến việc chế những loại thuốc có thể thúc đẩy quá trình tự thực, chống lại bệnh tật.
27 năm trước, khi GS Yoshinori Ohsumi bắt đầu dấn thân vào khoa học cơ bản bằng việc nghiên cứu về quá trình tự thực, số bài viết chuyên môn về lĩnh vực này chỉ vỏn vẹn 20 bài. Gần đây, trước thực trạng có quá nhiều bệnh không thể chữa lành bằng tác động ngoại lực, các nhà khoa học mới thật sự tìm hiểu sâu về công dụng quá trình tự thực của tế bào.
|
Giáo sư Yoshinori Ohsumi báo tin vui cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lúc tham dự họp báo sau công bố giải thưởng - Ảnh: Getty Images |
Sự gián đoạn của quá trình tự thực là một trong những nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh thời đại như Parkinson, tiểu đường, ung thư… Giải quyết vấn đề từ bên trong đã trở thành xu hướng toàn cầu. GS Yoshinori Ohsumi là nhà khoa học hiếm hoi có đủ kiến thức cơ sở trong lĩnh vực này, từng trải qua một chặng đường dài miệt mài thử và sai.
Từ hàng ngàn thí nghiệm trên nấm men, GS Yoshinori Ohsumi là người đầu tiên đưa ra định nghĩa về quá trình xử lý chất thải và khả năng tái tạo trong tế bào. Ông công bố nghiên cứu của mình vào năm 1992 và từ đó không ngừng tiến hành vô số thí nghiệm để củng cố kết quả này. Hiện GS Yoshinori Ohsumi đã xác định được 15 gen đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tự thực. Viện Karolinska cho rằng, chuỗi thí nghiệm vĩ đại mà GS
Ohsumi kiên trì thực hiện trong thập niên 1990 là kiến thức nền tảng vô cùng quan trọng để từ đó nghiên cứu tìm ra cách thức điều trị những chứng bệnh mà khoa học vẫn đang còn “bó tay”. Nghiên cứu về tự thực trở thành nhu cầu cấp thiết của ngành y sinh hiện đại. Đến nay, số bài viết về tự thực đã khoảng 5.000 bài, phần lớn là của GS Yoshinori Ohsumi và các nhà khoa học kế thừa từ quá trình nghiên cứu của ông.
Tuổi thơ của GS Yoshinori Ohsumi được vun đắp trong môi trường học thuật nhờ người cha là GS chuyên ngành kỹ thuật tại ĐH Kyushu. Tuy nhiên, ông Yoshinori Ohsumi có sự độc lập của mình.
Ông đam mê khoa học tự nhiên thay vì kỹ thuật công nghiệp và theo học ngành hóa học tại ĐH Tokyo. Sau đó, ông nhận ra mình không thích hợp với những công thức có sẵn mà muốn “giải mã” những bí mật từ tự nhiên. Nhật Bản lúc đó không có nhiều phòng thí nghiệm nên ông xin theo học với tiến sĩ Kazutomo Imahori, nghiên cứu về vi khuẩn E.Coli.
Thành tích không như mong đợi nhưng GS Yoshinori Ohsumi không nản lòng. Ông quyết định làm nghiên cứu sinh cùng tiến sĩ Gerald Edelman tại ĐH Rockefeller ở New York. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của ông. Ngày đêm vùi đầu trong phòng thí nghiệm, có lúc ông nghĩ mình đã mất phương hướng, không tìm ra lĩnh vực muốn dồn hết tâm sức nghiên cứu.
Yoshinori không nghiên cứu để cạnh tranh, chứng minh thành tích. Khi tiếp cận với khái niệm tự thực, ông hiểu đây chính “cánh đồng” mình muốn “cày xới”, một chân trời mới không có bất cứ áp lực nào vì đó là con đường rất ít người xông vào. Chỉ ở một lĩnh vực còn mới mẻ, một nhà khoa học mới nhận diện đầy đủ “tảng băng chìm” của khoa học cơ bản, vốn không hấp dẫn nhưng là ngọn nguồn giúp giải quyết gốc rễ của nhiều vấn đề.
Nói về quá trình làm việc của mình, GS Yoshinori Ohsumi cho biết, ông không đề ra bất cứ tham vọng thương mại cũng như đích đến nào. Giải thưởng Nobel Y sinh năm nay đã giúp tái định vị tầm quan trọng của ngành khoa học cơ bản, vốn là lĩnh vực bị nhiều chính phủ cắt giảm đầu tư.
Trong di chúc của mình, nhà khoa học đại tài người Thụy Điển Alfred Nobel đã gửi gắm tâm nguyện dành tặng giải thưởng Nobel Y sinh cho những ai đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại. Suốt chiều dài lịch sử giải thưởng, không ít lần các nhà khoa học tranh cãi về kết quả giải thưởng dưới góc độ phân tích mức độ phổ quát của ứng dụng được vinh danh.
Nếu nghiên cứu cơ bản đi đến giải quyết ngọn nguồn thì nghiên cứu lâm sàng giúp tìm ra liệu pháp tức thời. Cả hai đều có vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ y sinh. Năm ngoái, giải Nobel Y sinh thuộc về ba nhà khoa học là ông William Campbell (Mỹ), ông Satoshi Omura (Nhật Bản) và bà Đồ U U (Trung Quốc) đều đã ngoài 80 tuổi.
Họ không phải những tên tuổi lẫy lừng, kết quả nghiên cứu cũng chẳng được công bố trên các tạp chí danh giá nhưng họ vẫn bền bỉ theo đuổi mục đích nghiên cứu của mình, âm thầm đóng góp thiết thực cho nhân loại suốt hơn 40 năm.
Hai nhà khoa học William Campbell và Satoshi Omura được ghi nhận vì những đóng góp vô cùng quan trọng trong nỗ lực xóa bỏ bệnh giun chỉ trên thế giới. Hiện Ivermectin được phát miễn phí cho khoảng 300 triệu người trên thế giới hàng năm với hy vọng xóa sổ bệnh giun chỉ vào năm 2025. Việc khám phá và sử dụng
Ivermectin là phát minh quan trọng nhất trong lịch sử y tế công cộng thế kỷ XX, được đánh giá ngang hàng với phát minh ra chất kháng sinh penicillin. Riêng với bà Đồ U U, giai thoại về một phụ nữ tận tụy với liệu pháp điều trị sốt rét từ thảo dược đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều nhà khoa học đam mê lĩnh vực y sinh.
Thuốc trị sốt rét bà điều chế thành công là Artemisinin, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh mục thuốc thiết yếu. Cuối thập niên 1960, khi dịch sốt rét hoành hành, đe dọa tính mạng của người dân nhiều tỉnh miền Nam Trung Quốc, chính quyền lúc bấy giờ đề nghị bà Đồ U U tham gia dự án điều chế thuốc trị sốt rét.
Trước đó, rất nhiều nhóm nghiên cứu đã bỏ cuộc sau 240.000 công thức thất bại. Dù thông thạo cả Đông và Tây y nhưng bà Đồ U U đã phải loay hoay với hơn 2.000 vị thuốc, chiết xuất ra 380 loại thảo dược. Có thể mô tả công việc của bà lúc ấy chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.
Bà chấp nhận là người đầu tiên thử nghiệm công thức chưa hoàn chỉnh, đến mức răng bà gần như rụng hết. 200 lần thử thuốc thất bại mới chạm đến thành công. Trên tất cả, đó còn là nỗi khổ phải chấp nhận xa chồng, xa con gái chỉ mới ba tuổi để toàn tâm toàn ý với công việc.
Từng có lúc người mẹ Đồ U U cố kềm nước mắt, nghe đứa con bé bỏng hờn trách vì mẹ xa nhà quá lâu. Đồ U U không có bằng cấp nào sau đại học, không có nghiên cứu hoặc kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và cũng không là thành viên của bất cứ viện hàn lâm khoa học nào của Trung Quốc. Cho đến trước khi nhận giải Nobel Y sinh, bà chỉ khiêm tốn với chức danh nghiên cứu viên cấp cao tại Học viện Đông y Trung Quốc.
Năm 1901, lần đầu tiên giải Nobel Y sinh được công bố, vinh danh nhà sinh lý học người Đức Emil von Behring với công trình nghiên cứu huyết thanh. Ông đã kiên trì theo đuổi việc nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh bằng cách tiêm huyết thanh miễn dịch của động vật, mở ra một con đường mới trong lĩnh vực y tế. Đây là công trình nghiên cứu mang tính cách mạng và cực kỳ quan trọng trong cuộc sống ngày nay.
Giải thưởng Nobel Y sinh được cả thế giới nghiêng mình thán phục vì giá trị của một nghiên cứu y sinh sống mãi với thời gian. Mỗi nghiên cứu là một mắt xích quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp về sự sống bền vững cho con người. Xuất phát điểm và con đường tiếp cận y sinh có thể không hoàn toàn giống nhau, nhưng các nhà khoa học nhiều thế hệ đều phải cống hiến tâm huyết cả cuộc đời vì một lý tưởng duy nhất: vì sự sống của nhân loại.
Giải Nobel vật lý được trao cho ba nhà khoa học
16g45 ngày 4/10, Viện Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm công bố giải Nobel Vật lý năm 2016 thuộc về ba nhà khoa học Anh đang làm việc tại Mỹ, trong đó nhà vật lý 82 tuổi David J. Thouless được một nửa giải thưởng, nửa còn lại chia đôi cho giáo sư F. Duncan M. Haldane (65 tuổi) và giáo sư J. Michael Kosterlitz (74 tuổi).
Ba nhà khoa học này đã có cống hiến trong việc “khám phá lý thuyết về chuyển pha topo và các giai đoạn topo của vật chất”. Công bố giải thưởng nêu rõ: “Năm nay, những người đoạt giải Nobel vật lý đã mở cửa vào một thế giới bí ẩn mà vật chất được giả định trong trạng thái lạ. Họ sử dụng toán học tiên tiến để nghiên cứu các giai đoạn bất thường hay các trạng thái của vật chất, chẳng hạn như các chất siêu dẫn, siêu lỏng hoặc màng từ trường siêu mỏng. Nghiên cứu tiên phong của họ đã mở đường cho việc săn lùng vật chất mới”.
Từ năm 1901 đến nay đã có 201 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý, trong đó có những tên tuổi lớn như Albert Einstein, Niels Bohr, Marie Curie, Wilhelm Conrad Röntgen... Giải Nobel Vật lý đã được trao 109 lần nhưng chỉ có 47 nhà vật lý được một mình lãnh giải.
Có hai nhà khoa học nữ nhận giải Nobel Vật lý là Marie Curie (nhà khoa học Ba Lan quốc tịch Pháp, năm 1903, với nghiên cứu tiên phong về phóng xạ; sau đó bà còn được trao giải Nobel Hóa học năm 1911) và Maria Goeppert-Mayer (nhà vật lý lý thuyết người Mỹ gốc Đức, năm 1963, về lý thuyết cấu trúc hạt nhân dạng lớp). Tuổi bình quân của các nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý là 55 tuổi, người trẻ nhất là Lawrence Bragg, nhận giải cùng cha mình năm 1915, khi mới 25 tuổi.
Việt Hưng (Theo Nobelprize.org, AP, Reuters)
|
Thiên như (Theo TIME, National Post. Globe and Mail, JCB.org, Vox)