Giáo sư Nhật Bản và ý tưởng "cánh tay robot"

27/06/2023 - 18:49

PNO - Cánh tay robot - thiết bị đeo mô phỏng bộ phận cơ thể người có thể giúp làm các công việc như tìm kiếm và cứu hộ hoặc hỗ trợ các hoạt động đời sống.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Masahiko Inami tại Đại học Tokyo, Nhật Bản đang phát triển một loạt công nghệ bắt nguồn từ ý tưởng "jizai" - thuật ngữ tiếng Nhật chỉ quyền tự chủ và quyền tự do làm theo ý mình, và tạo ra những cánh tay robot có thể đeo sau lưng.

 

Giáo sư Masahiko Inami tạo dáng với thiết bị đeo “cánh tay robot Jizai tại phòng thí nghiệm của ông trong buổi trình diễn ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 22/6
Giáo sư Masahiko Inami với “cánh tay robot Jizai" tại phòng thí nghiệm của ông trong buổi trình diễn ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 22/6

Mục đích của nhóm là thúc đẩy mối quan hệ giữa con người và công cụ robot giống như cách nhạc cụ có thể trở thành một phần cơ thể của người nhạc sĩ.

Inami cho biết ông lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối truyền thống của Nhật Bản và 1 truyện ngắn mang yếu tố kinh dị của tiểu thuyết gia Yasunari Kawabata, kể về người đàn ông mượn cánh tay của 1 cô gái trẻ.

"Công nghệ này hoàn toàn không phải là đối thủ của con người, mà là thứ giúp chúng ta làm theo ý mình, giống như xe đạp. Nó hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống và có thể mở khóa cho sự sáng tạo" - ông Inami chia sẻ.

1 đoạn video quảng cáo "Cánh tay Jizai" cho thấy 2 vũ công ba lê biểu diễn những động tác với cánh tay robot sau lưng. Cả con người và 4 cánh tay máy cùng chuyển động một lúc. Các vũ công cuối cùng đưa tay, cả những cánh tay robot, ôm lấy nhau.

Ông Inami cho biết, một số người tham gia thử nghiệm dường như trở nên gắn bó với các cánh tay robot, đến mức cảm thấy trống vắng và buồn bã khi phải tháo chúng ra.

 

Nhân viên điều khiển mô hình được đồng bộ hóa với cánh tay robot Jizai
Nhân viên điều khiển mô hình được đồng bộ hóa với cánh tay robot Jizai

 

Một cánh tay robot Jizai có thể được tháo lắp dễ dàng
Có thể tháo lắp cánh tay robot Jizai dễ dàng

"Trong tương lai, chúng ta có thể thấy những đôi cánh mọc ra từ lưng con người, hoặc máy bay không người lái gắn vào người... Có thể ai đó sẽ nghĩ ra môn thể thao cần 6 cánh tay hoặc phát minh ra một kiểu bơi mới" - giáo sư Masahiko Inami nói.

Ông cũng nói rằng, các thiết bị đeo mô phỏng bộ phận cơ thể con người có thể giúp làm các công việc như tìm kiếm và cứu hộ hoặc hỗ trợ các hoạt động đời sống.

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI